Nguy cơ khủng hoảng nợ công trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. Lê Thị Vân Anh - Viện KHTC (Bộ Tài chính)

TCTC Online - Trong năm 2009, nhiều nước trên thế giới đã triển khai hàng loạt biện pháp kinh tế chưa từng có để cải thiện tính thanh khoản của hệ thống tài chính - ngân hàng hay triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế.

Các biện pháp này đã khiến ngân sách của nhiều nước bị thâm hụt nặng nề, điển hình như Mỹ, Anh và Hy Lạp. Tình trạng thâm hụt ngân sách lớn ở những nước phát triển có thể còn tiếp tục gia tăng và thế giới đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng mới  - khủng hoảng nợ.

BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG NỢ CÔNG TẠI NHIỀU QUỐC GIA

Khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang được khắc phục nhưng kéo theo nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Những khoản nợ công khổng lồ đang là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, các nước giàu đã vay nợ với tốc độ chóng mặt do suy thoái kinh tế, các khoản chi tăng vùn vụt bởi các hoạt động giải cứu, hỗ trợ thất nghiệp và những nỗ lực kích thích kinh tế.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công của 10 quốc gia giàu nhất thế giới sẽ tăng từ mức 78% GDP vào năm 2007 lên mức 114% GDP vào năm 2014. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nợ công của các nước thành viên đã tăng vọt từ khoảng hai mươi năm nay, từ 59% GDP vào năm 1987 lên 75% GDP vào năm 2007; nợ công sẽ tăng 30% từ năm 2007 đến năm 2017. Tại Mỹ, nợ công sẽ từ 63% GDP vào năm 2007 lên 103% GDP vào năm 2017. Tại Anh, con số này từ 47% lên 125%, ở Nhật 170,6% tăng lên 208%.

Trong ngắn hạn, hoạt động vay nợ của chính phủ là một liều thuốc cần thiết để chống suy thoái. Nếu không giải cứu các ngân hàng, sự đổ vỡ trong ngành tài chính sẽ trở thành thảm họa. Nếu không kích thích kinh tế, suy thoái toàn cầu sẽ nhấn kinh tế thế giới chìm sâu hơn, trong khoảng thời gian kéo dài hơn. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, việc mạnh tay vay nợ này là không bền vững. Cơn khát vốn của các chính phủ sẽ đè bẹp hoạt động đầu tư công và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đáng ngại hơn, quy mô vay nợ có thể lên tới mức đẩy các chính phủ vào tình trạng vỡ nợ, hoặc buộc phải cắt giảm chi phí đi vay thực tế thông qua con đường in thêm tiền, đồng nghĩa với việc gây ra lạm phát.

Khủng hoảng nợ tại các nước thành viên EU đang đe dọa đến sự ổn định và phát triển toàn EU. Những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ chính phủ thời gian qua đã đổ dồn về những quốc gia bị xem là yếu thế hơn trong khu vực sử dụng đồng Euro, đặc biệt là các nước Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Ở những nước này, việc sử dụng đồng tiền chung đã loại bỏ lựa chọn in tiền đơn phương. Tại khu vực đồng Euro, sau khi Hy Lạp gặp khủng hoảng nợ công, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đang đứng trước nguy cơ này. Hy Lạp hiện đang được EU giám sát đặc biệt, với nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức kỷ lục là 12,7% GDP. Tây Ban Nha cũng đang có tỷ lệ thâm hụt là 9,3%, cao nhất từ năm 1974.

Vấn đề nợ công tăng cao tại Hy Lạp và một số nước châu Âu có thể khiến làn sóng vỡ nợ cấp quốc gia tăng cao, cản trở đà phục hồi tại châu Âu và có thể cả Mỹ. Mức thâm hụt ngân sách gia tăng chóng mặt và những biện pháp chưa từng có tiền lệ trong chính sách tiền tệ mà nước Mỹ đang áp dụng, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) in tiền để mua trái phiếu chính phủ, đang gây nên những lo ngại về sự trở lại của lạm phát.

Hoạt động vay nợ này đang diễn ra ngay trước thời kỳ được dự báo là sẽ xảy ra tình trạng vỡ ngân sách từ từ ở nhiều quốc gia giàu có do chi trả lương hưu và bảo hiểm y tế gia tăng cho dân số đang ngày càng lão hóa. Tới năm 2050, người ở độ tuổi trên 60 sẽ chiếm 1/3 dân số ở các nước giàu. Các khoản chi lương hưu và bảo hiểm y tế cho đối tượng này có khả năng sẽ phình to lên mức lớn gấp 10 lần thiệt hại mà cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay gây ra cho ngân sách chính phủ các quốc gia giàu có.

