Ý nghĩa của chính sách Abenomics

Abenomics có nghĩa là “Kinh tế học của Thủ tướng Abe”, được ghép từ “Abe” và “economics”. Chính sách kinh tế Abenomics bao gồm 3 trụ cột chính là: chính sách nới lỏng tiền tệ; chính sách thúc đẩy chi tiêu công; chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

- Chính sách nới lỏng tiền tệ: Đây là chính sách thực hiện giảm lãi suất thực. Sau khi ông Haruhiko Kuroda được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông đã đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ, nhằm hạ giá đồng Yên, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản trên thị trường nước ngoài.

- Chính sách thúc đẩy chi tiêu công: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố kế hoạch chi tiêu công trị giá 5,3 nghìn tỷ Yên (60 tỷ USD) trong ngân sách năm 2013. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua quyết định “bơm” khoảng 25 nghìn tỷ Yên (260 tỷ USD) trong 5 năm, tăng so với mức 19 nghìn tỷ Yên (200 tỷ USD) trong kế hoạch trước đó (Theo Báo cáo “Abenomics Handbook”, Nomura economists, Tomo Kinoshita).

- Chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng: Đây là trụ cột mang tính dài hạn nhằm tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế Nhật Bản. Để tăng trưởng kinh tế sâu rộng chính sách này đã hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:

i) Thu hút lao động nữ để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn lao động. Chính sách Abenomics hướng tới mục tiêu thu hút được khoảng 30% lao động nữ vào năm 2020, với các chính sách cụ thể như: khuyến khích phụ nữ làm lãnh đạo, mở thêm trường mẫu giáo, thậm chí cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc mở trường;

ii) Giảm tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20%, cụ thể, quý I/2014 số người thất nghiệp dài hạn đã giảm xuống 1,24 triệu người, giảm 10% so với 1,38 triệu người của quý II/2013;

iii) Đứng thứ nhất thế giới về những đổi mới trong phát triển kinh tế, năm 2013 - 2014, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 5 trên thế giới trong tiêu chí này theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF);

iv) Đưa nông nghiệp trở thành “ngành Công nghiệp thứ 6” trong nền kinh tế thông qua việc mở rộng thị trường tiêu thụ từ 1 tỷ Yên lên 10 nghìn tỷ Yên; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, với mục tiêu tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 450 triệu Yên lên 1.000 tỷ Yên…;

v) Thực hiện tự do thương mại: Các giao dịch trong các khu vực mậu dịch tự do hiện mới chiếm 18,9% tổng các giao dịch thương mại của Nhật Bản, trong khi 65,5% là nằm trong các cuộc đàm phán thương mại đang tiến hành. Đó là, Nhật Bản đang nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Australia và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đánh giá kết quả thực hiện chính sách Abenomics

Sau hơn 1,5 năm triển khai thực hiện 3 “mũi tên” của chính sách Abenomics, đến nay, nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được những kết quả khả quan:

Thứ nhất, là sự tăng điểm của các chỉ số chứng khoán. Ngay sau khi chính sách Abenomics được triển khai vào thực tế, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã hồi phục. Những tháng đầu năm 2013 khi bắt đầu thực hiện chính sách Abenomics, chỉ số Nikkei 225 liên tục tăng điểm tới 35%. Từ mức 10.688 điểm hồi đầu năm lên ngưỡng 11.000 điểm, đến phiên giao dịch ngày 20/5/2013, chỉ số Nikkei 225 leo lên 15.360 điểm - mức cao nhất trong hơn nửa thập kỷ qua. Sau một năm rưỡi triển khai chính sách Abenomics, ngày 25/8/2014, chỉ số Nikkei 225 đã đạt 15.600 điểm. Qua đó, góp phần quan trọng vào hạ giá đồng Yên trên thị trường hối đoái.

Nhìn lại kết quả thực hiện chính sách Abenomics của Nhật Bản - Ảnh 1

Nợ công của Nhật Bản đến cuối năm 2013 đạt gần 9.940 tỷ USD, cao gấp đôi GDP là 4.640 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2014, nợ công của Nhật Bản đã thiết lập mức tăng cao nhất trong lịch sử, ở mức 227,2% GDP.

