Nhà đầu tư tài chính Mỹ sợ hãi với rủi ro Fed thực hiện 3 biện pháp siết chặt chính sách

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Kết quả, thị trường để mất thành quả tăng điểm dịp Giáng sinh; kịch bản một Fed “diều hâu” không khỏi khiến cho cục diện đầu tư nói chung trở nên đầy bất ổn.

Ảnh: Washington Post
Ảnh: Washington Post

Nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Họ cũng biết rằng ngân hàng trung ương cũng đang giảm lượng trái phiếu mà cơ quan này mua vào mỗi tháng. Tính chung, việc siết chặt chương trình mua trái phiếu sẽ dẫn đến việc chương trình mua tài sản quy mô 9 nghìn tỷ USD cuối cùng cũng sẽ xảy ra.

Theo CNBC, nhìn vào biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, người ta còn thấy nhiều hơn thế nữa. Theo đó, các thành viên thuộc Fed không chỉ sẵn sàng nâng lãi suất cơ bản đồng USD hay giảm quy mô mua trái phiếu mà còn chuẩn bị có các cuộc đối thoại về việc giảm nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.

Dù rằng các động thái chính sách được tính toán để kiềm chế lạm phát khi thị trường lao động nóng lên, kịch bản Fed đưa ra một lúc ba biện pháp siết chặt không khỏi khiến nhà đầu tư trên thị trường tài chính sợ hãi. Kết quả, thị trường để mất thành quả tăng điểm dịp Giáng sinh; kịch bản một Fed “diều hâu” không khỏi khiến cho cục diện đầu tư nói chung trở nên đầy bất ổn.

Thị trường tài chính thế giới diễn biến trái chiều trong phiên ngày thứ Năm khi mà nhà đầu tư cố gắng đoán biết ý định của ngân hàng trung ương.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Ally Financial, bà Lindsey Bell, phân tích: “Lý do chính khiến thị trường có phản ứng “giật cục” chính là dường như họ cảm thấy rằng Fed đang sẵn sàng muốn hành động nhanh để rút bớt thanh khoản ra khỏi thị trường. Nếu họ làm như vậy dần dần, thị trường sẽ vẫn tăng trưởng tốt. Nếu họ hành động quá nhanh, một câu chuyện khác sẽ xảy ra”.

Trong cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ mới đây, Fed cho biết họ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu và chắc chắn sẽ truyền tải rõ ràng ý định của họ đến công chúng.

Dù vậy, triển vọng Fed cứng rắn hơn về chính sách vẫn khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại sau 2 năm chính sách tiền tệ được nới lỏng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nhà đầu tư lo lắng về kịch bản thị trường suy giảm. Dù vậy theo chuyên gia, nhà đầu tu đang sợ hãi quá mức về chính sách từ những quan chức từng nói rõ ràng rằng họ không muốn làm điều gì có thể gây tổn hại đến quá trình phục hồi kinh tế hoặc khiến thị trường tài chính suy giảm mạnh.

“Fed dường như đã hành động nhanh hơn. Tuy nhiên thực tế là chúng ta thực sự không biết họ sẽ hành động như thế nào hoặc khi nào họ sẽ hành động. Điều này sẽ được quyết định trong vài tháng tới”, bà Bell nhấn mạnh.

Trên thực tế, thị trường không cần phải chờ đợi quá lâu để biết đến định hướng chính sách của Fed.
Nhiều quan chức thuộc Fed đã lên tiếng trong vài ngày gần đây. Thống đốc Fed Christopher Waller và chủ tịch Fed tại Minneapolis – ông Neel Kashkari đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn. Trong khi đó chủ tịch Fed tại San Francisco, bà Mary Daly, cho biết bà nghĩ việc khởi động của quá trình giảm quy mô bảng cân đối kế toán không nhất thiết sớm xảy ra.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ có bài phát biểu vào tuần sau trong phiên điều trần. Lần phát biểu trước công chúng tiếp theo của ông diễn ra sau buổi họp của Fed vào ngày 25 và 26/1/2021, khi đó có thể ông sẽ thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn, theo nhận định của nhà sáng lập kiêm chủ tịch quỹ Destination Wealth Management, ông Michael Yoshikami.

Một điều quan trọng mà ông Yoshikami nhận định chính là dù Fed quyết tâm ứng phó với lạm phát, Fed cũng sẽ vẫn phải đương đầu với ảnh hưởng tiêu cực của biến chủng Omicron.