Nhiều “chiêu” vượt khó…

Minh Hà

(Tài chính) Kết quả nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) của hai công ty CBRE Việt Nam và Savills Việt Nam trong quý I/2013 cho thấy, hàng tồn kho của tất cả các phân khúc ngày càng lớn, doanh nghiệp (DN) thì “đói vốn” không có khả năng tiếp tục triển khai dự án… Để kích cầu tiêu dùng, thoát khỏi khó khăn, các DN đã tung nhiều “chiêu” vượt khó…

Nhiều “chiêu” vượt khó…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Minh chứng cụ thể là thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh, xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) đã diễn ra khá sôi động. Trong quý I/2013, thị trường đã ghi nhận 4 vụ M&A với tổng giá trị hơn 600 triệu USD, trong đó, 3 trong 4 thương vụ M&A đều thuộc về những dự án BĐS tại khu vực Quận 1, TP. Hồ Chí Minh và bên mua đều là nhà đầu tư Hàn Quốc.

Khác hẳn với thời kỳ hoàng kim của thị trường BĐS 4 năm về trước, các DN “làm mưa làm gió” thao túng thị trường, thì nay kinh tế khó khăn, dự án thiếu vốn, không triển khai, nhiều DN xin chuyển sang nhà xã hội để gỡ khó về vốn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 3 dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội nhằm giải phóng quỹ nhà tồn kho, bao gồm: khu nhà ở Trung Văn mở rộng (huyện TừLiêm); tòa nhà 35 tầng tại khu đô thị Sông Đà(quận Hà Đông) và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long.

Cả ba dự án này đang được các chủ đầu tư làm hồ sơ điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, sửa lại diện tích căn hộ cho phù hợp tiêu chuẩn nhà ở xã hội. Các căn hộ sau khi chuyển đổi sẽ có diện tích 40 - 70 m2, với mức giá dưới 15 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 15 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. “Thành phố chỉ cho phép những dự án chưa huy động vốn được chuyển đổi. Những dự án đã huy động vốn chỉ được chuyển đổi nếu các nhà đầu tư góp vốn đồng ý”, ông Hùng nói.

Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 7 DN xin chuyển sang nhà xã hội, trong đó có 2 DN đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của Hà Nội là rất lớn, vì vậy trong năm 2013 phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án; trong đó từ nay đến hết tháng 4/2013 cố gắng thực hiện chuyển đổi từ 5 - 6 dự án.

Theo kết quả khảo sát của sở xây dựng Hà Nội tại 118 cơ quan, có đến 193.261 người đăng ký có nhu cầu mua nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, các cơ quan trung ương có 157.153 người đăng ký; các đơn vị của Hà Nội có 36.108 người đăng ký.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn và kích cầu tiêu dùng cũng như hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn, mới đây, Bộ Xây dựng đã xây dựng Dự thảo thí điểm thực hiện chuyển đổi 5 dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê tại các địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Bắc Ninh.

Theo Dự thảo này, chỉ những dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để bán đã hoàn thành, dự án đang triển khai thi công, nhưng chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng… được chủ đầu tư đề xuất chuyển thành nhà ở cho thuê theo nhu cầu của thị trường.

Tại Dự thảo, Bộ Xây dựng cũng đề xuất, chủ đầu tư (hoặc chủ sở hữu) được phép bán nhà ở cho thuê sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày công trình được bàn giao đưa vào sử dụng theo quy định.

Chủ trương chuyển nhà ở thương mại sang nhà xã hội của Bộ Xây dựng là hợp lý, tuy nhiên, theo phản ánh của một số chủ đầu tư, thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là không đơn giản, ít nhất cũng phải mất nửa tháng mới giải quyết xong.

Nói về hình thức chuyển đổi nhà ở thương mại sang cho thuê, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chủ trương thì tốt nhưng để đi vào thực tế thì không có mấy DN mặn mà tham gia. “DN làm nhà mang tính chất kinh doanh, bao giờ cũng muốn thu hồi vốn sớm. Những dự án cho thuê mua mất 20 năm mới thu hồi được vốn chưa kể chi phí khấu hao. Hiện chỉ có những DN quá khó khăn trong việc triển khai cũng như đầu ra mới xin chuyển đổi sang hình thức này”, GS. Võ nhận định.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2013