Xét về vai trò trong chuỗi giá trị của sản phẩm, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành sản xuất các linh kiện trước khi được lắp ráp vào các sản phẩm hoàn chỉnh và các dịch vụ cần thiết cho hoạt động sản xuất. CNHT được nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển coi là ngành có vai trò quan trọng, tạo cơ sở nền tảng cho việc xây dựng một nền công nghiệp mạnh và có năng suất cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trong chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị thế của các ngành CNHT được khẳng định là nền móng cho sự phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển. Để phát triển ngành CNHT, việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có chất lượng cao, dồi dào và có cơ cấu thích hợp đóng vai trò mang tính quyết định.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào và đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của lực lượng lao động hiện tại với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và phục vụ cho sự phát triển CNHT nói riêng còn nhiều khía cạnh hạn chế. Trong đó, đặc biệt là sự thiếu hụt số lượng công nhân lành nghề và cơ cấu lao động được đào tạo không thật sự phù hợp với nhu cầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gắn liền với những hạn chế trong công tác đào tạo nghề ở nước ta trong thời gian qua. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung vào khía cạnh tài chính của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đánh giá thực trạng và đề xuất các chính sách tài chính cho công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển CNHT ở Việt Nam nói riêng.

Chính sách tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ

Để phát triển nguồn nhân lực cho CNHT ở Việt Nam, nhiều chính sách đã được hình thành trong đó có các chính sách tài chính. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực cho CNHT đang được lồng ghép với các chính sách tài chính cho công tác đào tạo nghề nói chung.

Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 50% kinh phí chi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các DN sản xuất sản phẩm CNHT ở trong và ngoài nước. Chương trình, dự án về ứng dụng và sản xuất sản phẩm CNHT được hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nhân lực phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ.

(Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ)

Thứ nhất, chính sách phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho công tác đào tạo nghề nói chung, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CNHT nói riêng có xu hướng tăng trong những năm gần đây từ 4,9% năm 2001 lên đến 8,5% năm 2010; 8,1% năm 2011 trong tổng chi NSNN cho giáo dục. Trong đó, chi thường xuyên tăng 3 lần, chi đầu tư xây dựng cơ bản tăng 5 lần, chi cho chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề tăng 6 lần. Trong giai đoạn 2011 – 2013, tỷ trọng chi cho dạy nghề trong tổng mức chi cho giáo dục vẫn tiếp tục duy trì ở mức 8% đến 8,5%. Tuy nhiên, tính bình quân giai đoạn 2005 – 2013, tổng chi từ NSNN cho đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP, thấp hơn khá nhiều so với mức chi của các nước phát triển và các nước trong khu vực (khoảng 1% GDP chi cho công tác đào tạo nghề). Một khía cạnh khác cần lưu ý là quy mô đào tạo nghề trong những năm gần đây tăng khá nhanh (Giai đoạn 2005 – 2010 tăng 3 lần), số lượng các cơ sở đào tạo nghề công lập được thành lập mới tăng mạnh dẫn đến nguồn chi NSNN được đầu tư khá dàn trải, thiếu tập trung, chưa xây dựng được các cơ sở đào tạo nghệ chất lượng cao có trình độ tương đương các nước trong khu vực.

Thứ hai, Cơ cấu các nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo nghề nói chung và đào nguồn nhân lực CNHT nói riêng đã được đa dạng hóa. Theo đó, trong giai đoạn 2001 – 2010, trung bình tỷ trọng chi cho công tác đào tạo nghề từ nguồn NSNN chiếm 60%, đóng góp của người học 20%, đóng góp của các doanh nghiệp (DN) 5% và các nguồn khác là 15%. Trong giai đoạn 2011 - 2013, cơ cấu này chưa có chuyển biến lớn. Có thể nhận thấy cơ cấu đầu tư cho đào tạo nghề hiện còn nhiều bất cập và mâu thuẫn. Phần chi từ nguồn đóng góp của người học là tương đối thấp song khó có thể tăng do mặt bằng thu nhập của dân cư còn thấp. Nguồn đầu tư từ các DN sử dụng lao động thấp và tăng chậm. Nguồn thu sự nghiệp, hoạt động dịch vụ của các cơ sở đào tạo nghề còn rất khiêm tốn.

