Nhà điều hành đủ nguồn lực để chủ động tỷ giá
(Tài chính) Với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngay ở những ngày đầu năm, cùng thông điệp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức điều hành tỷ giá đã tạo tâm lý ổn định trên thị trường ngoại hối. Theo đó, tỷ giá 2015 sẽ không có biến động đột biến, hoạt động xuất khẩu được hỗ trợ từ chính sách tỷ giá. Doanh nghiệp biết hướng để xây dựng phương án liên quan đến quản lý ngoại tệ, dòng ngoại tệ, kể cả chi – thu hay vấn đề vay mượn ngoại tệ.
TS. Vũ Đình Ánh: quản lý ngoại tệ theo quan điểm của tôi, tình hình năm 2015 sẽ diễn biến tương tự như năm 2014, thậm chí còn tốt hơn nên không phải lo ngại về chuyện tỷ giá 2015 sẽ biến động đột biến. Nhưng các nhà quản lý cần củng cố niềm tin của DN thông qua các cam kết thường xuyên và mạnh mẽ hơn nữa.
Với động thái điều chỉnh tỷ giá và thông điệp của NHNN thì đây sẽ là cơ sở để DN chủ động hơn với vấn đề tỷ giá để định hướng cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh và dòng tiền trong năm 2015.
Không phải tất cả DN Việt Nam đều cần đến nguồn vốn ngoại tệ trong kinh doanh. Nhưng DN nào phải sử dụng đến ngoại tệ thì khả năng dự liệu được sự biến động của tỷ giá rất cần trong việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của DN. Và với DN, liên quan đến quản lý ngoại tệ, dòng ngoại tệ, kể cả chi – thu hay vấn đề vay mượn ngoại tệ đều phải được xây dựng dựa trên niềm tin vào sự ổn định của thị trường tỷ giá hối đoái.
Thực tiễn cho thấy thị trường dễ bị biến động và nhạy cảm với các tin đồn liên quan đến tỷ giá, vàng, chứng khoán. Để giải quyết các vấn đề mang tính tâm lý này cần làm gì, theo ông?
Khi không có những thông tin chính thức thì các tin đồn sẽ “làm vương, làm tướng”. Nên để xử lý tin đồn thì tốt nhất là cần có những thông tin chính thức một cách kịp thời. Mặt khác, các thông tin chính thức, chính thống ấy không nên chỉ mang tính “an dân” mà phải có cơ sở và đủ độ tin cậy để tạo ra được uy tín.
Đơn cử, NHNN đã từng cam kết biến động tỷ giá không quá 2-3% mỗi năm thì họ đã thực hiện được suốt trong các năm 2012, 2013 và 2014 vừa qua. Nên chẳng có lý do gì mà người ta lại nghi ngờ các cam kết của NHNN về tỷ giá trong năm 2015 khi NHNN đã xác lập được uy tín rồi.
Ngoài ra, vấn đề còn liên quan đến sự vận hành và chi phối của thị trường ngoại hối chính thức với thị trường phi chính thức. Khi thị trường chính thức đã chi phối được thì tác động của tin đồn giỏi lắm cũng chỉ liên quan đến thị trường phi chính thức thôi. Như vậy, ở đây đặt ra vấn đề là phải tiếp tục hạn chế được thị trường ngoại hối phi chính thức. Đồng thời, phải ngăn chặn được những tác động ngược của thị trường phi chính thức đến thị trường chính thức, tức là phải gắn vấn đề tỷ giá hối đoái với quản lý thị trường ngoại hối.
Dự báo của ông về nhu cầu tín dụng ngoại tệ trong năm 2015?
Tín dụng ngoại tệ tăng vì hai lý do chính: Thứ nhất, liên quan đến chênh lệch lãi suất giữa VND với lãi suất ngoại tệ. Thứ hai vì tỷ giá ổn định. Với hai yếu tố trên thì rõ ràng là tính hấp dẫn của tín dụng ngoại tệ “ngon” hơn hẳn.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu vay ngoại tệ lớn quá thì sẽ làm tăng nhu cầu huy động ngoại tệ, mà như vậy có thể lại làm tăng tình trạng đôla hóa. Do đó, để xử lý tín dụng ngoại tệ hoặc phải xem xét lại vấn đề về lãi suất, hoặc phải kiểm soát tốt vấn đề vay ngoại tệ có mục tiêu để gắn với quá trình chống đôla hóa. Đơn cử vừa qua chúng ta đã có một số văn bản hạn chế cho vay ngoại tệ rồi, thì tới đây cần có ra các văn bản để hạn chế tiếp hay không và thậm chí có thể tiến tới xóa bỏ luôn vấn đề cho vay ngoại tệ.
