Nhóm ngành nào ảnh hưởng từ câu chuyện tỷ giá và lãi suất?

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Vấn đề tỷ giá hiện nay chịu sự ảnh hưởng từ hai yếu tố là VND mất giá so với USD và tăng giá so với các đồng tiền khác, nhưng để ghìm tỷ giá “đô - đồng” thì xu hướng tất yếu là tăng lãi suất.

Việc tăng lãi suất để kìm đà tăng giá của “đô-đồng” sẽ tác động tiêu cực lên chi phí đi vay của doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tăng lãi suất để kìm đà tăng giá của “đô-đồng” sẽ tác động tiêu cực lên chi phí đi vay của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhóm ngành chịu ảnh hưởng

Theo CEO WiGroup Trần Ngọc Báu, vấn đề này sẽ tác động đến một số nhóm ngành như: Thứ nhất, là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bao gồm nông, thủy sản, dệt may,... Trong đó, chúng ta không chỉ quan tâm đến tỷ giá VND/USD mà còn phải xem cả tỷ giá của đối thủ cạnh tranh trên thị trường như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, vì đây là một đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.Đồng thời, cần bóc tách được mỗi nhóm ngành nhập khẩu nguyên liệu từ đâu để sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài, khi đó mới tính toán được mức độ hưởng lợi hay không hưởng lợi.

Thứ hai, với doanh nghiệp đi vay bằng ngoại tệ thường sẽ có khoảng 3 khoản mục trong báo cáo thu nhập đó là: Đánh giá lại tài sản gốc ngoại tệ; Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện; và Chênh lệch tỷ giá đã thực hiện. Vì thế sẽ bám theo các tài sản bằng nợ gắn với đồng USD hoặc đồng tiền khác. Nếu VND tăng giá so với các đồng tiền khác mà giả sử doanh nghiệp đi vay bằng yen Nhật hoặc Euro thì có lợi, còn đi vay bằng USD thì sẽ lỗ trong báo cáo thu nhập. Hiện đã có một loạt doanh nghiệp đã ghi nhận lỗ không bằng tiền do tỷ giá biến động.

Thứ ba, là nhóm doanh nghiệp có chứa nhiều tiền gửi, có thể kể đến các doanh nghiệp có dòng tiền mạnh như VEA, DSN, DVP,... - những “ông vua” trong thị trường ngách cực kỳ ổn định với tổng tài sản 90% là tiền và tiền gửi. Khi lãi suất tăng, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào lượng tiền gửi trong tổng tài sản sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó là doanh nghiệp bảo hiểm, kiếm tiền nhiều từ chênh lệch tiền gửi ngay cả khi hoạt động kinh doanh chính lỗ.

Thứ tư, các doanh nghiệp kinh doanh tiền như ngân hàng sẽ chịu thiệt hại, bởi vì lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay tăng chậm hơn do bị ghìm bởi các chính sách. Từ đó dẫn đến NIM của hệ thống ngân hàng có thể giảm nhẹ trong thời gian tới, mà NIM là một trong những thứ tác động khá nhiều đến lợi nhuận từ khối kinh doanh tiền của ngân hàng. “Nếu tăng trưởng tín dụng không thực sự phát triển mạnh được mà NIM suy giảm nhẹ hoặc đi ngang, thì tốc độ phát triển của khối ngân hàng sẽ đi ngang”.

Thứ năm, những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường chứng khoán và bất động sản chắc chắn sẽ bị tiêu cực vì khối ngoại rút tiền về; hay khi tăng lãi suất thì trong nước cũng rút tiền về khiến dòng tiền biến mất khỏi thị trường chứng khoán và bất động sản. Trong khi những công ty chứng khoán cầm rất nhiều tài sản tài chính ở mục tự doanh, còn ở bất động sản cầm nhiều hàng tồn kho, thậm chí dùng vay nợ để bổ trợ cho hàng tồn kho đó.

Thứ sáu, là doanh nghiệp đi vay bằng nội tệ. Việc tăng lãi suất để kìm đà tăng giá của “đô-đồng” sẽ tác động tiêu cực lên chi phí đi vay của doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp nào có yếu tố đầu ra đang khó khăn nhưng đầu vào lại tăng nhiều như bất động sản hay thép, vì các doanh nghiệp này tài sản khá nhiều dùng bằng vay nợ.

