Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Theo sggp.org.vn

Theo quy chế thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi GSP của EU với số lượng các dòng thuế được hưởng ưu đãi tăng lên. Tuy nhiên, cơ chế “trưởng thành” mới sẽ khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có nguy cơ không được hưởng ưu đãi GSP.

Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Từ ngày 1/1/2014, mặt hàng dệt may của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng nhiều ưu đãi theo quy chế GSP mới của EU. Nguồn: internet

Rộng cửa tiêu thụ sản phẩm

Theo quy chế GSP mới, 89 nước, trong đó có Việt Nam được hưởng ưu đãi GSP từ ngày 1/1/2014 thay vì 176 nước như hiện nay. Với Việt Nam, ngoài các mặt hàng hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan GSP của EU, sẽ có thêm hai nhóm hàng khác được hưởng ưu đãi thuế quan này từ ngày 1/1/2014, là giày dép và nón, dù (ô)… Bên cạnh đó, theo GSP mới, các mục sản phẩm được phân tách cụ thể hơn nhằm đảm bảo tính thống nhất trong phân loại sản phẩm.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, lợi ích của GSP là tạo thuận lợi cho các nước chậm phát triển và đang phát triển xuất khẩu hàng hóa vào các nước có GSP do mức thuế nhập khẩu được giảm, qua đó tăng năng lực sản xuất và giải quyết việc làm, đảm bảo tăng trưởng. Đồng thời, GSP cũng có tác động nhất định đối với việc thu hút đầu tư.

Dù quy chế GSP mới của EU có nhiều ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, song theo một số chuyên gia quy chế GSP cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng vụ thị trường châu Âu (Bộ Công thương) phân tích, dù tiêu chí trưởng thành của EU nâng từ 15% lên 17,5% đối với các nhóm hàng hóa (trừ dệt may nâng từ 12,5% lên 14,5%) nhưng thách thức đối với Việt Nam lại tăng đáng kể do rất nhiều nước đang phát triển có trình độ cao hơn Việt Nam sẽ không được hưởng GSP của EU nữa, nên thị phần hàng nhập từ Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng GSP của EU và rất dễ đạt tới “ngưỡng trưởng thành” và không còn được hưởng ưu đãi GSP nữa.

Chẳng hạn, đối với cà phê, thị phần của cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12,11%, nếu áp dụng GSP mới thị phần của cà phê Việt Nam có thể lên tới 21,68%, vượt ngưỡng trưởng thành. Còn đối với giày dép Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm hàng này đạt 34% vượt ngưỡng trưởng thành.

Còn theo một chuyên gia về EU, từ năm 2014, có sự thay đổi trong quy tắc xuất xứ theo GSP mới. Cụ thể, việc cộng gộp trong khu vực ASEAN sẽ thay đổi: Malaysia đã “trưởng thành” và Singapore đã ký FTA, đầu vào từ các quốc gia này sẽ không còn đủ cộng gộp cho GSP khu vực tích lũy. Do đó, Việt Nam bây giờ chỉ có thể cộng gộp với các nước ASEAN còn lại. Khi Việt Nam ký FTA với EU thì Việt Nam cũng không còn đủ điều kiện cho cộng gộp khu vực theo GSP.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Theo ông Trương Đình Tuyển, để có thể khai thác chế độ GSP, các doanh nghiệp (DN) phải nắm vững các quy định về GSP của từng nước (quy tắc xuất xứ, chế độ trưởng thành, điều kiện về cạnh tranh, quy định về vận chuyển) để tránh những vướng mắc (thậm chí thiệt hại) khi xuất khẩu theo chế độ này. Không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Mở rộng, đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu vào một thị trường.

Các hiệp hội ngành hàng, nhất là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao, có khả năng bị coi là “trưởng thành” không được ưu đãi nữa, cần sớm thông tin, tuyên truyền để các DN thành viên của hiệp hội nhận thức rõ những khó khăn sẽ phải vượt qua, cùng các DN thành viên thảo luận, đề xuất, áp dụng những biện pháp cần thiết đem lại hiệu quả cao nhất cho từng DN và cho cả ngành hàng.