Nhìn lại 12 tháng đầy biến động qua hình ảnh
Chỉ còn ít ngày nữa 12 tháng nhiều biến động của năm 2021 sẽ khép lại. Trong năm nay, đại dịch COVID-19 với sự lây lan khủng khiếp của biến thể Delta tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, các loại vaccine ngừa COVID-19 và nỗ lực chung sống với dịch bệnh của các quốc gia đang mang đến hy vọng về một năm mới với nhiều gam màu tươi sáng hơn.
THÁNG 1
Cảnh sát tại Jakarta, Indonesia, chuẩn bị túi chứa thi thể của hành khách trên chuyến bay mang số hiệu SJ182 của Hãng hàng không Sriwijaya Air. Ngày 9/1, máy bay chở 62 hành khách đã rơi xuống biển sau khi cất cánh ít phút. (Ảnh: New York Times)
Ngày 20/1, tại Đồi Capitol, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)
THÁNG 2
Người dân chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng bên trong nhà thờ Salisbury tại vùng England, Anh. Theo dữ liệu của Our World in Data cập nhật đến ngày 17/12, gần 57% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19. (Ảnh: Getty Images)
Cụ Anna nắm tay con gái tại "căn phòng của những cái ôm" trong viện dưỡng lão Villa Sacra Famiglia ở Rome, Italy. Tại căn phòng đặc biệt này, "cư dân" của viện dưỡng lão và gia đình của họ được chạm vào nhau nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. (Ảnh: Getty Images)
THÁNG 3
Bàn học của em Sophia Frazier (học sinh lớp 1, Trường tiểu học Two Rivers tại bang California, Mỹ) được che chắn bằng vách ngăn nhựa. Những bàn học gần với bàn giáo viên nhất đều có vách ngăn như vậy. (Ảnh: ZUMA)
Hai nghệ sĩ Albert Skuratov và Samuel Palomino trình diễn giai điệu của nhà soạn nhạc Mozart trong khoa điều trị tích cực cho người bệnh COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)
Robot được điều khiển từ xa đang lấy mẫu xét nghiệm tại một bệnh viện ở Tanta, Ai Cập. (Ảnh: Getty Images)
Dung nham chảy ra từ núi lửa trên bán đảo Reykjanes, Iceland. (Ảnh: Getty Images)
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy toàn cảnh tàu bị mắc kẹt trên kênh đào Suez từ ngày 23/3. Chính thức mở cửa vào năm 1869, kênh đào Suez là tuyến vận tải quan trọng hàng đầu đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. (Ảnh: Maxar Technologies)
Cụ Yoshia Uomoto (98 tuổi) bất ngờ khi con trai và cháu gái tới thăm cụ tại viện dưỡng lão ở thành phố Seattle, Mỹ. Do ảnh hưởng của đại dịch, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ trong vòng một năm. (Ảnh: Reuters)
THÁNG 4
Nữ hoàng Anh Queen Elizabeth II ngồi giãn cách để bảo đảm quy định phòng, chống COVID-19 trong lễ tang của chồng. (Ảnh: Getty Images)
Nghĩa trang tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, luôn đỏ lửa trong đợt dịch COVID-19 thứ hai do biến thể Delta gây ra. Hồi tháng 4/2021, có thời điểm Ấn Độ đã vượt Mỹ về số ca mắc mới tính theo ngày. (Ảnh: New York Times)
Hệ thống bệnh viện của Ấn Độ rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh và oxy y tế khi có hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. (Ảnh: New York Times)
Tháp Eiffel và siêu trăng màu hồng trong đêm nước Pháp thực hiện lệnh giới nghiêm để siết chặt biện pháp chặn dịch bệnh lan rộng. (Ảnh: Reuters)
THÁNG 5
Binh sĩ Mỹ ngồi trên trực thăng bay trên bầu trời thủ đô Kabul, Afghanistan. Tháng 4/2021, Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. (Ảnh: New York Times)
Vụ sập đường sắt trên cao ở Mexico City, Mexico ngày 3/5, khiến 26 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard cho rằng đây là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất từng xảy ra trong hệ thống giao thông công cộng của Mexico. (Ảnh: Getty Images)
Người Palestine đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem. (Ảnh: AP)
Hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel đánh chặn rocket được phóng từ Gaza nhằm vào miền nam Israel. (Ảnh: Getty Images)
THÁNG 6
Các tuyển thủ Đan Mạch đứng vòng quanh tiền vệ Christian Erikssen trong lúc bác sĩ hỗ trợ y tế cho anh. Erikssen đã bất ngờ ngã gục trong trận gặp đội Phần Lan ở bảng B, EURO 2020 tại Copenhagen ngày 12/6.
