Nhìn lại 16 năm “tranh giành” mặt bằng hội sở Ngân hàng ACB
Vụ án tranh chấp mặt bằng tại số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, hiện là hội sở giao dịch chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (HNX: ACB) đến nay vẫn chưa có hồi kết với hàng loạt vấn đề gay cấn gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Căn nhà số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP. Hồ Chí Minh có diện tích gần 1,000m2 nguyên thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và vợ là bà Vương Thị Khanh. Trước khi xuất cảnh sang Pháp, vợ chồng ông Kha đã làm ủy quyền quản lý căn nhà nói trên cho ông Phan Bình (nguyên cán bộ Công an TP. Hồ Chí Minh). Việc ủy quyền được Sở Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng chấp thuận năm 1980.
Đến năm 1995, ông Kha và bà Khanh từ Mỹ làm giấy xác nhận tiếp tục ủy quyền cho ông Bình quản lý và sử dụng căn nhà trên.
Năm 1999, ông Bình ký hợp đồng cho Ngân hàng Á Châu thuê sử dụng phần lớn diện tích căn nhà, phần còn lại 270m² được ông Bình ngăn lại để gia đình sinh sống.
Nhiêu khê …nhà vắng chủ
Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ ngày 13/11/1997, khi Công an TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh không công nhận việc ủy quyền quản lý nhà cho ông Bình và thu hồi căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai với lý do… phục vụ cho yêu cầu của ngành.
Ngày 28/09/1999, UBND Thành phố ban hành quyết định thực hiện xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai với lý do “nhà vắng chủ”. Sau đó không lâu, ngày 25/09/2000, Sở Địa chính – Nhà đất quyết định thu hồi giấy phép ủy quyền của vợ chồng ông Kha dành cho ông Bình.
Ngay lập tức, ông Bình làm đơn khiếu nại với quyết định của Sở Địa chính – Nhà đất nhưng bị bác đơn.
Ông Bình sau đó gửi đơn lên Bộ Xây dựng. Ngày 17/02/2003, Bộ Xây dựng có công văn đề nghị UBND Thành phố hủy bỏ quyết định xác lập sở hữu Nhà nước tại căn nhà số 446 -448 trên. Đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng nhưng UBND Thành phố vẫn tiếp tục "tạm quản lý" vì không công nhận tính pháp lý của giấy ủy quyền quản lý nhà giữa ông Kha, bà Khanh và ông Bình.
Năm 2007, bà Khanh có làm đơn xin lại nhà của mình nhưng lại bị UBND Thành phố bác đơn. Sau đó Bà Khanh ủy quyền cho con trai mình là Nguyễn Đắc Quang, quốc tịch Mỹ, tiếp tục theo đuổi vụ kiện.
Sự việc tranh chấp giữa chủ và người được ủy quyền quản lý căn hộ với UBND Thành phố kéo dài cho đến năm 2009. Ngày 6/7/2009, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin kiến nghị hướng giải quyết đối với khiếu nại của bà Vương Thị Khanh về việc hủy bỏ việc xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai.
Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng ra Quyết định công nhận quyền sở hữu của ông Kha và bà Khanh đối với căn nhà 446-448 và yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh hủy bỏ quyết định xác lập sở hữu Nhà nước đã ban hành.
Mãi đến ngày 04/07/2011, UBND Thành phố chính thức có quyết định hủy bỏ việc xác lập sở hữu Nhà nước đối với căn nhà số 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai, công nhận quyền sở hữu căn nhà của vợ chồng bà Khanh và yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà Thành phố phải thực hiện thanh lý hợp đồng cho thuê căn nhà trên với Ngân hàng Á Châu.
Đáng chú ý là trong quyết định hủy bỏ quyền xác lập của UBND TP ngày 04/07/2011 có cả yêu cầu thanh lý hợp đồng thuê nhà giữa ACB và Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà Thành phố, nhưng chưa bên nào thực hiện. Thậm chí, ngày 19/12/2011, hai bên còn ký tiếp phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thuê căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai đến 30/06/2012.
Một lần nữa vào ngày 15/12/2012 Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín tiếp tục ký văn bản chỉ đạo việc thanh lý hợp đồng thuê nhà giữa hai bên.
Cho đến tháng 3/2013 thì vẫn chưa thấy có gì tiến triển thêm. Phía ACB kiến nghị được tạm tiếp tục sử dụng phần nhà đất trên cho đến khi có phán quyết của tòa án. ACB cho rằng việc bàn giao mặt bằng 446 – 448 Nguyễn Thị Minh Khai sẽ làm cho khách hàng dễ bị hiểu nhầm và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng không có cơ sở để giải quyết kiến nghị này. Đây không phải là tài sản của ACB, do vậy việc thanh lý hợp đồng thuê, bàn giao mặt bằng không tạo ra thông tin tiêu cực.
Tiền nặng hơn gia đình?
Không chỉ vướng phải tranh chấp tài sản với người ngoài, bà Khanh còn bị chính con trai mình thực hiện những hành vi chiếm đoạt tài sản là toàn bộ giá trị căn nhà 446 – 448.
Cụ thể vào năm 2010, ông Quang đã ký cam kết bán căn nhà trên cho ông Vũ Huy Hoàng với giá 212 tỷ đồng nhưng bị bà Khanh phát hiện và ngăn chặn. Sau đó bà Khanh yêu cầu cơ quan chức năng hủy ủy quyền cho ông Quang và đề nghị không cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, đến ngày 14/10/2011, ông Quang vẫn ký được hợp đồng chuyển nhượng căn nhà cho bà Đặng Thu Hà với giá 250 tỷ đồng.
Chẳng những vậy, trước đó một ngày, vào ngày 13/10/2011, ông Quang ký hợp đồng thuê nhà với Ngân hàng ACB (ông Đỗ Minh Toàn, Phó TGĐ của ACB làm đại diện) với thời gian 50 năm. Tại thời điểm này, hợp đồng thuê nhà giữa ACB (do ông Đàm Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc ACB làm đại diện) với Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP ký ngày 29/03/2011 vẫn đang được thực hiện.
Sự việc kéo dài cả 16 năm với nhiều phán quyết từ các đơn vị có thẩm quyền nhưng dường như vẫn chưa có hồi kết….