Trước tình hình đó, việc đột ngột thắt chặt ngân sách sẽ là một sai lầm bởi ngay cả khi đã ngừng sụt giảm, các nền kinh tế vẫn ở trạng thái yếu. Năm 1997, việc tăng thuế tiêu thụ đã đẩy kinh tế Nhật trở lại với suy thoái. Kinh nghiệm này cho thấy, việc vội vã thắt chặt ngân sách có thể phản tác dụng, đặc biệt sau một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.

Bởi vậy, thay vì tìm cách cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách ở thời điểm hiện nay, chính phủ các nước giàu cần đưa ra cam kết sẽ thắt chặt ngân sách khi nền kinh tế đã phục hồi bền vững hơn và đưa ra những phương án cụ thể nêu rõ thâm hụt ngân sách sẽ được giảm xuống bằng cách nào, cần cam kết cải thiện nền tài chính công bằng cách cắt giảm chi tiêu trong tương lai, thay vì đánh thuế cao hơn.

Phần lớn các quốc gia châu Âu đều đã không còn nhiều cơ hội để tăng thuế. Tại nhiều nước thuộc châu lục này, doanh thu từ thuế đã lên tới mức 40% so với GDP. Cải cách thuế chỉ đặc biệt cần thiết ở những quốc gia vốn đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu thuế từ thị trường tài chính và địa ốc như Anh và Ireland. Ngay tại Mỹ, nơi doanh thu từ thuế bằng chưa đầy 30% GDP, việc tăng thuế cũng không phải là giải pháp tốt nhất.

Do đó, việc kiểm soát chi tiêu công nên được đặt ở vị trí ưu tiên, mặc dù vẫn có cơ hội để tăng thuế. Một giải pháp khác mà một số nước giàu cần thực hiện là tăng tuổi nghỉ hưu, qua đó sẽ tăng doanh thu từ thuế (do người lao động làm việc trong thời gian dài hơn) và cắt giảm chi phí lương hưu trong tương lai. Tác động tiêu cực từ khủng hoảng là đẩy nợ công tăng vọt, nhưng cũng là cơ hội để thắt chặt kiểm soát chi phí lương hưu và bảo hiểm cho dân số đang lão hóa của họ.

Nợ công của các quốc gia phương Tây đã khá nghiêm trọng, trong Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, 2400 chuyên gia kinh tế cùng chọn “nợ công” làm vấn đề kinh tế chủ yếu mà toàn cầu cùng đối mặt, tiếp theo là “chủ nghĩa bảo hộ thương mại” và “giám sát tài chính”. Theo phân tích của WEF, trong năm 2009, nhiều nước trên thế giới đã triển khai hàng loạt biện pháp kinh tế chưa từng có (như bơm tiền để cải thiện tính thanh khoản của hệ thống tài chính - ngân hàng), hay triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế (nhằm ngăn chặn, hạn chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới) đã khiến ngân sách của nhiều nước bị thâm hụt nặng nề.

Tình trạng thâm hụt ngân sách có thể còn tiếp tục gia tăng do chi phí cho việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tăng cao. Đứng trước nguy cơ của cuộc khủng hoảng nợ, WEF khuyến nghị các nước cần có ngay các biện pháp nhằm cải thiện tình hình thâm hụt ngân sách của mình, trước mắt là xác định thời điểm phù hợp để chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế đang triển khai.

Nhìn chung, có 4 cách để khắc phục tình trạng báo động nợ công hiện nay ở các quốc gia phát triển: một là, hạ các mức lãi suất nhằm làm giảm nợ công (Pháp đã thực hiện vào những năm 1880) nhưng biện pháp này hiện nay khó có thể thực hiện do ngân hàng trung ương nhiều nước đã giảm các lãi suất đến mức thấp, thậm chí 0% như ở Mỹ; hai là, Nhà nước cũng có thể dùng lạm phát để giảm mức nợ (sau thế chiến thứ hai, đảng Lao động Anh đã áp dụng lý thuyết của Keynes, tạo ra lạm phát nhằm làm giảm gánh nặng nợ).

Tuy nhiên, lạm phát sẽ làm cho lãi suất của các món nợ mới tăng trong trường hợp nhà nước bị bắt buộc phải vay thêm do ngân sách thiếu hụt triền miên và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô; ba là, nâng cao mức tăng trưởng (như Mỹ đã làm sau chiến tranh ly khai (1861 - 1865)); bốn là, tăng thuế để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, biện pháp này lại gây mất lòng dân.

