Nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua nợ xấu
(Tài chính) Ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn nhảy vào thị trường nợ xấu của Việt Nam với đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được rõ ràng và đảm bảo hơn.
Bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói: “Hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các tài sản nợ xấu ở Việt nam. Tuy nhiên, cần có các khung pháp lý rõ ràng hơn”.
“IFC mong muốn tham gia nhiều hơn vào quá trình mua bán nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam”, bà nói.
“IFC đã đầu tư vào các chương trình xử lý nợ xấu ở các quốc gia, và IFC hy vọng giải quyết vấn đề nợ xấu ở Việt Nam dựa trên điều kiện thị trường. IFC muốn dành nguồn lực đầu tư và tư vấn cho vấn đề thách thức nhất mà Việt Nam đang gặp phải”, bà nói thêm.
Bà cho biết, hiện nay IFC đang trong quá trình thoả thuận bổ sung vốn tại một số ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên, bà không tiết lộ tên các ngân hàng đó.
Hai ngân hàng Techcombank và VietinBank, với sự hỗ trợ tài chính của IFC, đã cho vay hơn 60 triệu đô la trong vòng 3 năm qua. IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, đã đầu tư 805 triệu đô la tại Việt Nam trong năm tài chính 2013, kết thúc vào cuối tháng 6 vừa qua,
Bà Finkelston bổ sung thêm: “Có VAMC là điều tốt, nhưng Việt Nam cần xây dựng cơ chế thị trường để xử lý các khoản nợ nhanh chóng hiệu quả”.
Bà nhấn mạnh, cơ chế thị trường là điều tối quan trọng để giải quyết vấn đề nợ xấu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có cải cách sâu rộng hơn khu vực ngân hàng để tạo ra nguồn vốn mới cho tăng trưởng hiệu quả.
Bà nói: “IFC khuyến nghị Việt Nam nên tìm kiếm những đối tác tài chính ở nước ngoài có kinh nghiệm để giải quyết nợ xấu”.
Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian gần đây có khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp của nước ngoài là các quỹ đầu tư, các ngân hàng đã vào Việt Nam tìm hiểu việc mua bán nợ xấu.
Ông nói: “Cá nhân tôi đã gặp một số nhà đầu tư rất lớn. Họ nói là sẵn sàng bỏ ra hàng hàng trăm triệu đô la Mỹ trở lên, thậm chí cả tỉ đô la Mỹ để mua nợ xấu ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Thường nhận xét, việc thiếu minh bạch thông tin về nợ xấu đang là một trong những rào cản lớn nhất, bên cạnh các rào cản về chi phí thời gian, thủ tục hành chính rườm rà (như công tác bàn giao hồ sơ, thủ tục thưa kiện ra tòa, thi hành án, bán tài sản…), và sự hợp tác của các đối tác Việt Nam.
Sau gần hai năm bàn cãi, VAMC đã được thành lập cuối tháng 7 vừa qua với hy vọng sẽ xử lý khoảng 40.000- 70.000 tỉ đồng nợ xấu đến cuối năm nay.
Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67% tính đến cuối tháng 4/2013, theo Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, tỷ lệ này có thể gấp 3-4 lần, theo một số định chế tài chính quốc tế.