Nhân viên gây lỗi, công ty phải chịu trách nhiệm
(Tài chính) Thời gian gần đây, xảy ra nhiều tranh chấp, thậm chí có vụ việc ở mức phải chịu trách nhiệm hình sự, mà trong đó nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp, công ty có thể vô ý hoặc cố ý gây thiệt hại cho khách hàng. Nhiều trường hợp pháp nhân không nhận trách nhiệm, đẩy lỗi cho nhân viên, gây bức xúc trong dư luận.
Thưa ông, pháp luật quy định ra sao về trách nhiệm của pháp nhân khi có thiệt hại xảy ra với khách hàng của họ?
Trong trường hợp này, câu chuyện trách nhiệm sẽ được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã thỏa thuận với khách hàng và pháp luật liên quan. Liên quan đến trách nhiệm của pháp nhân, Điều 93 Bộ luật Dân sự quy định: Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Như vậy, khi người của pháp nhân thực hiện công việc được giao mà gây thiệt hại cho khách hàng, pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng. Bởi lẽ, người của pháp nhân thực hiện công việc nhân danh pháp nhân, chứ không phải nhân danh người đó.
Vì sao, cơ sở nào, thực tiễn nào mà pháp luật lại đưa ra quy định buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm trong trường hợp nhân viên của họ gây ra thiệt hại cho khách hàng?
Như đã đề cập trên, người của pháp nhân thực hiện công việc nhân danh pháp nhân, chứ không phải nhân danh chính họ. Đây là cơ sở để buộc pháp nhân phải có trách nhiệm của mình trong trường hợp nhân viên của pháp nhân đó gây ra thiệt hại cho khách hàng khi thực hiện công việc cho pháp nhân.
Nhưng thực tế, nhiều vụ việc, pháp nhân đổ lỗi cho nhân viên và khăng khăng nhân viên mới là người phải bồi thường cho khách hàng? Ông nghĩ sao về điều này?
Pháp nhân có trách nhiệm quản lý nhân viên của họ. Khách hàng chỉ quan tâm là giao dịch đã ký với pháp nhân phải được tôn trọng và thực hiện đúng thỏa thuận.
Có trường hợp thế này, một công ty vận tải và khách hàng xác lập hợp đồng vận tải, theo đó pháp nhân chở một lô hàng đến địa điểm chỉ định an toàn với đầy đủ hàng hóa. Trong quá trình vận chuyển, người của pháp nhân lấy cắp hàng hóa của khách hàng. Trường hợp này, pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng số hàng bị lấy cắp. Khách hàng không quan tâm rằng số hàng hóa thiếu hụt đó do bị trộm cắp bởi người của pháp nhân hay không. Khách hàng chỉ biết một điều rằng, pháp nhân phải giao hàng đúng địa điểm và an toàn với đầy đủ hàng hóa. Trường hợp mất mát, hư hỏng, pháp nhân phải bồi thường cho khách hàng.
Gần đây, việc pháp nhân thoái thác trách nhiệm bồi thường do nhân viên của mình gây ra là khá phổ biến. Như đã đề cập, pháp nhân có trách nhiệm quản lý nhân viên của mình và phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên đối với khách hàng khi nhân viên đó thực hiện công việc được pháp nhân giao. Như vậy, pháp nhân sẽ phải là người bồi thường cho khách hàng và sau đó, người gây thiệt hại tùy từng mức độ sẽ phải bồi hoàn cho pháp nhân các thiệt hại do mình cố ý hoặc vô ý gây ra.
Trong trường hợp nhân viên của pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, có khi khách hàng của pháp nhân được xác định là bị hại của vụ án và như vậy pháp nhân vô can?
Tại Việt Nam, trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tôi cho rằng, pháp nhân phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự đối với khách hàng của mình.
Trở lại ví dụ về nhân viên của pháp nhân là đơn vị vận tải lấy cắp hàng trong quá trình vận chuyển. Người nhân viên này có thể bị xử lý hình sự về tội trộm cắp. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự của pháp nhân đối với khách hàng theo hợp đồng vận tải, pháp nhân phải bồi thường số hàng hóa đã bị lấy cắp đó cho khách hàng của mình.
Ông có cho rằng, nếu pháp nhân cứ né tránh trách nhiệm sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh khi khách hàng mất niềm tin vào pháp nhân?
Tôi e rằng sẽ là như vậy. Nhưng dưới góc độ nào đó, khách hàng thông thái cũng nên có những biện pháp để tự bảo vệ mình bằng cách giao dịch với pháp nhân có uy tín và cẩn trọng với hành vi xấu của người nào đó mạo nhận là người của pháp nhân để lừa đảo.