Nhìn lại tái cơ cấu ngân hàng sau 3 năm triển khai
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ cuối năm 2011 khi thực hiện sắp xếp lại một số ngân hàng yếu kém. Đến nay đã có nhiều người đánh giá cao công cuộc này, nhưng cũng có người cho rằng triển khai còn chậm.
Những kết quả đạt được
Tháng 10/2011, Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có điểm ngắm là hệ thống ngân hàng. Khi Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực hệ thống các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quá trình tái cơ cấu theo Đề án được ban hành. Riêng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), đề án chia các ngân hàng thành 02 nhóm đối tượng: NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần, trong đó NHTM cổ phần lại được chia thành 03 nhóm: Nhóm ngân hàng lành mạnh, nhóm ngân hàng thiếu thanh khoản tạm thời và nhóm ngân hàng yếu kém.
Có thể nói, ưu điểm lớn nhất của các phương án tái cơ cấu trong giai đoạn này là không dùng đến Ngân sách Nhà nước – một đặc điểm mà nhiều nước trên thế giới thực hiện, các ngân hàng tự nguyện sáp nhập hoặc dùng vốn của nhà đầu tư, tập đoàn tư nhân nước ngoài. Minh chứng là việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trong 9 ngân hàng đã cơ bản tái cơ cấu xong đều do sáp nhập và tự các ngân hàng giải quyết, ngân sách nhà nước không nhúng tay như: tái cơ cấu của Ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Đại Tín; sáp nhập ngân hàng Tiên Phong Bank - Doji, Habubank - SHB, Pvcombank - Ngân hàng Phương Tây, Navibank… Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 4,08% tổng dư nợ cuối năm 2012 xuống 3,9% vào cuối tháng 9/2014.
Về cơ bản, các mục tiêu đến năm 2015 trong đề án tái cơ cấu các TCTD đã được thực hiện. Đến nay, thành công chính của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nổi bật nhất ở việc đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Ba nhóm mục tiêu quan trọng nhất cuối cùng là mua bán, sáp nhập các TCTD, tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng cần có thời gian và những giải pháp để giải quyết triệt vì đây là một việc khó đối với bất kể quốc gia nào.
Điểm sáng lớn nhất hiện nay trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chính là việc thành lập công ty mua bán nợ VAMC và các hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu đã ra đời, tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các giai đoạn sau của tái cơ cấu. Tính đến cuối tháng 7/2014, VAMC đã mua được gần 54 ngàn tỷ đồng nợ xấu.
Nợ xấu đến cuối tháng 6/2014 tăng 38,2% so với đầu năm, tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước, mức tăng trưởng nợ xấu đã tiếp tục được kiềm chế (6 tháng đầu năm 2011, 2012 nợ xấu tăng tương ứng là 43,7% và 48,9%). Điều này cho thấy các khoản nợ trước đây thuộc nhóm nợ 1, 2 nay đã được chuyển sang nhóm nợ xấu – nhóm 3,4 và 5, do nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu trong tương lai lại tiềm ẩn khi các NHTM đang nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2014, đặc biệt là những tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu kế hoạch, trong khi năng lực tài chính của khách hàng vay vốn vẫn chưa cải thiện nhiều, cơ hội sản xuất kinh doanh đầu tư mới chưa thực sự khả thi.
Khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt so với trước tái cơ cấu. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu từ cuối tháng 11 năm 2011, với động thái đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là liên tục cắt giảm trần lãi suất, đã đẩy lãi suất cho vay, lãi suất huy động liên tục sụt giảm. Lãi suất đã được dần điều chỉnh về qui luật thị trường khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất, và lãi suất 1 tháng thấp nhất, dao động xung quanh mức 4%-6,5% trong quí 3 năm 2013. Có thể nói, đây là thành công đáng ghi nhận nhất của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, đã đưa hệ thống ngân hàng thoát khỏi đỗ vỡ hàng loạt. Bài toán lớn nhất còn lại của tái cơ cấu là giải quyết nợ xấu, theo TS. Trần Thị Thanh Tú, Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Còn tồn tại nhiều hạn chế
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên họp Quốc hội ngày 1/11 về kết quả giám sát quá trình 3 năm triển khai tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 – 2015 cho biết quá trình tái cấu trúc ngân hàng đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như năng lực cạnh tranh và quản trị, điều hành của nhiều tổ chức tín dụng chưa cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế; một số giải pháp còn mang tính tình thế, đặc biệt là xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. "Cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức mua đứt bán đoạn", ông Giàu cho hay.
