Người Việt nhộn nhịp sắm Tết online từ tháng Chạp
Dữ liệu của Criteo chỉ ra rằng, người Việt thường bắt đầu mua sắm online để chuẩn bị cho Tết ngay từ đầu tháng Chạp.
Criteo vừa công bố dữ liệu về thương mại điện tử Việt Nam và khu vực trong dịp Tết Âm Lịch năm 2017, nhằm đưa ra kinh nghiệm tham khảo cho các nhà kinh doanh trực tuyến trong mùa Tết năm nay.
Phân tích chuyên sâu về hành vi mua sắm trực tuyến cho biết, giai đoạn sắm Tết online cao điểm của người Việt rơi vào khoảng ngày 6 tháng Chạp đến 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, mặt hàng thời trang và thực phẩm có sự tăng trưởng về doanh thu lớn nhất, lần lượt là 86% và 51%.
Tết năm ngoái, tăng trưởng doanh thu mùa Tết trên ứng dụng di động là cao nhất so với website trên máy tính và điện thoại. Đơn cử như mặt hàng quần áo, tăng trưởng doanh thu từ ngày 6 tháng Chạp đến 23 tháng Chạp trên ứng dụng di động là 73%. Trong khi đó, tăng trưởng trên website máy tính và điện thoại lần lượt là 60% và 64%.
“Trước thềm năm mới, chúng tôi thường ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu của một số mặt hàng vì mọi người mua sắm quần áo mới và thực phẩm ngày Tết. Họ mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nhất là trên các ứng dụng di động, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp thương mại cần tập trung ngân sách vào nền tảng phù hợp trong thời điểm thích hợp. Để tiếp cận được những người mua hàng sở hữu nhiều thiết bị và sử dụng nhiều kênh đòi hỏi các doanh nghiệp phải sử dụng các tập dữ liệu cả online và offline”, ông Alban Villani - Tổng giám đốc của Criteo khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan đánh giá.
Tuy nhiên, giai đoạn từ sau ngày đưa ông Táo, doanh thu thương mại điện tử có sự sụt giảm, kéo dài đến hết mùng một Tết. Kể từ mùng 2 Tết trở đi, có một điểm sáng doanh thu của các gói du lịch trực tuyến từ tất cả các nền tảng tăng đến 52%.
“Việc sụt giảm doanh số những ngày cận Tết cho thấy người tiêu dùng dành thời gian cho gia đình và bạn bè nên dẫn đến việc ít mua sắm trực tuyến. Điều này rất quan trọng cho các nhà bán lẻ và các thương hiệu cần chú ý. Những người tiêu dùng trực tuyến thường mua sắm nhiều vào khoảng 2 đến 3 tuần trước Tết Âm lịch. Các nhà bán lẻ cần quảng cáo và giới thiệu từ 3 đến 4 tuần trước để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng”, ông Alban Villani khuyến nghị.
Tại một số thị trường cùng đón Tết Nguyên đán, phân tích của Criteo đã cho thấy người tiêu dùng cũng bắt đầu chuẩn bị cho Tết Âm Lịch từ mùng 6 tháng Chạp trở đi và giảm vào 5 ngày trước ngày đầu năm Âm lịch. Cùng với thói quen mua sắm trong mùa lễ hội, nhóm hàng thời trang và thực phẩm chứng kiến sự tăng trưởng mua sắm trực tuyến tới 68.5 %.
Phân tích dựa trên 3,5 triệu giao dịch trực tuyến được tập hợp từ các nhà cung cấp thương mại lớn trên mạng, bao gồm các nền tảng như ứng dụng di động, website trên máy tính và di động, ở Singapore, Đài Loan và Việt Nam.