Hình 1 cho thấy, cuối năm 2013, sự sụt giảm mạnh đồng thời của chỉ số Nikkei 225 xuống mức 13.000 điểm và tỷ giá USD/JPY duy trì trong khoảng 98 - 99. Tuy nhiên, đầu năm 2014, cả hai thông số này đều có mức tăng điểm cao, chỉ số Nikkei 225 lên mức hơn 15.000 điểm, tỷ giá USD/JPY cũng tăng lên con số 101 và liên tục duy trì ở mức trên 100 cho đến nay. Mặt khác, nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc khá nhiều vào khả năng xuất khẩu nên khi đồng Yên yếu đi đã làm cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Với tương lai phát triển như vậy thì các công ty dễ dàng trong việc huy động vốn, khiến cho các hoạt động giao dịch cổ phiếu trở nên sôi động.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Trong quý I/2013, ngay sau khi chính sách Abenomics được tiến hành, tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng 1,3%, là mức tăng trưởng cao nhất của Nhật Bản trong vòng một năm qua. Mức tăng trưởng GDP tuy có giảm ở các quý sau nhưng vẫn duy trì được mức tăng thực dương và đưa tốc độ tăng trưởng GDP cả năm lên mức 3%. Đáng chú ý, trong quý I/2014, GDP đã bật tăng ở mức cao, lên mức 1,6%. Tuy nhiên, do việc tăng thuế tiêu thụ, quý II/2014, GDP của Nhật Bản đã giảm xuống 6,8%, GDP tăng trưởng âm 1,7% - mức giảm lớn nhất trong 3 năm trở lại đây.

Nhìn lại kết quả thực hiện chính sách Abenomics của Nhật Bản - Ảnh 2

Thứ ba, hoạt động xuất khẩu tăng. Sau hơn 1 năm thực hiện chính sách Abenomics, xuất khẩu Nhật Bản có mức tăng trưởng dương, ở mức 3,8% sau một thời gian dài xuất khẩu tăng trưởng âm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng xuất khẩu là do giá trị đồng Yên yếu đi. Đồng Yên yếu đã khiến cho giá hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, đặc biệt là ô tô, sản phẩm điện tử, trở nên rẻ hơn, tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ.

Thứ tư, tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực châu Á cũng như châu Âu để thúc đẩy các ngành kinh tế nhạy cảm như nông - lâm - ngư nghiệp phát triển.

Những tháng đầu năm 2014, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu yếu đi của các nước châu Á và Mỹ. Sau hai tháng 5 và 6/2014 sụt giảm liên tiếp, sang tháng 7/2014, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại, cụ thể xuất khẩu sang các nước châu Á tăng 3,4%, sang Mỹ tăng 2,1% và sang châu Âu tăng 10,2%.

Thứ tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng. Trong tháng 9/2013, CPI đã tăng kỷ lục ở mức 0,7%, trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Để tiếp tục hỗ trợ tài chính công, tháng 4/2014, Chính phủ Nhật Bản đã tăng thuế tiêu thụ từ 5% - 8%. Điều này đã khiến CPI trong tháng 5/2014 của Nhật Bản tăng 1,4%. Đến tháng 7/2014, sau một năm rưỡi chính sách Abenomics có hiệu lực, CPI của nước này đã tăng 3,7%. CPI tăng chứng tỏ, mục tiêu thoát khỏi giảm phát, kích thích sản xuất tiêu dùng của chính sách Abenomics đã đạt được những kết quả ban đầu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chính sách Abenomics vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể là:

Một là, “bài toán” giải quyết việc làm cho người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong ngắn hạn.

Hai là, Chính phủ Nhật Bản đang đứng trước sức ép phải đảm bảo mức sống ổn định cho người dân, giảm bớt những tác động tiêu cực đến nền kinh tế do mục tiêu theo đuổi lạm phát của nước này.

Ba là, chi phí sản xuất đầu tư có xu hướng tăng lên do việc đồng Yên yếu đi, những lợi thế trong xuất khẩu có thể bị mất đi nếu không hạn chế được mức tăng của chi phí sản xuất; nợ công ngày càng tăng.

