Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nghiên cứu này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2013- 2022. Kết quả cho thấy, quy mô doanh nghiệp, số năm hoạt động, tốc độ tăng doanh thu, khả năng thanh toán và vòng quay tổng tài sản tác động thuận chiều đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp dược phẩm. Ngược lại, đòn bẩy tài chính lại tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp dược phẩm. Dựa trên kết quả phân tích, một số hàm ý quản trị được đề xuất nhằm gia tăng khả năng sinh lời cho các doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn
Đặt vấn đề
Dược phẩm là một trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, góp phần giúp người dân, người lao động được đảm bảo sức khỏe, từ đó hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) dược phẩm ở Việt Nam còn khá hạn chế.
Nâng cao khả năng sinh lời là vấn đề luôn được các nhà quản trị quan tâm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Khi có khả năng sinh lời tốt, DN mới có thể cung cấp đủ nguồn tài chính đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, khả năng sinh lời còn là công cụ hữu ích để dự báo hiệu quả hoạt động của DN trong tương lai.
Vì vậy, DN luôn muốn tìm hiểu và xác định có những nhân tố nào ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của mình. Do đó, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) Việt Nam là cần thiết.
Cơ sở lý luận và giả thuyết nghiên cứu
Định nghĩa khả năng sinh lời
Khả năng sinh lời là một chỉ tiêu phản ánh rõ nhất kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi DN. Khả năng sinh lợi là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ thành công của DN, các nhà đầu tư thường sử dụng nó như một công cụ để xác định xem liệu họ có nên đầu tư vào cổ phiếu của một DN cụ thể hay không. Tuy nhiên, không có phương pháp đánh giá nào được sử dụng đồng nhất, và khả năng sinh lời thường dựa trên các số liệu hàng năm như sử dụng báo cáo tài chính…
Khả năng sinh lợi cho biết sức khỏe hiện tại của DN. Một DN có thể biết khả năng thu nhập của mình bằng cách kiểm tra thu nhập trước lãi và thuế (EBIT). Tính toán này kiểm tra khả năng sinh lợi của DN dựa trên dòng tiền và việc hoạt động liên tục. Bằng cách loại trừ thu nhập bất thường hoặc chi phí bất thường, EBIT thể hiện tính thanh khoản, khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ và sức khỏe tổng thể của DN
Malik (2011) cho rằng, khả năng sinh lời là một trong những thước đo, mục tiêu quan trọng nhất của quản lý tài chính. Trong khi lợi nhuận là con số tuyệt đối thì khả năng sinh lời là tương đối. Khả năng sinh lời là thước đo hiệu quả về sự thành công hay thất bại của DN.
Tổng quan các nghiên cứu trước
Lazaridis và Tryfonidis (2006) đã thu thập dữ liệu từ 131 DN niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Athens trong giai đoạn 2001-2004 để tìm ra mối quan hệ giữa cấu trúc vốn và khả năng sinh lời. Kết quả cho thấy, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt và tỷ lệ nợ có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của DN, trái ngược với tác động tích cực của quy mô DN và tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản. Yazdanfar (2013) chỉ ra, quy mô DN và tăng trưởng có tác động tích cực đến khả năng sinh lời trong khi thời gian hoạt động của DN lại tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời của 12.530 DN vi mô phi tài chính hoạt động trong 4 lĩnh vực công nghiệp. Nghiên cứu của Alghusin (2015) cho thấy, đòn bẩy tài chính tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời ROA của các DN công nghiệp, trong khi đó quy mô và tỷ số doanh thu trên tổng tài sản có tác động tích cực đến ROA. Alarussi và Alhaderi (2018) kết luận về tác động tích cực của quy mô doanh nghiệp và tỷ lệ vòng quay tài sản đến khả năng sinh lời, trong khi đó nợ trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ trên tài sản lại có tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Quan Minh Nhựt (2014) phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của 58 DN bất động sản (BĐS) niêm yết trên HOSE và HNX trong giai đoạn từ năm 2010-2012. Kết quả chỉ ra rằng, hiệu quả hoạt động của DN chịu ảnh hưởng bởi: tỷ lệ đòn bẩy tài chính, tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản, tỷ lệ cổ phiếu quỹ trên tổng vốn cổ phần, tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý trên tổng chi phí DN và thời gian hoạt động của DN. Hằng và Linh (2020) phân tích các nhân tố ảnh hưởng khả năng sinh lời của 27 DN BĐS điển hình niêm yết trên HOSE trong giai đoạn từ năm 2010-2019. Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy cấu trúc tài sản làm suy giảm khả năng sinh lời của các DN BĐS, trong khi đòn bẩy tài chính, quy mô DN và một số nhân tố khác, có tác động tích cực. Các DN niêm yết của Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt và có sự khác biệt rõ rệt so với thị trường quốc tế nên cần có một khái niệm lý thuyết và thực tiễn mới để xác định các yếu tố quyết định khả năng sinh lời.
