Nhật Bản: Thúc thị trường chứng khoán bằng quỹ hưu
Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ đề nghị một số quỹ hưu trí lớn của Nhật tăng cường mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước này, đồng thời tìm hướng đầu tư tích cực hơn vào thị trường.
Theo bản chiến lược mới dự kiến được bàn thảo chi tiết vào cuối tuần này, quỹ GPIF của Nhật và một số nhà đầu tư lớn sẽ được yêu cầu tăng cường mua vào cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Nhật. Đồng thời, mức trần nắm giữ cổ phiếu, từ trước đến giờ vốn áp dụng với các quỹ này, sẽ được dỡ bỏ.
Trên lý thuyết, các động thái trên sẽ mang tính đỡ giá cổ phiếu bởi các quỹ trên đều là nhà đầu tư lớn. Tổng tài sản của quỹ GPIF hiện khoảng trên 1,1 nghìn tỷ USD, tương đương với tổng GDP của Mexico hay Hàn Quốc. Trong đó 60% tài sản của quỹ là cổ phiếu.
Thời gian qua, chứng khoán của Nhật Bản giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch vào đầu giờ chiều ngày 5/6, chỉ số Nikkei trên sàn chứng khoán Nhật Bản giảm 3,8% xuống 13.014,87 điểm trong khi Topix giảm 3,2% xuống 1.090,03 điểm. Các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng giảm theo với chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,5%, trung bình 4 cổ phiếu giảm mới có 1 cổ phiếu tăng.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đảo chiều lao dốc sau khi thủ tướng Nhật Bản Abe công bố chiến lược kinh tế dài hạn thứ 3. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ tự do hóa hoàn toàn thị trường điện bán lẻ và thúc đẩy đầu tư liên quan đến ngành điện lên 30 nghìn tỷ yên (300 tỷ USD) trong 10 năm tới. Ngoài ra, Chính phủ nước này sẽ lập các đặc khu kinh tế, nới lỏng các điều kiện kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao và ngành quản trị nhân lực.
Chiến lược gia hàng đầu tại ngân hàng lớn thứ 3 Nhật Bản Mizuho Trust & Banking, ông Takahiro Nakano cho rằng, sở dĩ cổ phiếu bị bán tháo là do kế hoạch của ông Abe không có gì đáng ngạc nhiên và vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường mặc dù đi đúng hướng.