Nhận diện cổ đông chiến lược

Theo Đầu tư Chứng khoán

Không phải lúc nào cổ đông chiến lược cũng đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp (DN), của các cổ đông khác, bởi còn phải xem xét đến thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Nhận diện cổ đông chiến lược
Vietinbank đãcông khai toàn bộ các thông tin liên quan đến cổ đông chiến lược tại ĐHCĐ bất thường mới đây

Khi một công ty có được cổ đông chiến lược với những cam kết hỗ trợ nhiều mặt, cổ đông sẽ kỳ vọng vào triển vọng gia tăng lợi nhuận, tăng giá cổ phiếu trong thời kỳ thịnh vượng hoặc vực dậy công ty đang khó khăn. Nhưng không phải lúc nào, kỳ vọng này cũng có thể trở thành sự thật.

Từ kỳ vọng

Về lý thuyết, việc thu hút được cổ đông chiến lược tham gia góp vốn không chỉ giúp DN củng cố năng lực tài chính, mà còn thúc đẩy DN nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là triển vọng lâu dài và đem lại lợi ích sâu xa bắt nguồn từ thay đổi bên trong của DN. Chính vì những lợi ích ấy đối với DN, mà trong thời kỳ thị trường chứng khoán sốt nóng, chỉ cần có thông tin chưa chính thức về một DN niêm yết tìm được cổ đông chiến lược là giá cổ phiếu của DN đó đã “sóng sánh”.

Trong bối cảnh mà tái cấu trúc đang là yêu cầu bức thiết được đặt ra với tất cả các DN, thì việc có cổ đông chiến lược, đặc biệt là cổ đông ngoại, tham gia vào DN dễ khiến nhà đầu tư và thị trường kỳ vọng vào một làn gió ngoại mạnh mẽ “thổi bay” những hạn chế, yếu kém của DN Việt. Đơn cử, trường hợp của công ty cổ phần (CTCP) Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), năm 2012, có doanh thu hơn 94 tỷ đồng, song riêng chi phí trả lương chiếm hơn 20 tỷ đồng cho bộ máy gần 650 nhân sự. Hiện STT đang thực hiện các công tác để phát hành tăng vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng cho cổ đông chiến lược Nhật Bản Skirr Japan . Với sự tham gia của cổ đông này, STT kỳ vọng, Công ty không chỉ có nguồn lực để tiếp tục các dự án dang dở, mà còn được tiếp nhận công nghệ quản trị hiện đại, giúp bộ máy nhân sự tinh gọn và hiệu quả hơn.

Hay trường hợp của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), trước tình hình kinh doanh bết bát của VASS, năm 2012, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ra “tối hậu thư” buộc VASS phải tái cơ cấu trong năm 2012. Sau đó, VASS đã đệ trình được phương án tái cơ cấu, mà trọng tâm là sự tham gia của cổ đông chiến lược Bamboo Capital. Theo đó, Công ty đã giảm vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng xuống còn 40 tỷ đồng, sau đó kêu gọi Bamboo Capital góp vốn tái cấu trúc thêm 260 tỷ đồng, để đảm bảo vốn pháp định 300 tỷ đồng đối với một DN bảo hiểm phi nhân thọ.

… đến thực tế

Theo một số nhà đầu tư, thì điều quan trọng nhất mà các cổ đông nhỏ kỳ vọng vào cổ đông chiến lược là hy vọng DN sẽ trở nên minh bạch hơn, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, hoạt động, bên cạnh việc đóng góp về mặt vốn và thị trường… Vấn đề là không phải lúc nào cổ đông chiến lược cũng đáp ứng kỳ vọng của DN, của các cổ đông khác, bởi còn phải xem xét đến thỏa thuận hợp tác chiến lược. Hợp đồng hợp tác chiến lược được xem là bí mật kinh doanh và không phải DN nào cũng công bố các thỏa thuận này. Nếu có công bố cũng chỉ công bố một phần khi có sự chấp thuận của cổ đông chiến lược.

Gần đây nhất, Vietinbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua lựa chọn cổ đông chiến lược. Các vấn đề về thỏa thuận hợp tác đã được cổ đông khác quan tâm và mong muốn ban lãnh đạo Ngân hàng chia sẻ, chẳng hạn toàn bộ giá trị cổ phiếu, lên tới hàng trăm triệu USD, sẽ được trả bằng tiền mặt hay bằng các tài sản khác, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, các quyền lợi khác của cổ đông chiến lược ra sao… Trong trường hợp này, cổ đông được an tâm khi cho biết cổ đông chiến lược sẽ trả toàn bộ bằng tiền mặt ngay trong quý I/2013. Cổ đông chiến lược cũng sẽ hỗ trợ nhân sự, đào tạo để Vietibank có thể tăng cường công tác quản trị. Tại STT, việc lựa chọn cổ đông chiến lược vẫn chưa xong nhưng ít nhất theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Công ty, cổ đông chiến lược sẵn sàng đặt cọc và rót vốn ngay khi thủ tục hoàn tất.

Tuy nhiên, trường hợp của VASS lại khác. Theo lộ trình tái cấu trúc của công ty này, Bamboo Capital đặt cọc 52 tỷ đồng vốn góp ngay sau khi có Nghị quyết của HĐQT về việc lựa chọn Bamboo Capital làm cổ đông chiến lược. Sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, Bamboo Capital đã góp vốn đợt 1 là 130 tỷ đồng và VASS tổ chức ĐHCĐ công bố cổ đông mới. Đại diện của Bamboo Capital đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Theo kế hoạch, Bamboo Capital phải góp tổng cộng 260 tỷ đồng, vậy nhưng việc góp tiếp 130 tỷ đồng cũng như việc sử dụng vốn góp đợt 1 ra sao đã không được đề cập đến. Nhiều cổ đông không khỏi thắc mắc về năng lực tài chính của Bamboo Capital, khi tài liệu cung cấp trong ĐHCĐ bất thường thông qua việc lựa chọn cổ đông chiến lược hồi tháng 11/2012 không đề cập đến năng lực tài chính của Bamboo Capital, ngay cả với các thông số cơ bản như vốn điều lệ, tổng tài sản…

VASS kết thúc năm 2012 với khoảng 200 tỷ đồng vay nợ. Thanh khoản vẫn đang là thách thức với Công ty. Theo tìm hiểu của ĐTCK, VASS đang có tranh chấp/nợ bồi thường với nhiều khách hàng. Đơn cử như trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Phát, VASS đã bị Tòa án buộc phải bồi thường 8,7 tỷ đồng, nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện được nghĩa vụ thanh toán.