Xây dựng giả thuyết nghiên cứu
Theo Agiomirgianakis và cộng sự (2006), Alghusin (2015), Malik (2011), Vătavu (2014), quy mô của DN tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời. Lợi thế của quy mô kinh tế có thể giúp các DN lớn có được lợi thế về lãi suất thấp hơn và tỷ lệ chiết khấu tốt hơn vì giao dịch với số lượng lớn. Hơn nữa, quy mô kinh tế có thể giúp DN chuyên môn hóa và phân công lao động tốt hơn và giảm chi phí. Do đó sự ảnh hưởng của quy mô DN đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam được đề xuất như sau:
H1: Quy mô DN ảnh hưởng cùng chiều đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Nghiên cứu của Chander và Aggarwal (2008) cho thấy, ảnh hưởng cùng chiều của thời gian hoạt động của DN đến khả năng sinh lời, các DN có thời gian hoạt động càng lâu lợi nhuận càng lớn, khả năng sinh lời càng lớn. Điều này có thể giải thích bởi vì các DN có kinh nghiệm hoạt động lâu năm do có danh tiếng tốt, tạo được thương hiệu và được khách hàng nhận diện thương hiệu sản phẩm cao, kinh nghiệm và hiệu quả trong quá trình vận hành có thể làm giảm chi phí sản xuất. Do đó, sự ảnh hưởng của thời gian hoạt động đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam được đề xuất như sau:
H2: Thời gian hoạt động ảnh hưởng cùng chiều đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Agiomirgianakis và cộng sự (2006) và Yazdanfar (2013) cho rằng, mức tăng trưởng càng tăng thì khả năng sinh lời càng cao. Do đó, sự ảnh hưởng của mức tăng trưởng đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam được đề xuất như sau:
H3: Mức tăng trưởng doanh thu ảnh hưởng cùng chiều đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Nghiên cứu của Goddard và cộng sự (2005) và Chander và Aggarwal (2008) đều tìm thấy khả năng thanh toán có tác động cùng chiều với khả năng sinh lời giảm. Do đó ảnh hưởng của khả năng thanh toán đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam được đề xuất như sau:
H4: Khả năng thanh toán ảnh hưởng cùng chiều đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Alarussi và Alhaderi (2018), Alghusin (2015), Goddard và cộng sự (2005), Malik (2011), Vătavu (2014) đã chỉ ra tác động ngược chiều của đòn bẩy tài chính đến khả năng sinh lời. Do đó, ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam được đề xuất như sau:
H5: Đòn bẩy tài chính ảnh hưởng ngược chiều đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Agiomirgianakis và cộng sự (2006), Alarussi và Alhaderi (2018), Alghusin (2015), Chander và Aggarwal (2008), Nguyen và cộng sự (2018) cho rằng, vòng quay tổng tài sản tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời. Do đó, ảnh hưởng của vòng quay tổng tài sảnh toán đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam được đề xuất như sau:
H6: Vòng quy tổng tài sản ảnh hưởng cùng chiều đến khả năng sinh lời của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Phương trình hồi quy được xây dựng như sau:
Rit= β0 + β1SIZEit + β2AGEit + β3GROWTHit+ β4LIQit +β5LEVit + β6ATit+ εit (1)
Trong đó:
R: Tỷ suất sinh lời lần lượt được đo lường bằng ROA (Tỷ suất sinh lời trên tài sản của DN) và ROE (Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của của DN);
SIZE: Quy mô của DN, đo lường bằng logarit của tổng tài sản;
AGE: Thời gian hoạt động của DN;
GROWTH: Tăng trưởng doanh thu của DN, đo lường bằng tỷ lệ (doanh thu t - doanh thu t-1)/ doanh thu t-1;
LIQ: Khả năng thanh toán của DN, đo lường bằng tỷ lệ tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn;
LEV: Đòn bẩy tài chính của DN, đo lường bằng tỷ lệ tổng nợ/tổng tài sản;
AT: Vòng quay tổng tài sản của DN, đo lường bằng tỷ lệ doanh thu thuần/giá trị bình quân tổng tài sản.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập dữ liệu
Nghiên cứu thu thập dữ liệu thứ cấp từ báo cáo thường niên và báo cáo tài chính của 19 DN dược phẩm niêm yết trên TTCK, tương đương với 190 quan sát giai đoạn từ 2013-2022. Dữ liệu được cung cấp bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thu thập từ các trang Cafef, Cophieu68.vn và Vietstoc, do đó, đảm bảo độ tin cậy, minh bạch và chính xác.
