Nhà đầu tư nước ngoài chờ cơ hội bỏ vốn

Theo TBKTSG

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, trong hội nghị đầu tư thường niên của tổ chức này vừa diễn ra hai ngày qua, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới thị trường Việt Nam nhưng nếu có bỏ vốn cũng là từ năm sau và với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.

Nhà đầu tư nước ngoài chờ cơ hội bỏ vốn

Theo nhận định từ phía VinaCapital, kinh tế Việt Nam hiện tại nếu so với các nước xung quanh thì có nhiều yếu kém hơn như tăng trưởng kinh tế thấp hơn, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, hệ thống ngân hàng đang cần tái cấu trúc, doanh nghiệp khó khăn…khiến nhà đầu tư nước ngoài mang tâm lý chờ đợi rằng mọi việc sẽ tốt hơn trong năm sau và vì vậy có bỏ vốn cũng chỉ bắt đầu từ 2013.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã có mức P/E (thị giá trên thu nhập của mỗi cổ phiếu) khá thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, P/E chốt đến tháng 8 của Việt Nam vào khoảng 9,9 lần, trong khi Thái Lan là 12,8 lần, Philippines là 14,6 lần, Malaysia là 14,8 lần.

Theo ông Don Lam đây là yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét.

Hiện tại tập đoàn VinaCapital đang quản lý 4 quỹ đầu tư, trong đó có 3 quỹ chính, bao gồm VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), VinaLand Ltd và Vietnam Infrastructure Ltd (VNI). Trong đó, có một quỹ làm ăn khá khó khăn là Vietnam Infrastructure Ltd (VNI) - quỹ đầu tư hạ tầng.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital cho biết giá trị tài sản của quỹ đã bị ảnh hưởng khi đầu tư vào một số công ty hạ tầng, do chứng khoán liên tục giảm sút trong các năm qua. Quỹ này đã đầu tư hơn 350 triệu đô la Mỹ, nhưng NAV (giá trị tài sản ròng) hiện xuống còn hơn 200 triệu đô la Mỹ.

Hiện nay VinaCapital đang cố gắng thoái vốn ở các dự án khó khăn để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Theo ông Andy Ho, VNI là quỹ kém hiệu quả nhất trong các quỹ mà VinaCapital đang nắm giữ, tuy vậy công ty cũng đang đặt ra chiến lược đầu tư để cố gắng tăng trưởng NAV thêm 30% thông qua việc tiếp tục mua các cổ phiếu blue-chip, cổ phiếu có tỷ lệ P/E thấp,… trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Còn quỹ đầu tư nhiều trong lĩnh vực chứng khoán VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) có giá trị tài sản ròng (NAV) tính đến hết 30-9 là 725,3 triệu đô la Mỹ, tăng trưởng tốt trong các năm qua, tăng hơn 147% so với lúc thành lập năm 2003. VOF đầu tư vào cổ phiếu và các khoản nợ của các công ty niêm yết, công ty đại chúng và doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Andy Ho, trong thời gian tới, VOF sẽ tiếp tục giải ngân vào các doanh nghiệp niêm yết chủ yếu là công ty có giá cổ phiếu thấp nhưng có tiềm năng cao, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời cũng chủ động tìm kiếm cơ hội thoái vốn cho các tài sản khi đạt mức giá thị trường cao.

Trong khi đó, với VinaLand Ltd, quỹ đầu tư bất động sản, ông Don Lam cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án nhà ở thấp tầng, và chỉ đầu tư vào các dự án đang có, không đầu tư mới, cố gắng tìm kiếm lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông. Đồng thời quỹ cũng tập trung chính vào quá trình thoái vốn, tối ưu hóa việc phát triển tài sản, giảm thiểu chi phí để thoái vốn và hoàn vốn cho cổ đông.

VinaLand có NAV tính đến hết ngày 30-9 là 540,3 triệu đô la Mỹ. Danh mục đầu tư của VinaLand có 36 dự án, bao gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phức hợp, nhà ở và các khu đô thị.

Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2012 với số lượng nhà đầu tư tham dự là 75, lớn hơn con số 50 nhà đầu tư vào năm ngoái.