Nhiều sự thổi phồng quá đáng về kinh tế Việt Nam
(Tài chính) Trong các đánh giá mà chúng ta thường gặp trên báo chí và kể cả các tạp chí học thuật, có rất nhiều sự thổi phồng một cách quá đáng, lúc này thì họ nói Việt Nam là một hình mẫu kiểu mới, vài tháng sau họ lại nói mô hình của Việt Nam là một thảm họa và không còn hiệu quả nữa.
TS. Thomas Jandl Đại học Hoa Kỳ nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên thường trú tại Washington.
Đang phát triển tốt
Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam, TS. Thomas Jandl cho biết: Trong các đánh giá mà chúng ta thường gặp trên báo chí và kể cả các tạp chí học thuật, có rất nhiều sự thổi phồng một cách quá đáng, lúc này thì họ nói Việt Nam là một hình mẫu kiểu mới, vài tháng sau họ lại nói mô hình của Việt Nam là một thảm họa và không còn hiệu quả nữa.
“Tôi thì luôn rất phản đối với những cách nhìn nhận kiểu như vậy bởi tôi cho rằng nếu chúng ta nhìn Việt Nam ở trong cả một tiến trình dài hạn, chúng ta sẽ thấy rằng Việt Nam đã và đang phát triển rất tốt”, TS. Thomas Jandl nói.
Dẫn ví dụ, trước năm 1996, 70% người dân Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ, hiện nay thì con số này chỉ còn là dưới 20%, vị chuyên gia khẳng định: Việt Nam là một câu chuyện thành công. Bởi, nếu nhìn vào sự chững lại trong tăng trưởng từ 7% tụt xuống 5% để rồi nói rằng đang có vấn đề gì đó rất to lớn là không đúng. Nhưng mà nếu bảo Việt Nam là một hình mẫu thần kỳ, có thể tăng trưởng 10-15% thì cũng là không đúng. Việt Nam đã làm khá tốt, có thể nói là rất tốt kể từ khi Đổi mới.
Và có thể còn tốt hơn
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức. Những thách thức đó một phần đến từ tác động của kinh tế toàn cầu và một phần từ thực tế rằng Việt Nam đang phải chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế theo mô hình công nghiệp hóa.
Khi Việt Nam tăng trưởng trở thành một nước có thu nhập trung bình thì Việt Nam cần có một mô hình kinh tế khác và do đó Việt Nam cần phải thay đổi. Nhưng những thay đổi đó không có nghĩa là một thảm họa hay là Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng. Tăng trưởng 5% là tốt và Việt Nam có thể làm tốt hơn.
Theo TS. Thomas Jandl, vấn đề đối với Việt Nam là cần phải làm gì trong dài hạn để có thể duy trì mức độ tăng trưởng đồng thời có thể chuyển đổi mô hình kinh tế từ giai đoạn công nghiệp hoá sang giai đoạn kinh tế tri thức. Việt Nam đang đi vào hay có thể nó là đang ở trong "bẫy thu nhập trung bình", đó là vấn đề song không phải là thảm họa hay khủng hoảng. Chính phủ Việt Nam cần giải quyết trong trung và dài hạn.
“Vấn đề thực sự cấp bách là chính phủ Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ và tôi thấy chính phủ Việt Nam đang làm điều đó”.
Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Đánh giá về nỗ lực tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam TS. Thomas Jandl cho biết: Hầu hết các quan chức Việt Nam mà tôi tiếp xúc đều hiểu tầm quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng tái cấu trúc là một vấn đề rất khó, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả ở Mỹ cũng vậy…
Theo TS. Thomas Jandl, Chính phủ Việt Nam đã làm khá tốt trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu. Bài toán tới đây là làm sao Việt Nam chuyển dịch sang một nền kinh tế dựa trên năng suất lao động thay vì mô hình dựa trên số giờ lao động và số tiền đầu tư.
Điều đó có nghĩa là Việt Nam cần chuyển sang mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn, dựa vào lao động được đào tạo kỹ năng hơn, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đó là vấn đề cần phải xử lý trong thời gian tới nếu Việt Nam muốn thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình".
Theo đó, điều mà chính phủ Việt Nam cần làm là sửa đổi Luật Đầu tư Nước ngoài. Luật này đã giúp mang rất nhiều các nhà đầu tư đến Việt Nam song nó không nhắm nhiều đến mục tiêu là loại nhà đầu tư nào. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thay đổi điều này. Ví dụ như tập đoàn Intel đã đầu tư nhà máy lớn sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vấn đề cần phải làm ngay trong khi chờ đợi TPP là Việt Nam cần nỗ lực thu hút các nhà đầu tư để giúp nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội và đang thực hiện việc chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... sang một số địa phương lân cận có giá đất và lao động rẻ hơn rất nhiều. Cũng có thể làm như vậy đối với hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng. Ví dụ có thể chuyển các nhà máy này từ Bình Dương sang Long An chẳng hạn, sau đó tập trung vào các nhà máy tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chính phủ trung ương đã làm việc này bằng việc tạo ra các khu công nghiệp. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương cũng có thể thực hiện việc này. Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp cùng Long An để chuyển các nhà máy sử dụng rất nhiều lao động tới Long An. Đây là câu chuyện rất có ý nghĩa. Không phải là đẩy các nhà máy này ra khỏi Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn còn nhiều địa phương còn không gian để phát triển. Rất nhiều người lao động muốn trở lại địa phương làm việc từ các khu công nghiệp. Đây là điều mà Việt Nam thực sự có thể và nên tập trung để thực hiện.
Nếu châu Âu thực sự quay trở lại thời kỳ suy thoái thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, Việt Nam tập trung mạnh vào Mỹ và có được thị trường ASEAN mạnh mẽ cộng với thị trường Đông Á. Đây là điều tốt cho Việt Nam. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ khá tốt. Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ khá tốt.