Thứ ba, các ưu đãi về chính sách thuế, tiền thuê đất áp dụng cho các cơ sở đào tạo nghề đã được cụ thể và áp dụng khá hiệu quả trong thực tiễn, khuyến khích các DN, cá nhân thành lập các cơ sở đào tạo nghề nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển CNHT nói riêng. Tuy nhiên, các ưu đãi này chưa thể đảm bảo cho các cơ sở dạy nghề hoạt động một cách hiệu quả cũng như tăng chất lượng đào tạo, đặc biệt là giải quyết khó khăn ở khâu xung yếu nhất là đầu tư cho trang thiết bị đào tạo.

Thứ tư, chính sách tín dụng ưu đãi cho đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho CNHT nói riêng được hình thành khá đồng bộ, được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia như: chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh sinh viên ban hành theo Quyết định 157/2007/QĐ – TTg; Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm được phê duyệt theo Quyết định 103/2008/QĐ – TTg; chính sách ưu đãi tín dụng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các DN nhỏ và vừa; chính sách ưu đãi tín dụng cho các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao… Các chính sách này đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực cho các DN nói chung và các DN CNHT nói riêng thời gian qua.

Mặc dù, khung chính sách tín dụng ưu đãi đã hình thành khá đồng bộ song hiệu quả thực tế vẫn còn hạn chế do nguồn lực tín dụng có hạn mà nhu cầu của người học và các cơ sở đào tạo rất lớn. Nguồn vốn tín dụng dàn trải, chưa tập trung cho các cơ sở đào tạo nghề trọng điểm nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNHT mũi nhọn.

Thứ năm, chủ trương thu hút các nguồn lực tài chính bên ngoài dưới hình thực viện trợ, tài trợ, vốn vay của các tổ chức tài chính, các nước đã được nêu bật trong chiến lược đào tạo nghề, chiến lược phát triển công nghiệp, chiến lược phát triển DN nhỏ và vừa… Tuy nhiên, chính sách cụ thể thu hút các nguồn tài chính bên ngoài cho công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực CNHT nói riền CNHT còn chưa đồng bộ. Thủ tục hành chính còn rườm rà dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp nhận vốn, thậm trí có những dự án giải ngân không hết số vốn đã cam kết theo hiệp định đã ký kết.

Đề xuất chính sách

Qua phân tích trên cho thấy, các chính sách tài chính đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển CNHT gắn liền với các chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung. Do vậy, chúng tôi đưa ra nhóm các khuyến nghị nhằm hoàn thiện các chính sách tài chính, các giải pháp tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực nói chung thông qua hệ thống đào tạo nghề, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CNHT. Bên cạnh đó, để tập trung các nguồn lực tài chính đủ mạnh tạo bước đột phá đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển CNHT cần có các chính sách tài chính đặc thù. Cụ thể:

Chính sách tài chính đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ:

- Về phân bổ NSNN cho công tác đào tạo nghề: Về cơ bản trong cơ cấu nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho CNHT nói riêng, nguồn NSNN vẫn đóng vai trò chủ đạo. Chi cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực về bản chất là chi đầu tư phát triển. Trong những năm tới cần nâng mức chi cho hoạt động đào tạo nghề lên mức khoảng 0,8% đến 1% GDP so với mức khoảng 0,4% hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã công bố quy hoạch các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao trọng điểm. Tuy nhiên, cần có chính sách ưu tiên rõ ràng hơn, phân bổ nguồn lực ngân sách lớn hơn cho các cơ sở này. Cơ chế quản lý nguồn NSNN cho công tác đào tạo nghề nói chung và nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT nói riêng cũng cần được đổi mới theo hướng quản lý NSNN theo đầu ra, tăng cường cơ chế Nhà nước đặt hàng các cơ sở đào tạo, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách vốn còn rất eo hẹp hiện nay.

- Về chính sách học phí và ưu đãi cho đào tạo nguồn nhân lực: Chính sách học phí cần có sự tách biệt với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người học. Theo đó, học phí cần đảm bảo trang trải đủ các chi phí thường xuyên, có tích lũy nhất định cho đầu tư phát triển của các cơ sở đào tạo. Đối với người học thuộc diện ưu tiên cần có chính sách ưu đãi riêng dưới hình thức miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên. Mặc dù vậy, nguồn thu từ học phí rất khó tăng trong điều kiện khả năng chi trả của người học còn thấp. Vì vậy, tỷ trọng nguồn thu học phí có xu hướng giảm từ khoảng 20% hiện nay, xuống khoảng 15% trong những năm tới. Mức giảm các khoản thu từ nguồn học phí cần được bù đắp bằng cách tăng cường nguồn lực tài chính khác.

