Nguồn hàng bình ổn dịp tết dồi dào
Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh trong mùa tết năm nay dồi dào khi doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng tăng trên 60% so với lượng hàng hóa bán ra Tết Nhâm Thìn 2012.
Hàng hóa bình ổn cũng sẽ đến với người tiêu dùng ở vùng ngoại thành, vùng sâu, vùng xa nhiều hơn nhờ mạng lưới điểm bán rộng khắp và nhiều chuyến hàng lưu động. Đây là khẳng định của Phó giám đốc Sở Công Thương, bà Lê Ngọc Đào, trong buổi họp hôm 2-11 với Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng về nguồn cung hàng tết từ các doanh nghiệp bình ổn.
Hàng nhiều, vốn lớn
Theo báo cáo của bà Đào, tổng nguồn vốn doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị để sản xuất, dự trữ hàng trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Quý Tỵ tới là 3.436,4 tỉ đồng, tăng 605,7 tỉ đồng (tương đương 21,4%) so với Tết Nhâm Thìn 2012 (mức 2.830,7 tỉ đồng). Riêng tháng cao điểm tết, nguồn vốn chuẩn bị bình ổn thị trường là 1.511,1 tỉ đồng. Những con số này đều vượt xa số vốn 262,2 tỉ đồng mà TP.Hồ Chí Minh cho vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp thực hiện.
Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh khẳng định, nguồn cung hàng từ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm từ 30-40 % thị phần hàng tết năm nay.
Số hàng còn lại sẽ được cung cấp từ 3 chợ đầu mối về rau củ quả, trái cây, thực phẩm là Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức (chiếm 40 - 50% thị phần) và các doanh nghiệp trên địa bàn (10-20%). Tại các chợ đầu mối, lượng hàng vào thời điểm cận tết tăng khoảng 50-70% ngày thường. Hiện nay, các chợ
Cũng theo Sở Công Thương, nguồn hàng tết nói chung năm nay cũng rất dồi dào với sự chuẩn bị chu đáo của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm tết nhưng đã chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ và cam kết đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Tổng nguồn vốn các doanh nghiệp chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ hàng tết đạt 6.681,8 tỉ đồng, tăng 1.288,9 tỉ đồng (tương đương 23,9%) so với Tết Nhâm Thìn 2012 (5.392,9 tỉ đồng).
Các hệ thông phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đến nay đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Trong đó, các hệ thống như Maximark, Citimart, Big C... đều có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2-3 lần tháng thường.
Hàng bình ổn bán ở chợ, ở ngoại thành
Lãnh đạo Sở Công Thương cũng khẳng định, hàng trong chương trình bình ổn thị trường đang ngày càng phủ sâu, rộng, đến với nhiều người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn.
Đến thời điểm này, tổng số điểm bán của chương trình bình ổn lương thực - thực phẩm là 2.734 điểm. Trong đó, có 831 điểm bán tại 128 chợ truyền thống; 785 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành với 21 siêu thị, 93 cửa hàng tiện lợi, 590 điểm trong khu dân cư... và 1.118 điểm bán trong khu dân cư nội thành.
Sở Công Thương đặt mục tiêu, từ nay đến Tết Quý Tỵ 2013, các doanh nghiệp mở thêm 100 điểm bán (gồm 4 siêu thị, 30-40 cửa hàng tiện lợi và các điểm bán nhỏ lẻ trong khu dân cư), tập trung phát triển khu vực ngoại thành và các quận ven, khu chế xuất - khu công nghiệp.
Riêng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, đến thời điểm này đã có 13 điểm bán (1 siêu thị, 9 cửa hàng tiện lợi và 3 cửa hàng) tại 10/13 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Trong đó, có 3 cửa hàng tiện lợi được xây dựng trong xí nghiệp đông công nhân. Hàng bình ổn cũng đã được đưa thẳng vào 7 bếp ăn tập thể phục vụ 37.500 công nhân lao động.