Ngày 3/3/2010, Hy Lạp đã trấn an cả thế giới khi công bố kế hoạch tăng thuế và giảm chi tiêu 6,5 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại. Với kế hoạch này, Chính phủ Hy Lạp hy vọng, họ sẽ huy động được vốn bằng con đường phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, hoặc được Liên minh châu Âu (EU) ra tay giải cứu. Trong trường hợp xấu nhất, nước này sẽ tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công có thể tiếp tục bùng nổ ở một số quốc gia khác ở châu Âu và điều này sẽ tạo ra những cú sốc đối với đồng tiền chung của khu vực - đồng Euro.

Tờ New York Times cho hay, một số ngân hàng và quỹ đầu cơ đã hướng sự chú ý tới các quốc gia nặng nợ khác ở châu Âu, đặc biệt là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, và Ireland. Đặc biệt là Tây Ban Nha, đất nước đang chìm sâu trong suy thoái kinh tế. Với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%, thâm hụt ngân sách trên 10% GDP và nền kinh tế có thể suy giảm 0,4% trong năm 2010, Tây Ban Nha sẽ có nguy cơ giống Hy Lạp nếu các nhà đầu tư thờ ơ trước những đợt phát hành trái phiếu trị giá 85 tỷ Euro của nước này trong năm nay.

Từ khi nổi lên vấn đề khủng hoảng nợ Hy Lạp vào cuối năm ngoái, đồng Euro đã liên tục trượt giá so với USD, khiến các cơ quan chức năng của Mỹ và EU lo ngại có bàn tay của các quỹ đầu cơ lớn. Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng đe dọa đảo lộn trật tự tài chính, chính trị và quyền lực ở châu lục này. Đức và Pháp là những quốc gia có khả năng giải cứu cao nhất, các nhà lãnh đạo ở 2 nước này có thể sẽ là những người quyết định chính sách tài khóa cho Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, hai nước này cũng đang phải đương đầu với nhiều khó khăn về tăng trưởng và ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Đức và Pháp lần lượt ở mức 6,3% và 7,5% GDP.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia ở mức kỷ lục của Mỹ là những vấn đề ảnh hưởng tới an ninh quốc gia chứ không chỉ trong phạm vi kinh tế đơn thuần. Vấn đề nợ sẽ cản trở khả năng bảo vệ an ninh cũng như giải quyết những vấn đề khó khăn và hạn chế vai trò lãnh đạo của Mỹ. Trong năm tài khóa 2009, kết thúc ngày 30/9/2009, ngân sách chính phủ liên bang Mỹ thâm hụt 1.420 tỷ USD.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2010 sẽ vào khoảng 1.300 tỷ USD. Trung tuần tháng 2/2010, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành luật nâng mức nợ trần của chính phủ Mỹ lên 14.300 tỷ USD, đây là mức trần nợ công cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 1.900 tỷ USD so với giới hạn nợ cũ (12.400 tỷ USD).

Nhật Bản hiện cũng đang có khoản nợ công khổng lồ lên tới mức gấp hai lần GDP hàng năm khiến chính phủ nước này đang phải nhanh chóng tìm ra cách giải quyết trước khi bị thị trường quốc tế xem là một Hy Lạp tiếp theo. Giới đầu tư hiện tại vẫn tỏ ra tương đối lạc quan về khoản nợ công của chính phủ Nhật. Tuy nhiên, thái độ này có thể thay đổi khi chính phủ Nhật công bố kế hoạch cải tổ lại tình hình tài chính của nước này (thời hạn cuối cùng là tháng Sáu).

Công cụ chính được coi là có hiệu quả để giải quyết vấn đề nợ của Nhật là tăng thuế doanh thu, hiện ở mức 5% là một trong những mức thấp nhất trong số các nước công nghiệp hoá. Tại châu Âu, khoản thuế này có thể lên tới gần 20%. Tuy nhiên, chính phủ Nhật lại lo ngại rằng tăng thuế có thể ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng, đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái. Ông Nishibori, giáo sư kinh tế đại học Tokyo cho rằng, Chính phủ Nhật nên bắt đầu tăng thuế doanh thu, nhưng chia đều ra trong mười năm với mức tăng là 1% mỗi năm. Với phương pháp này, sẽ không chỉ tránh được cho người tiêu dùng một cú sốc đột ngột mà còn đảo ngược lại tình trạng giảm phát nhờ tạo ra tâm lý đoán trước lạm phát.

