Nhật sẽ đầu tư mạnh vào dịch vụ

Theo Tuổi trẻ

Từ 11 đến 14-11, đoàn DN lớn của Nhật, do Bộ Công thương Nhật (METI) và báo Mainichi dẫn đầu, sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác với DN Việt Nam.

Nhật sẽ đầu tư mạnh vào dịch vụ

Trao đổi với PV. tại Tokyo trước khi sang Việt Nam, ông Naoyuki Kawagoishi - phó giám đốc dự án Cool Japan - nói: “Cool Japan là dự án đưa những sản phẩm, ngành nghề, kỹ thuật tinh túy nhất của các vùng miền nước Nhật ra thế giới. Nó khác với việc đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản trước đây ở chỗ không phải đầu tư một chiều, mà sẽ hợp tác với DN nước ngoài để bán sản phẩm Nhật Bản tại nước đó theo tiêu chí hai bên cùng có lợi.

Riêng tại Việt Nam, trong đợt làm việc này chúng tôi dành hai ngày đầu sẽ làm việc tại Hà Nội, hai ngày sau làm việc tại TP.HCM. Tại các buổi làm việc, chúng tôi sẽ thảo luận với DN Việt Nam để nắm tình hình trước khi đề ra kế hoạch chi tiết”.

Trong chuyến làm việc này, phía Nhật Bản sẽ “chào hàng” những sản phẩm gì?

Nếu không có gì thay đổi thì tháng 12-2012 Nhật Bản sẽ đưa những sản phẩm đầu tiên đến VN gồm thời trang, phim hoạt hình và đặc sản các vùng miền ở Nhật Bản. Trước mắt có ba địa phương là Kyoto, Hokkaido và Tokushima sẽ đưa đặc sản sang bán ở Việt Nam. Chẳng hạn, Hokkaido nổi tiếng với các sản phẩm từ sữa và cả cá samma, trong đó cá samma đã có mặt tại Việt Nam và tới đây sẽ bán đại trà để mọi người Việt Nam đều có thể thưởng thức. Chúng tôi hi vọng việc này sẽ giúp phát triển du lịch giữa hai nước, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam.

Có nhiều DN Nhật quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong dự án Cool Japan không, thưa ông?

Chúng tôi chưa thể nắm hết được con số. Tuy nhiên, trong chuyến sang Việt Nam lần này có những DN thật sự quan tâm thị trường Việt Nam như Công ty Kyushodo Food, Công ty đường sắt Keio, Super Hotel, ANA Airlines, JTB (du lịch), Trường dạy nghề Hollywood...

Ông nói sẽ phối hợp với DN Việt Nam tập trung phát triển các ngành nghề dịch vụ tại Việt Nam, vì sao?

Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ ở Việt Nam, mà đây lại là một thế mạnh của các DN Nhật Bản. DN hai nước sẽ hợp tác tạo ra các dịch vụ mới có áp dụng kinh nghiệm quản lý của Nhật. Chẳng hạn, Nhật Bản hoàn toàn có thể phối hợp với Việt Nam mở những trung tâm đào tạo bóng đá, bóng chuyền, võ thuật... tạo điều kiện cho mọi người đến học. Từ đó sẽ phát hiện những tài năng trẻ cho thể thao Việt Nam.

Ngay cả nhà hàng, ở Việt Nam chủ yếu là bán thức ăn, nhưng Nhật Bản thì khác, phục vụ khách ở nhà hàng là một nghệ thuật. Ngoài ra còn cung cấp các dịch vụ giải trí, phim ảnh, thời trang, âm nhạc đang được giới trẻ yêu thích.

Làm thế nào DN hai nước gặp nhau để bàn thảo, hợp tác kinh doanh như ông nói?

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội, trong đó không thể thiếu truyền thông, là kênh thông tin chính thức và là đầu mối tổ chức hội thảo, gặp gỡ giữa DN hai nước.

Vấn đề mà người tiêu dùng Việt Nam quan tâm là chất lượng phải đi kèm với giá cả hợp lý. Liệu các DN có đáp ứng được hay không khi giá dịch vụ ở Nhật Bản được xem là đắt đỏ hàng đầu thế giới?

Chắc chắn khi DN hai nước hợp tác đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ thì phải phù hợp với khả năng tài chính của người Việt Nam. Ý tưởng làm gì để thu hút mọi người mới quan trọng. Chúng tôi đã thống nhất với nhau mục tiêu hàng đầu không phải là lợi nhuận. Cái đó tự nhiên sẽ có nếu anh làm tốt. Cốt lõi là làm thế nào tăng cường gắn kết giữa DN và người dân hai nước.

Về lâu dài, DN hai nước trong quá trình hợp tác làm ăn sẽ đưa những tinh hoa của Việt Nam đến với người Nhật. Nếu kết hợp tinh túy kỹ thuật của hai nước sẽ tạo ra được dịch vụ mới rất hấp dẫn phục vụ nhu cầu của người dân Nhật Bản lẫn Việt Nam.