Bên cạnh đó, dù đã xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, song đầu tư chéo trong hệ thống vẫn thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng nhấn mạnh việc hình sự hóa nhiều vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng cũng có thể tạo ra mặt trái, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. "Hình sự hóa làm giảm khả năng thu hồi tài sản, tăng chi phí tái cơ cấu, tăng chi của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản", ông nói.
Nhiệm vụ chưa tách bạch
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế thì ngân hàng là lĩnh vực có kế hoạch tương đối tổng thể sớm nhất và việc triển khai kế hoạch đó cũng tương đối phù hợp với tiến độ đặt ra. Vì vậy nên thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ là giữ được ổn định tương đối hệ thống tiền tệ quốc gia. Nhưng chính ưu điểm đó cũng lại là khuyết điểm vì đã giữ ổn định bằng ý muốn chủ quan mà bỏ qua quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đó là quy luật cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và chất lượng hàng hóa. Nếu tuân thủ quy luật này thì khi tổ chức tín dụng cho vay và đi vay lại mà không hiệu quả thì họ phải trả giá cho thị trường. Nhưng ở đây chúng ta đã chưa tôn trọng quy luật đó và đã can thiệp để những tổ chức đó không phá sản. Đó là chỉ định một số ngân hàng lớn có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt sáp nhập, mua các ngân hàng nhỏ và đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó là cho VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng và cho họ thời hạn 5 năm để xử lý cái nợ xấu đó. “Chúng ta cứ tự hào nói rằng trong điều hành không để cho một tổ chức tín dụng nào phá sản thế nhưng chúng ta quên mất một điều, vậy chúng ta làm Luật Bảo hiểm tiền gửi, lập ra cơ quan thanh tra và giám sát của ngân hàng để làm cái gì? Đó là chúng ta còn đang lẫn lộn giữa điều hành nền kinh tế theo quy luật của kinh tế thị trường với ổn định nền kinh tế theo ý muốn chủ quan. Ở đây rõ ràng chưa có sự tách bạch tương đối của nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ nòng cốt của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng Trung ương”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, có thể nói một cách hình tượng về tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua là ném chuột sợ vỡ bình, nên chỉ đuổi chuột, chứ không diệt chuột. Việt Nam chưa có kinh nghiệm để xử lý ngân hàng bị đóng cửa và cũng chưa lường được phản ứng của người gửi tiền với ngân hàng đó thế nào. Cũng chưa có phân tích nghiên cứu kỹ giữa cái giá phải can thiệp bằng biện pháp hành chính để một số tổ chức tín dụng không sụp đổ với cái giá phải trả khi cho nó sụp đổ. Bởi vậy trước mắt cứ chọn cách xử lý đi theo hướng an toàn và chưa hình dung được đầy đủ các tác động không mong muốn về sau của phương án đang làm.
Nợ xấu vẫn khó xác định
Theo chuyên gia kinh tế PGS., TS. Ngô Trí Long các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị. Trong khi tái cơ cấu chỉ có hiệu quả sau khi việc mua bán, sáp nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ. Hiện nay, tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở "bình mới rượu cũ", chưa có sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng, cũng như phương thức hoạt động. Chưa kể, nợ xấu ngày càng khó xác định và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản. Ðề án 254 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này khó có thể thực hiện được bởi cho đến nay, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu. Theo báo cáo tài chính ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, nợ xấu của các ngân hàng cũng đồng loạt tăng. Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện cuối tháng 6/2014 ở mức 4,17% tổng dư nợ, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Đến thời điểm này, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm lại phát sinh nợ mới.
Vì vậy, nếu không giải quyết dứt điểm thì đây là điểm nghẽn của nền kinh tế; còn tồn tại nợ xấu cao thì nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn. Nợ xấu vẫn là 'ung nhọt' của các ngân hàng thương mại. Nếu xét về tỷ lệ nợ xấu, thì đáng nói nhất nằm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khi đa số các tổ chức có tỷ lệ vượt 3% - ngưỡng an toàn do NHNN và các tổ chức quốc tế đặt ra. Ông Long cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và hiện mới chỉ thực hiện khoanh vùng nợ xấu chứ chưa xử lý dứt điểm được.