Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên ứng xử thế nào với vàng?

Theo Đại biểu Nhân dân

Những câu chuyện liên quan đến biến động thị trường vàng mấy ngày gần đây đều đã nói về tâm trạng của nhiều nhà đầu tư vàng nhỏ lẻ, những nhà đầu cơ đã ôm vàng từ lúc giá cao. Điều đề cập lúc này là, nhiều nhà đầu tư không hiểu giá vàng sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, khi giá vàng thế giới lao dốc quá nhanh, còn giá trong nước tuy giảm, nhưng lại cao hơn giá thế giới tới 6 triệu. Để các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà người dân, có thêm góc nhìn về biến động của giá vàng, làm cơ sở ra các quyết định ứng xử với vàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đã đưa ra một số phân tích.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên ứng xử thế nào với vàng?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thưa ông, giá vàng thế giới giảm nhanh, tuy nhiên giá vàng trong nước lại khá chênh lệch với giá vàng thế giới, nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay thấy giá vàng rất khó dự đoán, vậy có thể hiểu thế nào cho đúng về diễn biến thị trường vàng hiện nay?

Đúng vậy, hiện giá vàng trên thế giới và trong nước đang dao động mạnh. Tuy nhiên mức độ dao động khác nhau, chính vì vậy dự đoán giá vàng thế giới đã khó, dự đoán giá vàng trong nước còn khó hơn. Vì hai giá dao động cùng chiều nhưng mức độ khác nhau ngay, khiến các chuyên viên về vàng cũng rất khó khăn trong dự đoán.

Giá vàng thế giới còn biến động, nhiều dự đoán giá vàng thế giới sẽ giảm sâu hơn. Nếu giá vàng thế giới biến động thì giá vàng trong nước cũng sẽ không đứng yên. Khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới đang chênh khoảng 6 triệu đồng/lượng. Tại các phiên đấu thầu, lượng vàng được mua khá lớn. Nhưng không vì thế mà kỳ vọng khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Với biến động dự đoán như thế, theo tôi người dân nếu muốn mua vàng để dự trữ thì đây là lúc có thể mua được. Tuy nhiên phải cẩn thận không nên mua quá nhiều lúc này vì giá vàng có thể giảm sâu nữa. Nhưng nếu mua để kỳ vọng lướt sóng kiếm lời thì thời điểm này rất khó và rủi ro. 

Ông dự đoán thế nào về xu hướng giá vàng thế giới vì lẽ ra khi kinh tế thế giới đang khó khăn, vàng phải là nơi trú ẩn an toàn, nhưng giá vàng thế giới đang tụt dốc nhanh. Có phải các nhà đầu cơ đang đẩy mạnh bán ra để kiếm lời?

Cũng không hẳn như vậy. Có hai lý do đẩy giá vàng xuống. Thứ nhất vàng là nơi trú ẩn an toàn khi kinh tế biến động. Nguyên nhân là lạm phát tăng và khủng hoảng xảy ra.  Nhưng gần đây, lạm phát không là nỗi lo của nhà đầu tư nữa mà có biểu hiện giảm phát, như ở Trung Quốc chẳng hạn. Điều này có nghĩa đồng đô la Mỹ mạnh lên, khiến nhà đầu tư đã gom vàng trước đây có xu hướng bán ra. 

Thứ hai là cung vàng thế giới tăng do động thái của một số chính phủ và ngân hàng trung ương bán vàng ra, trong đó có Chính phủ Síp. Bên cạnh đó, cách giao dịch của các nhà đầu tư thường là đặt lệnh tự động. Họ thường ra lệnh cho các công ty đại diện bán vàng theo giá chốt. Giả dụ đến mức giá 1.500 USD/ounce thì bán ra một lượng nhất định, giảm về 1.400 USD/ounce thì tiếp tục bán mạnh, và sắp tới nếu xuống 1.300 USD/ounce thì một lượng vàng khác sẽ tự động đẩy ra. Các lý do đó đẩy giá vàng thế giới xuống.

Về xu hướng giá vàng sắp tới rất khó dự đoán. Hiểu theo cách kinh tế vĩ mô bất ổn tại sao nhà đầu tư lại tháo chạy ra khỏi vàng chưa hẳn chính xác. Nhà đầu tư tính toán khác. Dường như họ thấy hình như kinh tế đang hồi phục và họ lo lắng giảm phát hơn lạm phát, vì vậy họ đẩy vàng ra.

Với việc khó dự đoán diễn biến giá vàng, thì nhà đầu tư trong nước cần nắm rõ những thông tin gì để ra quyết định đúng đắn đầu tư vàng? 

