Những cổ phiếu sáng giá năm 2015
(Tài chính) Dựa trên phân tích triển vọng và tiềm năng kinh doanh, cổ phiếu của một số doanh nghiệp được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Phân bón “được mùa”
Thị trường vừa đón nhận thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2014 của một số DN niêm yết trong ngành phân bón như LAS, SFG với kết quả khả quan hơn so với cùng kỳ. Nhìn từ góc độ ngành, một yếu tố ngắn hạn có thể mang lại lợi ích cho DN mà nhà đầu tư nên cân nhắc, đó là xu hướng lao dốc mạnh của giá dầu trong thời gian qua đang giúp DN sản xuất ure (DPM, DCM) tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm và cải thiện biên lợi nhuận.
Đối với các DN kinh doanh mặt hàng phân bón khác (LAS, SFG…), thị trường tiêu thụ ổn định và chi phí vận chuyển giảm sẽ hỗ trợ cho hiệu quả kinh doanh của các DN này.
Xem xét cơ hội đầu tư đối với các cổ phiếu trong ngành, các chuyên viên của CTCK VDSC đánh giá cao sự ổn định trong hoạt động bán hàng, cơ cấu vốn an toàn với vay nợ thấp. Đặc biệt, tỷ suất cổ tức hấp dẫn hơn mức lãi tiền gửi ngân hàng có thể là lực hút đối với những nhà đầu tư ngại rủi ro. Ngoài ra, việc nhiều “ông lớn” trong ngành như phân bón Bình Điền hay Đạm Cà Mau bắt đầu niêm yết trong nửa đầu năm 2015 sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với một ngành gần như bị lãng quên trong năm vừa qua.
Ngân hàng vào vụ
Cùng thời điểm này, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh. Trong đó, BIDV là ngân hàng đặt ra mục tiêu khá “mạnh bạo” so với các ngân hàng còn lại, với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 20% trong năm 2015. Trên thị trường, các cổ phiếu nổi bật nhất là CTG và BID luôn đóng cửa với giá trần. Với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay, đánh giá một cách định tính, các ngân hàng hứa hẹn sẽ có mức NIM tốt hơn trong năm 2015, trong khi việc thu phí dịch vụ đang được người tiêu dùng chấp nhận, giúp tăng thu nhập ngoài lãi.
Theo đó, những người tham gia sớm vào trào lưu đầu tư cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội để thu lợi nhuận. Các “câu chuyện” được vận dụng trong năm 2015 giúp cổ phiếu biến động sẽ là hoạt động sáp nhập, hoàn nhập dự phòng, chính sách mới cho lĩnh vực ngân hàng…
Hút khách vì cổ tức
Ở giai đoạn dòng tiền dư thừa và giá thị trường lình xình, cổ tức cũng là yếu tố hút nhà đầu tư. Gỗ Đức Thành (GDT) là điển hình. Cổ phiếu này luôn nằm trong danh mục đầu tư ưa thích của không ít nhà đầu tư. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014 của GDT lần lượt đạt 265 và 53 tỷ đồng, cao hơn 11,3% và 32,1% so với năm 2013. Nhờ kiểm soát tốt chi phí sản xuất cộng với việc giá vốn gỗ cao su giảm, biên lợi nhuận gộp năm 2014 của GDT đạt 34,7%, cao hơn so với năm 2013 (33,7%).
Về triển vọng năm 2015 của GDT, các nhà phân tích của Maybank KimEng vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực đối với cổ phiếu này, do việc mở rộng nhà máy ở Bình Dương giúp nâng công suất hiện tại của nhà máy từ 15 nghìn lên 20 - 25 nghìn m3 gỗ thành phẩm/năm. Dự kiến sau khi hoàn tất việc mở rộng, đóng góp từ nhà máy này có thể giúp doanh thu GDT tăng trung bình 20%/năm.
Dự kiến, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của GDT đạt lần lượt là 307 tỷ đồng và 58,6 tỷ đồng. Với hoạt động kinh doanh ổn định và chính sách cổ tức duy trì ở mức tương đối cao (khoảng 20 - 25%/năm), nhìn chung GDT phù hợp với các nhà đầu tư giá trị.
Tăng trưởng cao, ổn định
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), Vĩnh Hoàn (VHC) - chuyên về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu cá tra fillet đông lạnh - là một trong số không nhiều DN duy trì được mức độ tăng trưởng cao và ổn định. Sang năm 2015, kinh doanh của VHC dự báo sẽ còn thuận lợi nhờ hưởng mức thuế chống bán phá giá từ Mỹ là 0%, hưởng lợi từ chính sách nâng tỷ giá USD lên thêm 1% cũng như các động thái tái cơ cấu của VHC.
Năm 2015, công ty vẫn duy trì nguồn cung nguyên liệu tự chủ ở mức 60% và sẽ tăng công suất chế biến lên 40%, trong đó nhà máy hiện có của VHC tăng thêm 20%, nhà máy Vạn Đức Tiền Giang (VHC mới mua lại từ tháng 9/2014) tăng thêm 33%. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm của VHC đang theo chiều hướng tăng tỷ trọng nhóm mặt hàng giá trị nhằm cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận. Đơn cử, sản phẩm mới Collagen ước góp 140 tỷ đồng vào tổng doanh thu công ty.
Dự báo năm 2015 VHC sẽ đạt doanh thu 7.126 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng, tăng trưởng 29,4% nếu loại bỏ khoản lợi nhuận bất thường của năm 2014. Với tình hình đầu ra khả quan, cùng các kế hoạch tăng thêm quy mô sản xuất và việc nhà máy Collagen đi vào hoạt động, BVSC đánh giá VHC sẽ tăng trưởng rất tốt từ năm 2015 và khuyến nghị tích lũy đối với cổ phiếu này. Giá mục tiêu cho VHC là 47.472 đồng/cổ phiếu, tăng gần 25% so với mức giá hiện tại.
Dịch vụ cảng lên ngôi
Theo quan sát của VDSC, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Gemadept (GMD) đang rất ổn định với hiệu quả tăng cao đặc biệt khi hiệu suất khai thác Cảng Nam Hải - Đình Vũ tăng lên. Ngoại trừ những hoạt động chính khả quan, tiềm năng của GMD còn đến từ lĩnh vực cao su, bất động sản.
Theo chia sẻ từ Gemadept, dự án trồng cao su mang lại nhiều lợi thế nhất định. Cụ thể, diện tích đất giao liền thửa cách cửa khẩu Lệ Thanh (Đà Nẵng) khoảng 120 km sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí logistics cho công ty khi cao su đi vào khai thác. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại và lợi thế gần nguồn nước sẽ giúp tăng năng suất mủ của cây cao su so với các khu vực khác.
Với những chuyển biến này, sau khi đã cân nhắc thêm yếu tố khác như câu chuyện vốn, VDSC khuyến nghị tích lũy dài hạn với cổ phiếu GMD và mức giá hợp lý mà VDSC đưa ra ở thời điểm cuối 2014 cho GMD là 44.400 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% với mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu hiện nay của GMD.