Bốn là, Nhật Bản có số nợ công cao nhất thế giới. Do việc thực hiện hai trụ cột của chính sách Abenomics là chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách thúc đẩy chi tiêu công, khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua vào 70% trái phiếu Chính phủ mới phát hành, tương đương với 7.000 tỷ Yên/tháng. Minh chứng là số liệu nợ công của Nhật Bản đến cuối năm 2013 đạt gần 9.940 tỷ USD, cao gấp đôi GDP của Nhật Bản là 4.640 tỷ USD. Không dừng lại ở đó, tính đến tháng 8/2014, nợ công của Nhật Bản đã thiết lập mức tăng cao nhất trong lịch sử, ở mức 227,2% GDP.

Sáu là, mặc dù nền kinh tế nước này đã được cải thiện đáng kể từ khi áp dụng chính sách Abenomics, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn chưa bền vững. Điều này cho thấy, sự hạn chế của tính thiếu bền vững trong thực thi chính sách Abenomics.

Bài học cho Việt Nam

Trong những năm qua, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã được Chính phủ hai nước vun đắp và phát triển trở thành đối tác chiến lược. Minh chứng là, thời quan qua, Nhật Bản là nước viện trợ vốn ODA lớn nhất vào Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2013, Nhật Bản dẫn đầu trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam…

Từ những thành tựu về tăng trưởng kinh tế cũng như những thách thức trong việc thực thi chính sách Abenomics đã để lại cho Việt Nam những bài học hữu ích trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế trong nước.

Thứ nhất, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo công bằng về mặt xã hội. Mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, các chỉ báo kinh tế liên tục tăng, nhưng tính bền vững, đặc biệt sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội vẫn còn hạn chế. Trên cơ sở 3 trụ cột của chính sách kinh tế Abenomics, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng và ổn định xã hội.

Thứ hai, vấn đề nợ công. Hiện tại, Việt Nam là một nước có số nợ công tuy chưa lớn nhưng cần giám sát chặt chẽ. “Soi” vào nền kinh tế Nhật Bản có thể thấy, mặc dù nước này có tỷ lệ nợ công ở mức trên 200% GDP, nhưng vẫn được đánh giá là nền kinh tế “khỏe mạnh”. Bởi vì, phần lớn nợ công của Nhật Bản thuộc về tay chủ nợ nội địa (các công ty trong nước và người dân Nhật Bản nổi tiếng về tiết kiệm trên thế giới). Do đó, Nhật Bản vẫn chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn đang phải rất nỗ lực trong việc giảm bớt số nợ công. Việt Nam không có sức mạnh kinh tế như Nhật Bản nên để có thể giảm bớt nợ công thì không có cách nào khác ngoài việc hoạch định và thực thi các chính sách đầu tư hiệu quả, giảm bớt lãng phí, thất thoát nguồn lực đầu tư.

Thứ ba, thị trường lao động. Nếu khó khăn của Nhật Bản là thiếu lao động thì ở Việt Nam là tình trạng dư thừa lao động, tuy nhiên, hiệu suất lao động không cao. Chính vì vậy, nền kinh tế muốn phát triển không thể chỉ dựa mãi vào lực lượng lao động dôi dư mà phải quan tâm đến chất lượng lao động. Chính sách Abenomics đã đưa ra yêu cầu trong việc trả lương cho người lao động không phải dựa vào số giờ làm việc mà phải dựa vào hiệu quả của công việc. Thiết nghĩ, đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho doanh nghiệp, cơ quan của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. “The third arrow”, Tom Orlik, Pekka Aalto & Jennifer Bernstein, Bloomberg Brief, Abenomics Vs. The Deflation Monster, tháng 7/2014;

2. “Xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng trở lại xuôi chiều với chính sách của ông Abe”, Masaaki Iwamoto and Chikako Mogi, Bloomberg, 20/8/2014;

3. Theo Báo cáo "Abenomics Handbook," Nomura economists, Tomo Kinoshita;

4. “Abenomics Vs. The Deflation Monster”, Bloomberg Briefs, tháng 7/2014.

Nhìn lại kết quả thực hiện chính sách Abenomics của Nhật Bản

ThS. HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN - Học viện Tài chính

(Tài chính) Sau 1,5 năm triển khai thực hiện chính sách Abenomics, mặc dù nền kinh tế Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước này đã và đang dần lấy lại đà phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu chính sách Abenomics (Nhật Bản) sẽ là bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong việc đưa ra các chính sách nhằm ổn định và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Xem thêm

Video nổi bật