Gần 100 người đã thiệt mạng trong vụ sập nhà kinh hoàng ở thành phố Miami thuộc bang Florida, miền nam nước Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
THÁNG 7
Người trông coi tê giác tại khu bảo tồn Ol Pejeta ở miền bắc Kenya, kiểm tra sức khỏe của Najin và Fatu, hai cá thể tê giác trắng phương bắc cuối cùng còn sống trên hành tinh. Các nhà khoa học đang nghiên cứu công nghệ sinh sản để cứu loài tê giác này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: Ami Vitale)
Đợt ngập lụt hồi tháng 7 đã tàn phá căn hộ của bà Jutta Schelleckes. Lượng mưa kỷ lục tại khu vực Tây Âu gây ngập lụt nghiêm trọng, cướp đi tính mạng khoảng 200 người. (Ảnh: Getty Images)
Sân vận động quốc gia tại Tokyo, Nhật Bản, nhìn từ đài quan sát của một tòa nhà cao tầng trước ngày khai mạc Olympics. (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát trong đêm 7/7 tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince. (Ảnh: AP)
Ngôi sao tennis Naomi Osaka thắp đuốc tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020, tối 23/7.
THÁNG 8
Do COVID-19, đây là kỳ Olympic đầu tiên không có khán giả tới cổ vũ ở các điểm thi đấu. (Ảnh: Getty Images)
Biểu cảm của người phụ nữ khi đám cháy rừng lan gần tới nhà của bà tại làng Gouves trên đảo Evia, Hy Lạp. (Ảnh: Getty Images)
Lionel Messi không kìm được nước mắt trong ngày chính thức nói lời chia tay đội bóng Tây Ban Nha Barcelona sau 21 năm gắn bó. Ngôi sao này đã ký hợp đồng hai năm với câu lạc bộ Paris Saint-Germain của Pháp. (Ảnh: Getty Images)
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Haiti cho biết ít nhất 2.200 người đã thiệt mạng trong trận động đất ngày 14/8. (Ảnh: Reuters)
Ngày 15/8, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã kiểm soát Phủ Tổng thống tại thủ đô Kabul. (Ảnh: AP)
Máy bay quân sự chở người dân rời khỏi Kabul. (Ảnh: Reuters)
Chris Donahue, binh sĩ Mỹ cuối cùng lên máy bay rời Afghanistan, ngày 30/8. (Ảnh: AP)
THÁNG 9
Băng nổi quanh tàu thuyền tại một cảng ở Ilulissat, Greenland. Khi biến đổi khí hậu làm hành tinh nóng lên, lượng băng mất đi đã tăng lên nhanh chóng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cryosphere, Trái đất đã mất đi 28 nghìn tỷ tấn băng kể từ giữa những năm 1990. (Ảnh: Getty Images)
Thành phố New York chiếu đèn tưởng niệm, tượng trưng cho tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới trong ngày kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9. (Ảnh: Getty Images)
THÁNG 10
Trong chương trình “60 Phút” trên kênh truyền hình CBS ngày 3/10, Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm trong nhóm quản lý thông tin sai lệch về dân sự tại Facebook, tiết lộ cô chính là người đã cung cấp tài liệu làm cơ sở cho cuộc điều tra của Tạp chí Phố Wall và phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ về tác hại của mạng xã hội Instagram đối với các cô gái tuổi teen. (Ảnh: CBS)
THÁNG 11
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. (Ảnh: AP)
Người di cư cắm trại tại cửa khẩu Bruzgi-Kuznica ở Belarus. Họ chấp nhận sống trong điều kiện khắc nghiệt để tới Ba Lan và tiến sâu hơn vào châu Âu. (Ảnh: New York Times)
Ngày 24/11, Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NICD) của Nam Phi đã thông báo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự xuất hiện của biến thể mới. WHO xếp biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 vào loại "đáng lo ngại" và đặt tên cho biến thể này là Omicron. Hình ảnh trên được chụp tại điểm xét nghiệm PCR trước khi lên chuyến bay quốc tế tại sân bay O.R. Tambo, Nam Phi. (Ảnh: Reuters)
THÁNG 12
Đến nay, Omicron đã xâm nhập ít nhất 77 quốc gia. Các phát hiện ban đầu tại Nam Phi cho thấy biến thể này rất dễ lây nhiễm và đang lấn át Delta. Nhiều quốc gia đã siết chặt hoạt động đi lại và ban bố biện pháp nghiêm ngặt hơn để phòng ngừa làn sóng mới do biến thể Omicron gây ra. (Ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh thế giới chưa có đầy đủ thông tin về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron và Giáng sinh cũng như năm mới 2022 đang đến gần, nhiều quốc gia đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. (Ảnh: Reuters)