Người tiêu dùng có thể giám sát giá điện và xăng dầu
(Tài chính) Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng trong Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối ngày 11/5 xung quanh vấn đề minh bạch giá điện cũng như việc đảm bảo không để thiếu điện trong mùa khô 2014 và 2015.
Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ thị trường phát điện cạnh tranh
Trước câu hỏi của một người dân về định nghĩa thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy điện trong một hệ thống điện, chào giá bán cho người mua và trên cơ sở giá bán chào đó thì người mua được lựa chọn những nhà máy chào giá thấp nhất, đó là nguyên tắc về “thị trường phát điện cạnh tranh”.
Bộ trưởng cũng giải thích thêm, “thực hiện theo Luật Điện lực, cũng như quyết định năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/7/2012, chúng ta triển khai vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức”.
Cho đến nay, Việt Nam có 49 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 12.300 MW chiếm khoảng 42% tổng công suất thiết kế của toàn bộ hệ thống điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh chính thức. Những nhà máy này bao gồm: Nhà máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số nhà máy điện độc lập.
“Vậy vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh có nghĩa là các nhà máy điện phải phấn đấu để giảm chi phí trong sản xuất và qua đó sẽ được ưu tiên tham gia vào việc cung cấp điện”, người đứng đầu ngành Công Thương lý giải.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đánh giá: “Tôi nghĩ đây là một trong những điều kiện để một mặt người sản xuất điện có thể sản xuất được giá điện với giá rẻ, mặt khác người thụ hưởng, tức là người dân, có thể được hưởng từ giá điện thấp đó, bởi vì hiện nay giá sản xuất điện chiếm khoảng 70% trong tổng giá thành điện đến người tiêu dùng”.
Giá điện bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) càng thấp thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá điện thấp đó và đây chính là mục đích của việc đưa ra thị trường phát điện cạnh tranh.
Song, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Thời gian vừa qua, việc chúng ta công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện cũng như tình hình hoạt động sản xuất của ngành điện nói chung vẫn còn một số những bất cập, những hạn chế”.
Chính vì vậy, người tiêu dùng có nhu cầu cần phải được nắm rất rõ những chi phí, những yếu tố liên quan đến giá thành điện và từ đó liên quan đến giá bán điện cho người dân. “Và đây chính là một trong những nguyên nhân Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11, ngày 22/4/2014 về công khai minh bạch giá điện”, ông nói.
Giá điện, xăng dầu được công khai, minh bạch tới người dân
Lý giải về việc hưởng lợi của người dân từ Chỉ thị này, Bộ trưởng cho biết, Chỉ thị 11 có 3 nội dung chính, đó là:
Thứ nhất, phải công khai những quy định về mặt pháp luật đối với vấn đề giá điện, giá xăng dầu, cơ chế, biện pháp để điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với giá điện, giá xăng dầu.
Thứ hai, công khai về chi phí của ngành điện cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả về cơ cấu giá thành, có cả những biến động của thị trường đối với loại hàng hóa đó, và cả những thông tin về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh kể cả về thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện, ngành xăng dầu.
Thứ ba, quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa nhằm thông tin đó có thể đến với người dân một cách rộng rãi nhất, phổ cập nhất, thường xuyên nhất.
Bộ trưởng Hoàng đánh giá, với 3 nội dung nói trên nhằm mục đích để cho giá điện, giá xăng dầu công khai, minh bạch, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nhận những thông tin công khai như thế.
“Và qua những thông tin như vậy, người dân biết được quy định pháp luật về vấn đề này, và qua đó sẽ có điều kiện kiểm tra, giám sát xem ngành điện và ngành xăng dầu có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không”, ông nói.
Ngoài ra, qua việc công bố công khai cơ cấu về giá điện cũng như giá xăng dầu, người dân có quyền được lựa chọn giá hợp lý đối với mình. Với việc công khai này, người dân có khả năng tự xem xét, tự quyết định xem mình sử dụng điện, xăng dầu cho tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết thêm, một trong những mục tiêu của việc ban hành Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất điện và xăng dầu cũng như kể cả giám sát hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước.
Không thiếu điện trong năm nay
Trước những lo lắng của người dân về việc thiếu điện trong năm nay, khi chuẩn bị vào cao điểm mùa khô, nhu cầu dùng điện sẽ tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, ngành sẽ đảm bảo nguồn cung điện trong mùa cao điểm với hệ suất dự phòng điện hiện ở mức 20%.
Cụ thể: trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10%-11%, ngành điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu, và điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả năm 2015.
“Tuy nhiên, nếu xảy ra một sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn. Vừa qua, do sự cố của mỏ khí ở phía ngoài khơi vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, cho nên việc cung cấp khí cho sản xuất điện có bị ảnh hưởng”, ông cho biết.
Đứng trước tình hình này, ngành điện cũng đã có những phương án để ứng phó, trong đó đặc biệt là đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước - Cầu Bông. Đây là nguồn điện 500kV thứ hai để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngày 5/5 vừa qua đã bắt đầu vận hành và vận hành rất tốt, đảm bảo cho việc cung ứng điện cho mùa khô này của khu vực phía Nam.
Ngoài ra, “ngành điện cũng có một phương án dự phòng nữa nếu trường hợp có yêu cầu cao hơn về điện thì sẽ huy động các nhà máy điện chạy những nguồn nguyên liệu khác như chạy dầu diezen, chạy dầu mazut thì ngành điện sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điện cho các tháng mùa khô của năm nay cũng như năm 2015”, Bộ trưởng nói.