Những chủ nợ bất đắc dĩ

Theo Tiền Phong

Không chỉ nợ lương, “xù” đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh còn “bỏ của chạy lấy người” khiến cơ quan chức năng dù khởi kiện ra tòa cũng vô ích.

Những chủ nợ bất đắc dĩ
Hàng trăm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh khi đến làm thủ tục thất nghiệp mới tá hỏa vì công ty không đóng bảo hiểm cho mình. Nguồn: Internet

Chủ doanh nghiệp bỏ chạy

Ba năm kể từ khi Lee Seong Hoo, chủ doanh nghiệp Shin Cap (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công mũ ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) bỏ trốn, các công nhân của công ty này vẫn không thể biết tung tích ông chủ. Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân công ty cho biết, ngoài nợ bốn tháng lương, công ty còn không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân.

“Sau khi doanh nghiệp phá sản, tôi lên làm thủ tục đăng ký thất nghiệp, mới biết công ty không đóng bảo hiểm cho mình nên không có sổ để làm bảo hiểm thất nghiệp”- chị Hồng nói.

Đau hơn, anh Hoàng Văn Giáp, 25 tuổi, công nhân công ty TNHH Hojin, cũng của Hàn Quốc, ở đường Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân, bị nợ năm tháng lương nhưng chẳng biết đòi ai. Chủ công ty “lặn không sủi tăm” nhưng không một công nhân nào hay biết.

“Tháng nào công ty cũng khấu trừ tiền lương để đóng bảo hiểm các loại nhưng khi em lên bảo hiểm xin sổ để chuyển đóng bảo hiểm ở nơi làm mới thì mới biết công ty đã không đóng đồng nào trong thời gian một năm”- anh Giáp nói. Gần 250 triệu đồng nợ lương công nhân, số tài sản bị niêm phong của công ty được cho là sẽ đủ để trả khoản nợ này nhưng đến nay không máy móc nào sử dụng được.

Không bỏ chạy như chủ hai công ty trên nhưng hơn một năm từ khi chị N.T.B. nghỉ việc, chủ Công ty TNHH Vận tải Shipmarin ở quận 7 vẫn không trả sổ bảo hiểm xã hội cho chị. Đòi riết, chị B. mới biết năm qua công ty không đóng bảo hiểm cho mình, cho dù tháng nào đơn vị này cũng khấu trừ tiền lương của công nhân để đóng bảo hiểm.

Chị B. cho biết, đại diện công ty thừa nhận, do khó khăn nên chậm đóng và hứa khắc phục. Sau khi cắt giảm lao động, hàng trăm công nhân ở hai Công ty thương mại Việt Thắng (quận 6) và Công ty Minh Việt Long (Tân Bình) phải đi tìm việc mới trong khi các đơn vị này vẫn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Số công nhân ở lại thì làm ngày nào ăn ngày đó. Anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân công ty Việt Th cho biết, để cầm cự qua ngày, công ty chỉ còn hơn 10 công nhân làm việc, chủ yếu hoàn thành những đơn hàng nhỏ. Tuy nhiên, theo anh này lương từ bốn tháng qua công ty vẫn nợ và bảo hiểm xã hội cũng không thể đóng được.

Đòi nợ: "Trầy vi tróc vảy"

Hơn 50 công nhân may mặc của Công ty Tân Việt Ánh, vốn 100% Hàn Quốc đóng tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đang là chủ nợ với hơn 200 triệu đồng từ công ty này nhưng 5 năm nay chẳng biết đòi ai. Nhiều công nhân đến nay vẫn thất nghiệp, về quê ngóng chờ số tiền ít ỏi của bảo hiểm thất nghiệp nhưng cũng không thể, vì ngoài nợ lương, hơn 50 công nhân này không có sổ bảo hiểm xã hội do công ty không đóng đồng nào.

Kiện ra tòa, máy móc của công ty bị niêm phong nhưng thi hành án cũng không được, vì không ai mua. Đó là tình cảnh chung của hàng trăm công ty dạng chủ “bỏ của chạy lấy người” hiện nay.

Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, hiện có gần 20 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 10 nghìn doanh nghiệp nợ từ ba tháng trở lên khó có khả năng trả nợ.

Đơn cử, từ năm 2011 đến nay, Công ty Mai Linh nợ bảo hiểm xã hội của hơn 4.000 nhân viên với số nợ khoảng 40 tỷ đồng . Ông Cao Văn Sang- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, mỗi tháng ở TP. Hồ Chí Minh có khoảng 40 nghìn lao động thôi việc nhưng rất ít trong số đó được hưởng quyền lợi, vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và cả bảo hiểm y tế.

Dù trong năm 2012 đã có hơn 500 doanh nghiệp nợ trên 200 tỷ đồng bị Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra tòa nhưng theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, đơn vị này chỉ mới đòi được khoảng 50 tỷ đồng. Sẽ có 800 doanh nghiệp tiếp theo được cơ quan này củng cố hồ sơ khởi kiện trong năm nay.

Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp “nợ xấu” lên hàng trăm tỷ sẽ rất khó đòi do đã phá sản, bỏ chạy hoặc bị rút giấy phép. Ông Sang cho biết, để hoàn thiện thủ tục kiện doanh nghiệp đòi hỏi nhiều thủ tục nên ít nhất một năm mới đưa doanh nghiệp ra tòa. Vì vậy, khi chưa kiện ra tòa thì doanh nghiệp đã phá sản, bỏ trốn…