Phương pháp phân tích dữ liệu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp Thống kê mô tả, mô hình hồi quy với ước lượng bình phương bé nhất (Pooled OLS); mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (Random Effect Model - REM) và mô hình ảnh hưởng cố định (Fixed Effects Model - FEM) để ước lượng mô hình. Sau khi tiến hành các kiểm định đa cộng tuyến, tự tương quan, F-test, Hausman, Breusch - Pagan Lagrange, nghiên cứu đã lựa chọn mô hình các yếu tố ảnh hưởng cố định (FEM). Nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra hiện tượng phương sai sai số thay đổi và kiểm định Wooldridge cho hiện tượng tự tương quan cho các phần dư và khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi bằng phương pháp ước lượng FGLS (Feasible Generalized Least Squares).
Kết quả phân tích và thảo luận
Bảng 1 cho thấy, quy mô DN (SIZE) có ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời trên cả hai phương diện ROA và ROE của các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam tại mức ý nghĩa 1%, điều này ngụ ý khi quy mô kinh doanh càng lớn sẽ có lợi thế hơn trong việc gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Bảng 1: Kết quả hồi quy với ước lượng FGLS |
||
Biến |
ROA |
ROE |
SIZE |
0,0391*** (4,68) |
0,0243*** (0,98) |
AGE |
0,0882*** (12,69) |
0,1924 (1,11) |
GROWTH |
0,0113*** (5,19) |
0,0124** (0,24) |
LIQ |
0,0051* (21,14) |
|
0,0083 |
||
(17,62) |
||
LEV |
-0,15214*** |
|
(-4,93) |
-0,09911*** |
|
(-19,27) |
||
AT |
0,0203*** |
|
(3,81) |
0,0471*** |
|
(6,23) |
||
Hằng số |
-0,2191 |
-1,0192 |
R2 điều chỉnh |
51,27 |
50,67 |
Số quan sát |
170 |
170 |
F |
232,13 |
187,41 |
Sig |
0,0000 |
0,0000 |
Ghi chú: (***), (**) và (*) lần lượt có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, 5% và 10%.
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả
Thời gian hoạt động của DN (AGE) cũng cho thấy, có ảnh hưởng thuận chiều đến giá trị ROA ở mức ý nghĩa 1%. Các DN thành lập và hoạt động trên thị trường lâu năm thường có lợi thế hơn về sự am hiểu thị trường, có nhiều uy tín cũng như kinh nghiệm quản lý hơn so với DN mới thành lập sau, vì vậy, doanh nghiệp thành lập hoạt động càng lâu năm càng có khả năng đạt hiệu quả ROA tốt hơn.
Tiếp theo, mức tăng trưởng (GROWTH) tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời trên cả hai phương diện ROA và ROE của các DN tại mức ý nghĩa 5% và 1%. Điều này có nghĩa là khi DN có mức tăng trưởng doanh thu cao thì khả năng sinh lời càng lớn. Tốc độ tăng trưởng của doanh thu phản ánh năng lực kinh doanh của DN, tốc độ này càng tăng nghĩa là hàng hóa càng bán được nhiều và nhanh, từ đó tăng kết quả kinh doanh của DN.
