Nhiều cơ hội giảm lãi suất nhưng tín dụng chưa chắc tăng

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Chỉ số giá tiêu (CPI) dùng thấp hơn dự báo; lùi thời hạn áp dụng quy định về phân loại tài sản, trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng; thành lập công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm thúc đẩy xử lý nợ xấu… thị trường đang có hàng loạt điều kiện quan trọng để tiếp tục giảm lãi suất, mở rộng tín dụng.

 Nhiều cơ hội giảm lãi suất nhưng tín dụng chưa chắc tăng
Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn là rào cản tín dụng. Nguồn: Internet

CPI năm tháng đầu năm tăng 2,35% so với cuối năm 2012 và tăng 6,36% so với cùng kỳ năm ngoái được đánh giá là thấp hơn so với dự báo và nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đã điều chỉnh nhận định về mức lạm phát từ nay đến cuối năm 2013. Cụ thể, lạm phát cả năm 2013, theo JPMorgan Chese chỉ ở mức 6,1% (hồi đầu năm tổ chức này dự báo 8,3%); theo Standard Chartered là 7,2% (mức dự báo trước đó là 8%).

Lãi suất còn có thể giảm tiếp

“Chúng tôi dự đoán lãi ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm lãi suất cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản về mức 6,5% trong quý III/2013”, báo cáo của Standard Chartered phát đi ngày 28/5 viết và cho rằng, khả năng NHNN sẽ tiếp tục hạ trần lãi suất huy động nếu sự phục hồi của hoạt động kinh doanh diễn ra quá chậm chạp.

Cùng với đó, NHNN cũng tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng bằng việc sửa đổi, lùi một năm lộ trình thực hiện quy định về phân loại tài sản có, mức trích và phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, theo thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 NHNN ban hành hồi đầu năm. Mặc dù, thông tư 02 được ghi nhận là một bước tiến trong quản lý và củng cố an toàn hệ thống, nhất là trong phân loại và xử lý nợ xấu, song việc áp dụng thông tư này ngay từ ngày 1/6 cũng gây lo ngại sẽ làm nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng mạnh, khiến tình trạng tắc nghẽn tín dụng càng thêm trầm trọng.

Trước đó, các tổ chức tín dụng đã phần nào bớt lo lắng khi công ty VAMC đã chính thức được thành lập, hoạt động với quy mô vốn điều lệ 500 tỉ đồng, nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô cũng xuất hiện một số tín hiệu tích cực, theo báo cáo của bộ trưởng Vũ Đức Đam tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, như: hàng tồn kho giảm rõ rệt, giải ngân ODA tăng so với năm ngoái, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối vượt 12 tuần nhập khẩu… Tất cả những yếu tố này là những cơ sở quan trọng để hạ lãi suất mà không sợ tỷ giá biến động.

Có thể dỡ bỏ trần lãi suất huy động

Có thể nói, thị trường đang đứng trước hàng loạt điều kiện quan trọng để mở rộng tín dụng. Tuy nhiên, Standard Chartered vẫn tỏ ra dè dặt về cơ hội này, khi đưa ra nhận định: lãi suất giảm có giảm chi phí huy động vốn và thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng hay không vẫn là một dấu hỏi. Standard Chartered phân tích: quy mô của hoạt động tái cấp vốn còn khiêm tốn so với hoạt động cho vay, do vậy việc hạ lãi suất sẽ không trực tiếp giúp giảm thiểu chi phí huy động cho các ngân hàng và cũng không giúp hoạt động cho vay khởi sắc hơn.

Tổ chức này nhận xét: “Một số quan điểm cho rằng lãi suất cao chính là rào cản lớn nhất đối với đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và củng cố đà tăng trưởng thì việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc (bao gồm cả khối ngân hàng và khối doanh nghiệp nhà nước), và giải cứu thị trường bất động sản có vai trò quan trọng hơn so với nhiệm vụ nới lỏng tiền tệ. Ngay cả với việc VAMC đi vào hoạt động tháng tới, tất cả những dấu hiệu đều cho thấy một nền kinh tế yếu ớt sẽ không sớm tự “lành bệnh””.

Trong báo cáo tình hình kinh tế năm tháng đầu năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia  ngày 285, cơ quan này cũng bày tỏ e ngại trước tình trạng tín dụng tăng chậm và dự báo khó đạt kế hoạch đề ra năm 2013. Cụ thể, tính đến ngày 29.4, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 2,11% so với cuối năm 2012 (trong đó tín dụng bằng VND tăng 4,15%, ngoại tệ giảm 7,2%). Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm, trong tám tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng đều ít nhất 1,25% và theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường bất động hoạt động cầm chừng và tổng cầu nền kinh tế đang yếu!

Cơ quan này khuyến nghị, cần phải tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống còn khoảng 10%/năm, nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất và đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013.

Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, huy động vốn hiện tăng 5,2% so với cuối năm 2012 (gấp hơn hai lần tốc độ tăng tín dụng), các ngân hàng thương mại đang dồi dào thanh khoản, nên có thể tự điều chỉnh lãi suất mà không cần đến sự can thiệp của NHNN. Thực tế là một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank vừa qua đã chủ động hạ lãi suất huy động VND các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống chỉ còn ở mức 5 – 6%/năm. Tín hiệu này, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, là “tiền đề cho NHNN sớm có thể dỡ bỏ trần lãi suất trong thời gian tới”.