Các doanh nghiệp trong chương trình đã phát triển mạnh và nhanh các chuỗi cửa hàng tiện lợi bán đủ các mặt hàng bình ổn thị trường, gồm 50 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, hơn 200 cửa hàng Coop, 98 cửa hàng Vissan, 52 cửa hàng Foodcomart, 7 cửa hàng Satra Food…
Bên cạnh đó, hai đơn vị là Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) và Saigon Co.op làm đầu mối đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ và Thành đoàn thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển điểm bán, xây dựng mô hình “Cửa hàng Coop” và “Tiệm tạp hóa Thanh niên”. Đến nay, đã có 609 điểm bán của hội viên Hội phụ nữ tại chợ truyền thống, địa bàn dân cư, mở 36 cửa hàng Co.op tại hộ gia đình.
Các chuyến hàng lưu động cũng được tăng cường để đưa hàng về nông thôn, các khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ nay đến tết sẽ có khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động, ưu tiên tại các quận ven, huyện ngoại thành.
Các doanh nghiệp thực hiện chuẩn bị nguồn vốn và hàng lớn, có thể kể đến là Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố (Saigon Co.op) 1.132,5 tỉ đồng hàng bình ổn trong tổng số gần 3.500 tỉ đồng cho hàng tết, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) chuẩn bị 1.010 tỉ đồng, Công ty TNHH Phạm Tôn chuẩn bị 383,3 tỉ đồng hàng bình ổn, chiếm hơn một nửa trong tổng số vốn chuẩn bị hàng tết (với 572,6 tỉ đồng); Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn 227,8 tỉ đồng, Công ty TNHH Ba Huân 165,2 tỉ đồng... Tương ứng với số vốn đó là lượng hàng hóa bình ổn lớn, cao hơn nhiều so với mùa tết 2012 và chiếm từ 6-90% nhu cầu của người dân thành phố, tùy mặt hàng. Cụ thể, ở mặt hàng gạo và nếp doanh nghiệp có khả năng cung ứng 30.027 tấn, chiếm 20% nhu cầu tiêu dùng, vượt 115% lượng thực hiện Tết Nhâm Thìn 2012 và vượt 87% kế hoạch được giao. Lượng dự trữ hiện có tại các kho hàng đảm bảo cung ứng khi có biến động thị trường là 22.320 tấn. Trong khi đó, mặt hàng đường RE hiện đang có 12.800 tấn dự trữ nhưng doanh nghiệp có khả năng cung ứng tới 13.709 tấn, chiếm 78% nhu cầu, vượt 39% lượng thực hiện Tết 2012 và vượt 94% kế hoạch được giao. Tương tự, các doanh nghiệp dầu ăn có thể cung ứng 6.897 tấn, chiếm 68% nhu cầu, vượt 54% lượng thực hiện Tết 2012. Lượng hàng hiện có là 6.760 tấn. Mặt hàng thịt gia súc hiện đang được dự trữ 5.329 tấn nhưng có khả năng cung ứng 14.327 tấn, chiếm 29% nhu cầu, vượt 16% lượng thực hiện Tết 2012. Trong khi đó, thịt gia cầm có thể được cung ứng đến 14.500 tấn, chiếm 89% nhu cầu, gấp đôi lượng thực hiện Tết 2012. Hiện đang được dự trữ 6.570 tấn. Các doanh nghiệp trứng gia cầm có khả năng cung ứng 140,3 triệu quả, chiếm 83% nhu cầu, vượt 35% lượng thực hiện Tết 2012. Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến có khả năng cung ứng 7.018 tấn, chiếm 62% nhu cầu và đã dự trữ 2.570 tấn. Hai mặt hàng có lượng hàng chiếm khá ít nhu cầu thị trường là rau củ quả và thủy hải sản với khoảng 11% và 6% nhưng lượng hàng chuẩn bị cũng lần lượt là 14.140 tấn, gấp đôi tết 2012 và 2.908 tấn, gấp hơn 6 lần tết năm ngoái. |