NỢ CÔNG CỦA VIỆT NAM

Cũng như các quốc gia trên thế giới, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô. Các nỗ lực kích thích kinh tế là rất cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng nhưng cũng đã làm gia tăng đáng kể thâm hụt ngân sách. Tình trạng nợ công gia tăng, tiệm cận mức an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức kinh tế thế giới đối với các nước đang phát triển là một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số dư nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2009 khoảng 44,7% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ chiếm 35,4% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 7,9 GDP%; và nợ Chính quyền địa phương chiếm 1,4 GDP%. Đến hết năm 2010, tỷ lệ nợ công sẽ cao hơn nữa, có thể sẽ đạt mức 50% GDP.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ hợp lý với trường hợp các nước đang phát triển nên ở mức dưới 50% GDP. Cơ cấu nợ công tính đến cuối năm 2009 gồm: nợ Chính phủ chiếm 79,3%; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,6% và nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 3,1%. Trong nợ Chính phủ, nợ nước ngoài chiếm 60% (trong đó 85% là ODA); nợ trong nước chiếm 40%. Xét về thời hạn, nợ trung và dài hạn chiếm 97%; nợ ngắn hạn (tín phiếu kho bạc) chỉ chiếm 3% trong tổng số dư nợ Chính phủ.

Công tác quản lý nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể:

-    Thể chế chính sách quản lý về nợ đã có bước đột phá với việc Quốc hội đã ban hành Luật quản lý nợ công.
-    Một khối lượng vốn lớn được huy động  bổ sung cho đầu tư phát triển, cân đối ngân sách nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Tổng trị giá vốn vay trong và ngoài nước giai đoạn 2001 - 2009 chiếm khoảng 26% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm, riêng vốn vay của Chính phủ chiếm khoảng 17%. Cùng với các nguồn lực khác, vốn vay đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm trong 10 năm qua. Riêng trong năm 2009, tổng số vốn vay ODA, vay ưu đãi dự kiến giải ngân 3,5 tỷ USD, vốn vay trong nước đạt trên 50 nghìn tỷ đồng.
-    Các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Việc xử lý nợ quá hạn các khoản nợ cũ thông qua CLB Paris, Luân Đôn... là một thành công lớn, đưa tỷ lệ tổng số nợ nước ngoài từ mức rất cao, gần 150% GDP năm 1993 trở về mức an toàn 30,5% vào năm 2009; nghĩa vụ trả nợ tương ứng từ mức 195,8% xuống còn khoảng 3,6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm giảm đáng kể nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam, tạo điều kiện khai thông quan hệ tài chính - tín dụng với các tổ chức quốc tế và các Chính phủ nước ngoài.
-    Các hình thức huy động vốn vay ngày càng đa dạng, linh hoạt, tạo tiền cho sự hình thành và phát triển đồng bộ thị trường tài chính. Tính đến cuối năm 2009, tổng số vốn ODA mà các nhà tài trợ đã cam kết cho nước ta đạt khoảng 47,4 tỷ USD, đã đàm phán và ký kết các Hiệp định vay ODA và vay ưu đãi với tổng giá trị 37,5 tỷ USD và đã được giải ngân 19,5 tỷ USD, chiếm 52% so với tổng số vốn ODA đã ký vay. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư bằng vốn ODA chiếm khoảng 12% tổng đầu tư toàn xã hội.

Bên cạnh việc huy động nguồn vốn ưu đãi ODA, vay thương mại nước ngoài, vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước  là công cụ huy động vốn có hiệu quả của Nhà nước. Mặt khác, trong năm 2005, Chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế đợt 1 với tổng trị giá 750 triệu USD dành cho các dự án đóng tàu, đây là hình thức tương đối mới ở Việt Nam. Ngoài việc trực tiếp phát hành nợ, trong thời gian qua Chính phủ đã thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn.

Dự kiến, đến cuối năm 2009, tổng giá trị vay nước ngoài được cấp bảo lãnh Chính phủ (theo số cam kết) là 9,6 tỷ USD, và dư nợ được bảo lãnh vay vốn nước ngoài là 3,8 tỷ USD; vay bảo lãnh vay vốn trong nước cho ổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội với số vốn 76.900 tỷ đồng.

-    Công tác quản lý nợ ngày càng tốt hơn, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn (dưới 50% GDP), các khoản nợ trong và ngoài nước đến hạn được bố trí trả đầy đủ, không có nợ xấu, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay trả nợ hàng năm và các chỉ tiêu giám sát nợ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó tổ chức việc huy động vay, trả nợ, giám sát chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Công tác hạch toán, kế toán, thống kê báo cáo về nợ đã được cải tiến.