- Về khuyến khích đào tạo qua chính sách thuế: Tiếp tục phát huy kết quả tích cực của các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo và người học thông qua chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN, chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, các chính sách này cần được hoàn thiện theo hướng thông thoáng hơn nữa về thủ tục; hạn mức tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên cần được điều chỉnh tăng cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

- Về tăng cường nguồn lực tài chính từ đóng góp của các DN: Thực tế hiện nay, mức đóng góp kinh phí từ các DN cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực CNHT nói riêng là rất thấp (khoảng 5%). Tình trạng này là do tư tưởng bao cấp của NSNN vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, các khoản đóng góp từ phía các DN sử dụng lao động sẽ có xu hướng tăng. Nhà nước cần có chính sách vừa mang tính bắt buộc vừa mang tính khuyến khích các DN tăng chi phí cho hỗ trợ đào tạo. Phấn đấu trong những năm tới nguồn kinh phí đóng góp cho đào tạo nghề từ các DN sử dụng lao động đạt tối thiểu 10% tổng kinh phí cho đào tạo nghề.

- Về khai thác các nguồn lực tài chính từ các tổ chức tài chính, các nước tài trợ cho đào tạo nguồn nhân lực CNHT: Thực tế đã chứng minh các nguồn lực tài chính được tài trợ từ các tổ chức tài chính, các chính phủ đều phát huy hiệu quả rất tốt ở các đơn vị thụ hưởng tại Việt nam (Tiêu biểu như các dự án tài trợ của Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản..). Trong thời gian tới, xu hướng các khoản tài trợ từ bên ngoài sẽ không tăng và có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị năng lực tiếp nhận các nguồn lực này vẫn rất có ý nghĩa trong việc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực CNHT ở Việt Nam.

Thành lập Quỹ Tài chính hỗ trợ đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ:

Để tập trung các nguồn lực tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT, chúng tôi cho rằng cần thiết phải thành lập “Quỹ Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phát triển CNHT”. Với việc hình thành một quỹ chuyên dùng, khả năng thu hút, tập trung các nguồn kinh phí sẽ cao hơn và việc sử dụng các nguồn lực tài chính sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, với tư cách là một quỹ tài chính chuyên dùng, công tác quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí của các cơ sở đào tạo cũng được thực hiện một cách chặt chẽ và hiệu lực.

Kinh phí của quỹ cần được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, NSNN và nguồn đóng góp của DN CNHT sẽ đóng vai trò chủ đạo. Quỹ cần có cơ chế để các DN CNHT sẽ tham gia tài trợ và thông qua đó có thể tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhận được sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật từ các cơ sở đào tạo.

Quỹ Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phát triển CNHT cần hướng trọng tâm vào các khâu xung yếu, nhằm tạo ra chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo cho các cơ sở đào tạo chất lượng cao như: đầu tư trang thiết bị thực hành; cải tiến chương trình, giáo trình giảng dạy theo hướng gắn với thực tiễn yêu cầu sản xuất; hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sáng tạo theo hướng nhận đặt hàng trực tiếp từ DN.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho phát triển CNHT nói riêng cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ. Trong đó, các giải pháp về tài chính mang tính xuyên suốt và là các giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, các giải pháp tài chính chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được gắn một cách đồng bộ với các chính sách về chính sách giáo dục, phát triển con người, công tác tuyên truyền giáo dục nhằm thay đổi nhận thức về đào tạo nghề và đầu tư cho đào tạo nghề trong xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Dạy nghề (2012), Báo cáo tổng quan về dạy nghề ở Việt Nam;

2. Chính phủ (2012) Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030;

3. Bộ Công Thương (2014) Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Nguồn lực tài chính đào tạo nhân lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

PGS., TS. MAI NGỌC ANH, ThS. NGUYỄN TUẤN DƯƠNG - Học viện Tài chính

(Tài chính) Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho công nghiệp hóa đất nước, một trong những đòi hỏi cấp thiết là phải có được nguồn nhân lực đủ mạnh về cả lượng và chất. Do vậy, chính sách đào tạo nguồn nhân lực nói chung và chính sách tài chính phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm hàng đầu…

Xem thêm

Video nổi bật