Người vay vàng khốn đốn

Theo thanhnien.com.vn

Khách hàng vay vàng đang khốn đốn khi rơi vào tình cảnh bị ngân hàng ép chuyển đổi khoản nợ sang tiền đồng trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới một cách bất thường.

Người vay vàng khốn đốn
Người vay vàng chịu thiệt kép khi chuyển đổi vay vàng sang tiền đồng. Nguồn: Internet
Thiệt kép

Ông Phan Năm (Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) bức xúc kể: “Năm 2007, tôi vay 90 lượng vàng tại Ngân hàng (NH) TMCP V., thời gian vay là 15 năm, lãi suất 0,45%/tháng (tương đương 5,4%/năm). Hơn 6 năm qua, tôi đã trả được 40 lượng vàng, còn nợ 50 lượng. Gần đây, nhân viên NH điện cho tôi đề nghị chuyển 50 lượng vàng này sang thành tiền đồng. Tôi không đồng ý thì được nhân viên thông báo trường hợp không đồng ý thì NH sẽ tăng lãi suất vay vàng lên 1%/tháng. Tăng lãi suất vay vàng lên 12%/năm chẳng khác nào ép người vay chuyển đổi sang tiền đồng. Thời điểm tôi vay, giá vàng khoảng 13 triệu đồng/lượng, nay giá vàng ở mức 38 triệu đồng/lượng, người vay đã chịu thiệt nhiều. Đó là chưa kể, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá thế giới đến 6 triệu đồng/lượng. Nếu đổi từ vàng sang tiền đồng, chỉ tính mức chênh lệch này thôi tôi cũng đã phải chịu thiệt 300 triệu đồng”.

Trường hợp của ông Năm không phải là hiếm bởi thời gian gần đây, số lượng hợp đồng vay vàng chuyển đổi sang tiền đồng khá nhiều. Không những cá nhân mà ngay cả một số doanh nghiệp vay vàng cũng phải cắn răng chuyển đổi khoản nợ sang tiền đồng. Một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh có khoản nợ vàng hơn 1.000 lượng đã đồng ý chuyển đổi hợp đồng vay sang tiền đồng và chịu lỗ hơn 20 tỉ đồng do giá vàng hiện cao hơn giá thời điểm vay.

Trong khi đó, hai tổng giám đốc NH cổ phần lớn khi được hỏi về việc này đều cho biết giá vàng chuyển đổi mà NH đưa ra thường là giá trung bình giữa giá mua và giá bán vàng tại thời điểm chuyển đổi. Thế nhưng, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng gần đây đã bị nới rộng từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng/lượng nên mức giá bình quân cũng cao, dẫn đến việc thương lượng chuyển đổi hợp đồng vay khó khăn hơn. Hơn nữa, giá vàng hiện nay đang trong xu hướng giảm nên tâm lý đa số người vay không chấp nhận chuyện chuyển đổi vàng sang tiền đồng.

Theo một luật sư, hợp đồng vay vàng giữa NH và khách hàng được chi phối bởi luật Dân sự. Tùy theo các điều khoản quy định trong hợp đồng mà 2 bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp hợp đồng không quy định các điều khoản điều chỉnh mà một trong 2 bên tự ý điều chỉnh hợp đồng thì có thể đưa nhau ra tòa để xử lý.

Đẩy thiệt hại cho người vay

Khoảng 1 tuần gần đây, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có xu hướng tăng. Đóng cửa phiên cuối tuần qua, giá vàng thế giới giảm 15 USD/ounce, còn 1.223 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC lại ngược hướng tăng lên 130.000 đồng/lượng, giá mua - bán ở mức 37,6 - 38,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới từ 6,5 - 6,9 triệu đồng/lượng (tùy theo tính tỷ giá tự do hay tỷ giá trong ngân hàng) thay vì mức 6 triệu đồng/lượng trước đó. Đây là biểu hiện bất thường của thị trường vàng bởi các NH đóng trạng thái vàng vào ngày 30.6. Theo phân tích của giới chuyên gia và dự báo của cơ quan quản lý, nhu cầu vàng từ khối NH giảm sẽ khiến mức chênh lệch giá trong và ngoài nước cũng giảm theo. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại. Trong tuần đầu tiên của tháng 7, NH Nhà nước tổ chức 3 phiên đấu thầu và bán gần hết khối lượng 4,5 tấn (tương đương 120.000 lượng vàng). Số lượng vàng này hầu hết do khối NH mua. Như vậy, nhu cầu mua vàng từ khối NH vẫn hiện hữu.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đối với trạng thái huy động, 3 NH hiện nay còn khoảng 490 lượng, riêng đối với trạng thái cho vay, số lượng còn khoảng 9 tấn. Trong thời gian qua, những NH triển khai cho vay vàng đã thực hiện đàm phán chuyển đổi các hợp đồng vay vàng sang tiền đồng nhưng vấn đề này không đơn giản. Số vàng huy động gần như không còn, trong khi lượng vàng cho vay còn khá cao nên những NH này sẽ phải mua vàng cân đối.

Một chuyên gia vàng lâu năm cho rằng các NH mua vàng để cân đối với khoản nợ vay vàng sẽ đứng trước rủi ro về giá. Giá vàng tăng thì NH mừng nhưng giá vàng giảm thì NH sẽ lỗ. Để không phải mua vàng cân đối, NH sẽ tăng lãi suất vay vàng lên hơn gấp đôi đối với người vay để khách hàng lựa chọn một là trả nợ vàng trước hạn, còn không thì chuyển đổi hợp đồng vay vàng sang tiền đồng. Như vậy, phần thiệt hại sẽ đẩy về phía người vay vàng dù rằng những hợp đồng này còn thời hạn nhiều năm nữa mới kết thúc.

Người vay vàng đang khốn đốn vì chuyện này.