Sở hữu chéo, nguyên nhân và bất cập

Sở hữu chéo cổ phần tồn tại dưới hình thái: (i) công ty A sở hữu cổ phần của công ty B và ngược lại; hoặc (ii) công ty A sở hữu cổ phần của công ty B, công ty B sở hữu cổ phần của công ty C và công ty C sở hữu cổ phần của công ty A (sở hữu chéo gián tiếp).

Ngay từ năm 1981, Luật Thương mại Nhật Bản đã quy định cấm công ty con sở hữu cổ phần của công ty mẹ, trừ một số trường hợp đặc biệt. Sau đó, luật công ty cũng cấm thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông là công ty sở hữu chéo ngược chiều trong trường hợp sở hữu chéo có dấu hiệu chi phối thực chất.

Sở hữu chéo bùng nổ ở Nhật Bản từ những năm 1960 trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, sở hữu chéo giúp cho các CTCP có khả năng vay vốn dễ dàng từ ngân hàng và giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận từ cho vay. Sở hữu chéo là công cụ để hạn chế mua thâu tóm CTCP của nước ngoài trong bối cảnh Nhật Bản buộc phải thực kiện cam kết tự do hóa thương mại khi trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).

Trên thực tế, sở hữu chéo tạo ra liên kết giữa các công ty trong các tập đoàn sản xuất như Tập đoàn Toyota. Ngoài ra, phải kể đến sự liên kết duy trì sở hữu chéo giữa ngân hàng trung tâm và các công ty sản xuất công nghiệp, công ty thương mại trong 6 Tập đoàn quy mô lớn nhất Nhật Bản là Mitsubishi, Sumitomo, Mitsui, Sanwa, Fuyo và Ichikan. Kết quả sở hữu chéo là làm giảm số cổ phần lưu thông và tác động vào giá cổ phần, duy trì chúng ở mức cao.

Bên cạnh những lợi thế kể trên, sở hữu chéo cổ phần còn bộc lộ một số mặt hạn chế như có thể làm phát sinh hiện tượng làm hình thức hóa vai trò của đại hội đồng cổ đông trong quyết định phương hướng kinh doanh. Về mặt kế toán, do sở hữu chéo cổ phần của các công ty có hiệu quả kinh doanh thấp, cổ phiếu nắm giữ xuống giá là tác nhân buộc nhiều công ty phải sử dụng lợi nhuận để bù lỗ phát sinh do nắm giữ cổ phần chéo; hay để xảy ra tình trạng không hạch toán kế toán đầy đủ và chính xác các chi phí để duy trì sở hữu chéo.

Giải pháp hạn chế sở hữu chéo

Ngay từ năm 1981, Luật Thương mại Nhật Bản đã quy định cấm công ty con sở hữu cổ phần của công ty mẹ, trừ một số trường hợp đặc biệt. Sau đó, Luật Công ty cũng cấm thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông là công ty sở hữu chéo ngược chiều trong trường hợp sở hữu chéo có dấu hiệu chi phối thực chất. Bên cạnh đó, luật cấm độc quyền gián tiếp tác động quan hệ sở hữu chéo cổ phần thông qua quy định về giới hạn sở hữu và nghĩa vụ báo cáo nhằm kiểm soát tình trạng độc quyền.

Về vấn đề sở hữu chéo của các ngân hàng, từ 1/4/2000, Nhật Bản áp dụng chế độ hạch toán kế toán theo giá thị trường đối với hàng hóa tài chính thay thế chế độ hạch toán theo nguyên giá. Kết quả là các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty sở hữu chéo cổ phần bị rơi vào tình trạng thua lỗ do định giá cổ phần sở hữu chéo theo giá thị trường. Các chủ thể này đã nhận thức được sở hữu chéo là tác nhân gây ra tăng trưởng lợi nhuận âm và từng bước điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần chéo. Từ năm 2000, nhiều NHTM và các công ty đã bán tháo số lượng lớn cổ phần khiến hàng loạt cổ phiếu sụt giá. Tình trạng này đã tạo ra áp lực đối với thị trường chứng khoán và xã hội nói chung.

Trong bối cảnh đó, năm 2001, Nhật Bản ban hành Luật Hạn chế Ngân hàng sở hữu cổ phần. Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức mua cổ phần sở hữu của NHTM, ngân hàng tín dụng dài hạn, quỹ nông lâm trung ương, liên minh quỹ tín dụng.

Như vậy, sở hữu chéo cổ phần vẫn được duy trì ở Nhật Bản nhưng pháp luật nước này đã đặt ra khá nhiều quy định chặt chẽ để hạn chế những bất cập của chúng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013

Nhật Bản: Hạn chế tình trạng sở hữu chéo

TS. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

(Tài chính) Sở hữu chéo cổ phần ở Nhật Bản vẫn được duy trì làm cơ sở gắn kết thực hiện mục đích liên kết kinh doanh của các công ty cổ phần (CTCP). Pháp luật không cấm sở hữu chéo cổ phần nhưng đặt ra các quy định để hạn chế những bất cập.

Xem thêm

Video nổi bật