Tuy nhiên, tình trạng nợ và công tác quản lý nợ công của Việt Nam cũng còn có một số bất ổn như:

-    Các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý nợ còn chưa đầy đủ và đồng bộ.

-    Việc giải ngân nguồn vốn ODA vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn bình quân khoảng 55% so với số ký vay. Nguyên nhân tồn tại này có nhiều lý do khách quan, chủ quan, trong đó có vấn đề xây dựng dự án của các chủ đầu tư, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, đấu thầu và năng lực quản lý của các Ban quản lý dự án.

-    Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, thị trường trái phiếu trong nước trong năm 2008 - 2009 khó khăn nên lượng vốn huy động chưa đạt được kế hoạch đầu năm, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, lạm phát còn biến động nên thị trường giao dịch trái phiếu có tính thanh khoản chưa cao.

-    Công tác quản lý nợ còn có sự phân tán giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài; việc thực hiện các phương án cơ cấu lại nợ đã có chủ trương, tuy nhiên việc thực hiện phương án còn khó khăn, do thị trường còn có biến động.

Về cơ bản Việt Nam đã vượt qua được những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng những áp lực về thâm hụt ngân sách và lạm phát vẫn còn đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế. Trong báo cáo tựa đề “Vietnam - Dự báo tháng 2/2010”, do Bộ phận Đánh giá Nguy cơ Quốc gia (CRS) của Đơn vị Thông tin Kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) công bố tháng 2/2010, có đánh giá về nợ công của Việt Nam. EIU cho rằng hiện có những quan ngại về những tác động thứ cấp tiêu cực tiềm tàng của các nỗ lực kích thích kinh tế đã và đang thực hiện. Với mức thâm hụt ngân sách tương đối cao trong năm 2009, bằng 7% GDP, trong đó 81,2% mức bội chi được bù đắp bằng nguồn vay trong nước; 18,8% bù đắp bằng nguồn vay nước ngoài gây nên lo ngại trong hai năm tới, nợ công của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và có thể vượt qua ngưỡng an toàn.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với việc thực hiện đúng hạn đối với các cam kết nợ công, cả ngoài nước và trong nước, trước các áp lực về kinh tế và xã hội. Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm 21,3% xuống còn 18,8 tỷ USD trong giai đoạn cuối năm 2008 tới cuối tháng 8/2009, điều này sẽ làm tăng nguy cơ thực hiện những cam kết về nợ trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng tiền mặt.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà tài trợ (các nhà tài trợ nước ngoài đã cam kết sẽ ủng hộ 8 tỷ ODA trong năm 2010, tăng đáng kể so với con số 5 tỷ USD cam kết trong năm 2009); tỷ lệ nguồn dự trữ ngoại tệ so với nợ ngắn hạn nước ngoài ở mức cao đã làm giảm đáng kể sự dễ tổn thương của Việt Nam trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng tiền mặt nhưng tỷ lệ này gần đây đã giảm do sự sụt giảm của nguồn dự trữ ngoại tệ. Về dài hạn, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn là tích cực và tình trạng nợ công của Việt Nam mặc dù cao nhưng sẽ vẫn an toàn nếu Chính phủ nỗ lực can thiệp kịp thời.

Để khắc phục những bất ổn về tình hình nợ cũng như công tác quản lý nợ công, một số biện pháp cần triển khai trong thời gian tới là:

Một là, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đứng trước nguy cơ nợ công vượt ngưỡng an toàn, việc thắt chặt chi tiêu công là hết sức cần thiết đối với Việt Nam. Do vậy, cần phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN nhằm giảm dần và đưa bội chi ngân sách về mức cho phép (dưới 5%GDP), từ đó làm giảm gánh nặng nợ.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động vay, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia;

Ba là, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay, quán triệt đầy đủ các nguyên tắc quản lý nợ, vay cho cân đối ngân sách nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mức bội chi trong giới hạn Quốc hội, Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Bốn là, duy trì giới hạn nợ ở mức an toàn theo các chỉ tiêu quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế. Nghiên cứu thay đổi cơ cấu nợ để đạt được danh mục nợ tối ưu.

Năm là, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro. Áp dụng các tiêu chuẩn giám sát nợ theo thông lệ quốc tế, tăng cường năng lực đối ngũ cán bộ thực hiện chức năng giám sát nợ. Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng vốn vay để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ nguồn vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp theo cơ chế tự vay tự trả, thường xuyên phân tích và đánh giá danh mục nợ, đặc biệt là các nghĩa vụ nợ bất thường nhằm mục tiêu duy trì dài hạn tình trạng nợ ổn định và bền vững.

Sáu là, hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nợ.