TS. Trương Văn Phước: Năm nay tiêu dùng đã có dấu hiệu tốt thông qua chỉ số bán lẻ, đầu tư toàn xã hội cũng tăng lên. Đầu tư khu vực tư nhân cũng tăng và được hỗ trợ quan trọng bởi tín dụng NH. Tổng cầu tăng lên tạo nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thể hiện qua tín dụng nội địa tăng. Đó là lý do tại sao người ta vẫn lạc quan về tín dụng năm 2015. Tăng trưởng tín dụng không phải tự nhiên có, mà là do tổng cầu đã phục hồi tốt lên.
Ngược lại, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ hỗ trợ cho tổng cầu tăng lên. Xe không có xăng thì không chạy được, nhưng dù có xăng cũng không chạy được nếu đường bị kẹt. Ví von như thế để thấy sự phục hồi của nền kinh tế thể hiện qua tốc độ tăng trưởng và tổng cầu tăng lên và hiệu ứng của nó sẽ tác động tới nhân tố tài chính. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng cao hơn và tổng cầu tăng hơn thì nhu cầu vốn phải tăng lên.
Thưa ông, vì sao tỷ giá giao dịch của các NHTM lại giảm?
Tỷ giá chịu tác động bởi hai nhóm nguyên nhân chính: Quan hệ cung - cầu và quy luật của tỷ giá khi xem nó như một loại hàng hóa. Nhu cầu về ngoại tệ của chúng ta gần đây không còn căng thẳng như trước, dự trữ ngoại hối tăng cao, cán cân thương mại thặng dư và liên tục nhiều tháng xuất siêu.
Ở yếu tố thứ hai, chênh lệch lạm phát của Việt Nam so với các nước năm nay ở mức thấp, các thông tin về tỷ giá hối đoái lan tỏa tương đối sớm, rộng khắp. Thêm các căn cứ lạm phát thấp, xuất siêu và xuất khẩu cần được hỗ trợ… khiến thị trường dự báo tỷ giá sẽ được điều chỉnh dần dần. Khi mà thị trường dự báo được thì phản ứng “nhẹ nhàng” của thị trường là rất dễ hiểu.
Ngoài ra, cũng cần trở lại câu chuyện thực là tiền đồng vẫn có lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất của USD. Theo lý thuyết, chênh lệch lãi suất là nhân tố quan trọng tạo ra giá trị hối đoái của đồng tiền đó. Đồng tiền nào có lãi suất cao, đồng tiền đó được giá và đồng tiền đó có lợi thế.
Vậy tác động của việc điều chỉnh tỷ giá sớm của NHNN?
NHNN mong muốn một tâm lý ổn định trên thị trường ngoại hối và thực ra trong chính sách chúng ta luôn luôn theo đuổi chính sách đồng Việt Nam giảm giá trị có liều lượng. Tỷ giá được điều chỉnh ngay từ đầu năm cũng là cách thức giúp tâm lý thị trường ổn định.
Cứ cho rằng chúng ta sẽ nhập siêu ở mức độ nào đó vài ba tỷ USD trong năm nay thì đó không phải là vấn đề quá lớn để tỷ giá của chúng ta phải chịu áp lực điều chỉnh hơn 2% - là mục tiêu mà NHNN đã cam kết. Tôi cho rằng, với điều kiện của kinh tế vĩ mô hiện nay, thì VND có thể không mất giá quá 2%.
Đâu là lý do tín dụng ngoại tệ tăng? Và quan điểm của ông về hạn chế tín dụng ngoại tệ?
Sự ổn định tỷ giá cùng với lãi suất thấp trong suốt gần 3 năm qua đã tạo ra cho thị trường, người vay mong muốn vay ngoại tệ. Nhưng chúng ta kiên trì theo đuổi chính sách chống đôla hóa. Để bảo đảm chủ quyền tiền tệ quốc gia, tính độc lập của đồng tiền thì quốc gia nào cũng mong muốn đồng nội tệ vững mạnh. Muốn cho vững mạnh thì các nhân tố tác động phải ổn định dần và cần chính sách hạn chế cho vay ngoại tệ, tiền gửi ngoại tệ.
Không nên quan tâm quá nhiều về việc đồng tiền nào (VND hay USD), hay chiếc xe nào đã vận chuyển hành khách từ nơi này đến nơi kia. Người ta có thể đi bằng xe bus, xe máy hay đi bộ không quan trọng. Lúc này là DN muốn vay đồng tiền này, hay thích vay đồng tiền khác là một cơ chế điều chỉnh rất tự động.
Xin cảm ơn ông!