“Những phân tích này chỉ phù hợp trong 3 tháng tới, còn từ năm 2023 trở đi có thể bối cảnh sẽ khác và các thông tin sẽ được cập nhật theo tình hình mới. Do đó, mọi đánh giá, lựa chọn, quyết định đầu tư đều cần chú trọng yếu tố “timing” đó là tính thời gian, thời điểm”, ông Báu giải thích.

Tránh đầu cơ ngoại tệ

Nhấn mạnh về một số phân tích đáng chú ý trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital khuyến nghị các nhà đầu tư nên xem kỹ những khoản mục trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp và tác động của tỷ giá ảnh hưởng đến đâu trong cấu phần về lợi nhuận dòng tiền của doanh nghiệp. Về tỷ giá, cần phải bóc tách tỷ giá VND/USD hay VND so với các đồng ngoại tệ khác, còn với lãi suất cũng nên cụ thể lãi suất nào.

“Theo nhận định cá nhân tôi, trong 3 tháng cuối năm, dư địa để Việt Nam tăng tỷ giá vẫn tốt hơn để tăng lãi suất, vì tăng tỷ giá không tác động quá nhiều đến tăng trưởng GDP cũng như nền kinh tế so với việc tăng lãi suất, bao gồm cả thị trường chứng khoán nằm trong bối cảnh chung.

Tuy nhiên, có một yếu tố hiện nay cần xử lý dứt điểm đó là đầu cơ ngoại tệ hiện đang nằm ở 3 vấn đề: Một là thị trường tự do, nếu để một kênh giữa ngân hàng thương mại và thị trường tự do được nối với nhau thông qua việc bán ngoại tệ phục vụ các mục đích du lịch, du học nhưng biến tướng, thì sẽ mất đi nguồn lực đáng ra có thể dùng cho việc khác;

Hai là trạng thái ngoại hối của ngân hàng, nếu tính tổng cán cân âm khoảng 10 tỷ USD, nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang bán cho ngân hàng thương mại 20 tỷ USD, vậy 10 tỷ USD đó đi đâu và chúng ta cần xem xem lại số tiền đó có phục vụ mục đích thanh toán không, hay nằm trên trạng thái ngoại hối của các ngân hàng. Đây là một vấn đề phức tạp nên ở góc độ cơ quan quản lý cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng khi hiện nay hạn mức tự doanh ngoại tệ của các ngân hàng ngày càng lớn;

Cuối cùng là cần làm rõ liệu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có tình trạng mua trước USD cho mục đích tự đầu cơ của họ hay không”, ông Tuấn đề xuất.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Lê Thành Long cho rằng, theo kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp, thông thường họ không tự dự trữ ngoại hối. Câu chuyện đặt ra lúc này là USD từ ngân hàng chảy ra “chợ đen” mới là nguy cơ lớn, vì tỷ giá ngoài “chợ đen” đang cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có câu chuyện về lãi suất chính sách, tỷ giá chính sách để thực thi các chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thúc đẩy vĩ mô.

“Nhìn vào tổng thể, rủi ro trên thị trường rất áp lực đến từ cả hai chỉ tiêu trong đó có hai yếu tố quan trọng đó là GDP và lạm phát, từ đó tác động đến tỷ giá. Vì vậy theo tôi lãi suất có thể tăng, nhưng không tăng lớn.

Vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm chính là rủi ro thị trường, đơn cử như trong một ngày mà chỉ số VN-Index bị giảm tới 45 điểm thì các cổ phiếu không thể gánh đỡ được, nhất là những cổ phiếu rủi ro. Cho dù VND có lên giá so với một số đồng tiền khác, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là đô la Mỹ, đó là cái cần nhìn tổng thể. Do đó, sức ép trong quý III, quý IV và đầu năm 2023 về tỷ giá, lãi suất vẫn còn khá lớn và sẽ có những hệ lụy tác động đến túi tiền của chúng ta một cách rõ ràng”, ông Long cho biết.