Khả năng thanh toán (LIQ) cũng cho thấy, có tác động cùng chiều đến ROA ở mức ý nghĩa 10% nhưng không có ý nghĩa thống kê đối với ROE. Điều này ngụ ý là khả năng thanh toán của các DN dược niêm yết càng cao chứng tỏ DN có tình hình tài chính lành mạnh, tất yếu sẽ làm tăng niềm tin đối với các bên liên quan, giúp DN dược được hưởng các chính sách ưu đãi khi mua nguyên liệu đầu vào, giúp giảm chi phí, từ đó nâng cao được lợi nhuận và gia tăng giá trị ROA.
Cuối cùng, kết quả phân tích cũng cho thấy vòng quay tổng tài sản (AT) tác động cùng chiều đến cả hai chỉ số ROA và ROE của các DN dược niêm yết ở Việt Nam. Có thể thấy, nếu việc đầu tư vào tài sản cố định (trang bị mới tài sản cố định, nâng cao kỹ thuật công nghệ) được DN thực hiện tốt sẽ làm gia tăng hiệu quả hoạt động của DN.
Hàm ý quản trị
Nhằm gia tăng khả năng sinh lời cho các DN dược phẩm niêm yết trên TTCK Việt Nam để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, từ ảnh hưởng tích cực của quy mô công ty đến hiệu quả kinh doanh, các DN dược phẩm nên nỗ lực bằng mọi cách mở rộng quy kinh doanh nhằm tận dụng những lợi thế do quy mô mang lại, thực hiện các giải pháp tăng cường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Thứ hai, các DN dược phẩm cần cân nhắc trong việc sử dụng nợ vay. Một tỷ lệ nợ vay quá cao sẽ tăng áp lực trả lãi và gốc càng lớn khiến DN sẽ khó khăn hơn trong quá trình hoạt động.
Thứ ba, các DN dược phẩm cần nâng cao hiệu quả vòng quay tài sản nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời thông qua việc nâng cao năng lực quản lý tài sản như nâng cao hiệu quả thanh lý và xử lý các tài sản cố định không dùng đến và tiến hành ra quyết định mua sắm tài sản cố định một cách hợp lý và hiệu quả.
Thứ tư, phát triển thêm hệ thống phân phối, đưa sản phẩm tới tay người dùng bằng nhiều hình thức. Phối hợp sử dụng đa dạng nhiều kênh bán hàng, trong đó bên cạnh chuỗi cửa hàng thuốc, doanh nghiệp nên sử dụng thêm kênh bán hàng trực tuyến. Để làm tốt hoạt động này, các DN p dược phẩm cần phải xây dựng đội ngũ nhân sự marketing chuyên nghiệp bên cạnh đội ngũ sản xuất.
Tài liệu tham khảo
- Hằng, N. T., & Linh, N. T. T. (2020), Các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam: Ứng dụng mô hình tác động ngẫu nhiên và tác động cố định, Tạp chí Khoa học & Đào tạo ngân hàng, 223, 13–25;
- Nhựt, Q. M. (2014), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, 33, 65–71;
- Agiomirgianakis, G., Voulgaris, F., & Papadogonas, T. (2006), Financial factors affecting profitability and employment growth: The case of Greek manufacturing, International Journal of Financial Services Management, 1(2–3), 232–242;
- Alarussi, A. S., & Alhaderi, S. M. (2018). Factors affecting profitability in Malaysia, Journal of Economic Studies, 45(3), 442–458;
- Alghusin, N. A. S. (2015), Do financial leverage, growth and size affect profitability of Jordanian industrial firms listed, International Journal of Academic Research in Business and Social Sciences, 5(4), 385–398;
- Chander, S., & Aggarwal, P. (2008), Determinants of corporate profitability: An empirical study of Indian drugs and pharmaceutical industry, Paradigm, 12(2), 51–61;
- Goddard, J., Tavakoli, M., & Wilson, J. O. (2005), Determinants of profitability in European manufacturing and services: Evidence from a dynamic panel model, Applied Financial Economics, 15(18), 1269–1282.