Nhập siêu trước bài toán dài hạn
(Tài chính) Tỷ trọng rất lớn hàng trung gian nhập từ Trung Quốc lại được nhiều doanh nghiệp gia công thêm để tiêu thụ trong nước. Đây chính là yếu tố gây thâm hụt thương mại lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Giá trị xuất siêu từ các thị trường khác chủ yếu giúp bù đắp giá trị nhập siêu từ thị trường Trung Quốc.
Với cách tính toán của mình, ông Trinh khẳng định trong năm 2014 Việt Nam xuất siêu xấp xỉ 6 tỷ USD. Với năm 2015, cán cân thương mại vẫn sẽ thặng dư, song ở mức rất nhỏ.
Tuy nhiên, cách tính toán của ông Trinh còn cho thấy tình trạng nhập siêu có thể được cải thiện về căn bản. Bởi dựa vào số liệu của hai năm gần đây, dịch vụ logistics của Việt Nam nếu phát triển mạnh hơn sẽ bù đắp cho phần thâm hụt cán cân thương mại.
Vì trong tỷ lệ phí bảo hiểm và vận tải hiện nay, phần thực hiện được của các DN trong nước mới chỉ chiếm 18%, còn lại thuộc về DN FDI. “Khi dịch vụ vận tải và bảo hiểm trong nước tăng lên, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị nhập khẩu, không chỉ trực tiếp làm tăng GDP trong ngắn hạn mà còn góp phần làm tăng nguồn lực trong dài hạn”, ông Trinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế có vẻ không diễn biến theo chiều hướng tốt như vậy. Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, nhập khẩu dịch vụ đang có chiều hướng tăng mạnh. Nếu trong năm 2013, tỷ lệ chi phí dịch vụ trong giá hàng xuất khẩu là khoảng 5,4% thì tới năm 2014 con số này đã tăng lên 6,6%. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ trong thời gian tới thì xu hướng này sẽ còn gia tăng.
Chi phí dịch vụ chỉ chiếm một phần nhỏ trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Việc gia tăng nhập khẩu dịch vụ có thể ảnh hưởng tới cán cân xuất nhập khẩu nói chung, song chi phí này trên thực tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Điều đáng nói là cơ cấu hàng hoá nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước thiếu bền vững đang khiến các chuyên gia lo ngại.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, nếu xét một cách tổng thể, dự báo nhập siêu vào năm 2015 không quá lo ngại. Lý do là cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2015 vẫn được dự báo thặng dư, mặc dù mức độ không quá lớn.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại được dự báo như vậy trong ngắn hạn phản ánh cơ cấu kinh tế Việt Nam còn thiếu bền vững. Bởi bên cạnh lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên… thì sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào bên trung gian, đặc biệt là Trung Quốc. DN Việt Nam hiện chưa đủ năng lực cạnh tranh để tham gia vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn, các DN FDI…
Lo ngại trên được phản ánh rõ hơn trong báo cáo của Tổng cục Hải quan: Năm 2014, Việt Nam vẫn nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với kim ngạch đạt gần 43,9 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2013; nhập siêu cả năm từ Trung Quốc khoảng 29 tỷ USD, tăng tương ứng 21,8%. Trong cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc, khoảng 60% là hàng trung gian, nhiên liệu.
Ông Thành phân tích, về cơ bản hàng trung gian được DN Việt Nam hoặc DN FDI nhập về để sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Đông… thì không gây thâm hụt thương mại. Nhưng tỷ trọng rất lớn hàng trung gian nhập từ Trung Quốc lại được nhiều DN gia công thêm để tiêu thụ trong nước. Đây chính là yếu tố gây thâm hụt thương mại lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của CIEM, nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam đã tăng từ mức 15,9% năm 2011 lên 84,5% và 136% lần lượt vào các năm 2006 và 2011. Tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn trong vài năm gần đây. Điều này cho thấy, nhập siêu từ Trung Quốc đang trở thành gánh nặng chính đối với cán cân thương mại của Việt Nam và giá trị xuất siêu từ các thị trường khác chủ yếu giúp bù đắp giá trị nhập siêu từ thị trường này.
“Trong những năm tới, nếu vẫn phải nhập khẩu hàng nguyên liệu để thực hiện công đoạn gia công lắp ráp điện tử, dệt may, giày dép… thì nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ còn chiếm tỷ trọng lớn. Đây mới thực sự là thách thức”, bà Lê Thị Minh Thuỷ nhận định.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh thì lo ngại, trong cơ cấu xuất nhập khẩu năm 2014 xuất siêu cơ bản thuộc về công của khối FDI. Bởi hiện nay xuất khẩu của FDI chiếm 68% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Song, đáng nói là giá trị gia tăng chỉ chiếm 20% thì rõ ràng là “xuất khẩu hộ”.
Theo ông Trinh, vấn đề cần quan tâm là trong trung và dài hạn làm sao Việt Nam nâng cao vị thế bằng cách phát huy tốt lợi thế so sánh, tạo ra lợi thế so sánh động bằng tri thức, công nghệ, để có thể tham gia vào các mạng chuỗi sản xuất toàn cầu, dần tạo được giá trị gia tăng cao hơn. Có như vậy mới giải quyết được câu chuyện nhập siêu một cách bền vững.
Trước mắt, theo các chuyên gia, cần chuyển hướng nhập khẩu máy móc và công nghệ từ EU và Hoa Kỳ để tận dụng lợi ích từ việc gia nhập WTO cũng như tận dụng các hiệp định thương mại song phương và khu vực đã ký kết giữa Việt Nam và các đối tác. Như vậy sẽ rất hữu ích trong việc vừa làm đa dạng hoá thị trường nhập khẩu, lại vừa thúc đẩy năng suất và công nghệ hiện đại trong nền kinh tế.