Thứ nhất, nhà đầu tư trong nước phải theo dõi thường xuyên giá vàng thế giới và trong nước hàng giờ, hàng ngày. Thứ hai là không chạy theo thị trường. Nhiều nhà đầu tư khôn ngoan đi ngược lại với thị trường. Khi người ta ồ ạt mua vàng thì họ bán ra, khi người ta ồ ạt bán ra thì họ mua vào. Thứ ba, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường không có lượng tiền lớn, nên khi thua lỗ khó có thể mua lượng vàng trong tương lai để bù lỗ hoặc ngược lại.

Với nhà đầu tư nhỏ lẻ có hai mức cần quan tâm. Thứ nhất, trong số tiền dự trữ, nên cắt phần trăm nào đó đầu tư cho vàng. Chẳng hạn có 100 triệu thì bỏ vào vàng 30%, bỏ vào tiền gửi tiết kiệm 40% còn lại là cho vào đầu tư khác. Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, không bỏ 100% tiền vàng vào vì khi thâm hụt thì thiệt hại vô cùng lớn. Thứ hai chúng ta nên phân bổ tỷ lệ đó theo tuổi, những người trẻ mà có năng lực phục hồi thì tỷ lệ đầu tư vào vàng có thể là 60 - 70%. Còn nếu lớn tuổi thì tỷ lệ đó càng thấp càng tốt, gửi tiền vào ngân hàng là an toàn nhất.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện gần chục phiên đấu thầu vàng. Với người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ thì việc đấu thầu này có gì tác động đến họ không hay chỉ tác động đến chuyện khách hàng lớn như các ngân hàng thương mại mua cân đối trạng thái âm vàng?

Các phiên đấu thầu vàng được các tổ chức tín dụng mua chiếm tới 80 - 90% lượng vàng NHNN bán ra để họ tất toán, cân đối trạng thái vàng. Vì theo quy định đến cuối tháng 6 này họ phải tất toán xong. Do vậy lượng vàng đi vào thị trường rất ít. Chính vì vậy giao dịch vàng trong lúc này, không làm tăng cung lớn trong thị trường vàng.

Các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước có giá tương đối thấp cũng ít nhiều tác động tích cực làm giảm giá thị trường, nhưng điều cần lưu ý là mức chênh lệch vàng trong nước và vàng trên thế giới còn rất cao. Ngân hàng Nhà nước không chủ trương bán ra để hạ mức chênh đó, nên trong thời gian tới giá vàng trong nước vẫn rất cao so với giá vàng thế giới. Cá nhân tôi kỳ vọng có một độ trễ lớn từ 1 - 3 tháng thậm chí 6 tháng để mức chênh đó rút xuống mức khoảng 300 - 400 nghìn đồng một lượng như NHNN mong muốn.

Nhưng có nhất thiết phải đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới không, vì chủ trương Ngân hàng Nhà nước là muốn ổn định thị trường vàng trong nước?

Đúng thế, mục tiêu của NHNN là ổn định và minh bạch thị trường vàng, các phiên đấu thầu cũng sẽ làm minh bạch thị trường. Đó là hướng đi đúng. Còn vấn đề để giá vàng trong nước và thế giới sát nhau thì chưa phải là mục tiêu trước mắt. Nhưng để bình ổn thị trường vàng thì phải bình ổn giá. Chắc chắn trong tương lai, chẳng hạn trong 6 tháng tới mà vẫn thấy giá vàng chênh nhau từ 3 - 4 triệu đồng/lượng thì bình ổn thị trường vàng chưa thể thực hiện được.

Bình ổn thị trường vàng gồm 2 khía cạnh, cơ chế thị trường ổn định trong trật tự đồng thời giá cũng phải ổn định. Giá biến động nhiều thì thị trường không ổn định. Trong khi đó chúng ta không thể kiểm soát được giá vàng thế giới. Còn giá trong nước cao hơn giá thế giới nhiều quá thì sẽ xuất hiện đầu cơ. Đây là nguyên nhân gây biến động thị trường nên phải loại bỏ. Nghĩa là giá vàng trong nước và trên thế giới phải sát nhau và cả hai thị trường phải có sự liên thông, tránh biến động lớn cho thị trường.

Và nếu chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới quá lâu, sẽ xảy ra tình trạng gom ngoại tệ nhập lậu vàng?

Đúng là như vậy.

Có xu hướng nào rõ rệt của giá trong nước và thế giới thưa ông?

Giá vàng thế giới sẽ vẫn tiếp tục biến động. Cần lưu ý xem giá thế giới có giảm sâu xuống nữa không. Nếu giá thế giới giảm xuống dưới 1.300 USD/ounce thì khi đó giá trong nước có lẽ cũng sẽ giảm sâu. Với mức giảm vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce thì đây là việc điều chỉnh giá rất lớn trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!