Nhóm Thị trường vốn: Việt Nam cần đẩy nhanh cổ phần hóa lĩnh vực viễn thông và ngân hàng
Nhóm Thị trường vốn đề xuất nên có cơ chế cho nhóm cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn được hưởng những lợi ích kinh tế như cổ tức.
Thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề do tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả. Đành rằng những biên độ này được thiết lập để bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động quá lớn nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường.
Một giải pháp đề xuất là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên xuống hơn 10%. Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ tái lập sự ổn định cho thị trường.
Ông Terence F.Mahony cũng cho rằng, việc cho phép niêm yết ở nước ngoài là không nên vì sẽ làm giảm tính thanh khoản của thị trường trong nước.
Ngân hàng và viễn thông phải được ưu tiên CPH
Đáng chú ý, trong bản kiến nghị của mình Nhóm công tác Thị trường vốn thêm một lần nữa nhắc nhở Chính phủ Việt Nam cần cải cách DNNN để thúc đẩy sự thành công của thị trường vốn, cũng như việc cổ phần hóa các DNNN sẽ không chỉ có lợi cho thị trường vốn mà còn cả nền kinh tế nói chung.
Đây là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển hiệu quả thị trường vốn. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ là chìa khóa cho thị trường vốn mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Dù đã có nhiều ý kiến, tranh luận nhưng chưa có nhiều kết quả thực sự kể từ bước đi khả quan đầu năm 2007. Để đẩy nhanh tiến độ, cần phải có “một lộ trình mới với những tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu chi tiết”.
Cổ phần hóa là xương sống của chính sách kinh tế hợp lý và để minh chứng chỉ cần nhìn vào những kết quả đã đạt được ở những thị trường mới nổi khác. Hai ngành chính cần được cổ phần hóa đầu tiên là ngành Viễn thông và Ngân hàng (2 ngân hàng đã được cổ phần hóa nhưng chưa thành công do định giá không hợp lý).
Yếu tố chính để chào bán thành công là ĐỊNH GIÁ, và cách duy nhất để làm điều này là phải thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng định giá, phát hành theo các chuẩn mực toàn cầu của ngành, cũng như xây dựng bản cáo bạch đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư toàn cầu.
Sẽ luôn tồn tại sự lo ngại về việc bán tài sản nhà nước với giá quá rẻ và phải chịu trách nhiệm về việc đó, nhưng đây là những rủi ro kèm theo quá trình này, và một nghịch lý là những trường hợp cổ phần hóa thành công cũng chính là những trường hợp mà bên tham gia chấp nhận nhượng bộ một phần lợi ích để thu hút các nhà đầu tư. Phát hành cổ phiếu với giá quá cao thường dẫn tới thất bại.
Hơn nữa, một tỉ lệ đáng kể cổ phần cũng sẽ phải bán để tạo thanh khoản cho thị trường sau phát hành, chứ không chỉ một tỉ lệ một con số nào đó. Cần khuyến khích ban quản trị công ty gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhóm công tác lấy ví dụ như trường hợp BIDV. Mục tiêu đề ra là phải bán được ít nhất 30-40% cổ phần cho một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó một số ngân hàng đầu tư toàn cầu hàng đầu đứng ra bảo lãnh phát hành, chứ không chỉ 3-5%.
Cổ phần hóa phải là nhân tố cốt yếu của Nhóm công tác thị trường vốn, trong đó chính phủ đã xác định 2-3 doanh nghiệp để thí điểm cổ phần hóa trong vòng 9-12 tháng tới. Quá trình này không thể tiếp tục chỉ dừng lại ở mức thảo luận mà đã đến lúc phải có hành động cụ thể.
Hơn nữa, DNNN phải tập trung vào những ngành nghề kinh doanh và năng lực chính, chứ không phải dàn trải sang những lĩnh vực không liên quan khác, vì như vậy sẽ chỉ dẫn đến hoạt động không hiệu quả và đối mặt với rủi ro thua lỗ nặng nề. Duy trì kỷ cương, sự nhất quán trong khâu hoạch định là tiền đề để vận hành, xây dựng, cổ phần hóa hiệu quả DNNN.
“Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là đưa ra mức giá được xác định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho những ngân hàng đầu tư uốc tế lớn tham gia đóng góp vào tiến trình này ở Việt Nam. Cổ phần hóa sẽ trở thành mối quan tâm then chốt của Nhóm công tác khi Chính phủ xác định tối đa 3 ứng viên để thí điểm trong vòng 12 tháng tới” – Nhóm công tác nói..
Ngoài ra, chủ trương hợp nhất các công ty chứng khoán cũng cần được triển khai vì trong số 106 công ty chứng khoán hiện nay thì riêng 6 công ty đã nắm tới 50% thị phần. Đây là vấn đề cần được giải quyết. Cần tăng cường quản trị công ty, công khai, minh bạch các thông tin về doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch chứng khoán.
Sở hữu của nước ngoài
Ở những thị trường mới nổi, nhà đầu tư nước ngoài là một thành tố chính trong thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhờ đóng góp nguồn vốn cần thiết để kinh tế phát triển. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quan trọng trong nước cũng cần duy trì sự kiểm soát đối với những lợi ích địa phương, mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước.
Một giải pháp cho vấn đề này là quy định một nhóm cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn được hưởng những lợi ích kinh tế như cổ tức, giống như trường hợp Thái Lan. Như vậy sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn cần thiết từ nước ngoài. Mức sở hữu nước ngoài trong ngân hàng nên được nâng lên 49% vì đây sẽ là một con số thực tế hơn.