Những cú PR điệu nghệ của tỷ phú “hà tiện”

Theo VnEconomy

Sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD nhưng tỷ phú Ingvar Kamprad, nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ nội thất IKEA, chỉ đi máy bay khoang bình dân và có thói quen mang những gói hạt tiêu nhỏ ở quán ăn về nhà. Liệu đó có phải là toàn bộ câu chuyện?

Những cú PR điệu nghệ của tỷ phú “hà tiện”
Trong một cuốn hồi ký, Kamprad viết rằng: “Chúng tôi không cần những chiếc xe bóng lộn, những danh hiệu ấn tượng, nhưng bộ đồng phục hay biểu tượng địa vị nào khác. Chúng tôi dựa vào sức mạnh và ý chí của mình”
Lễ Phục sinh hàng năm là khoảng thời gian mà các tín đồ Thiên chúa giáo đổ đến các nhà thờ. Đây cũng là thời gian mà các cửa hiệu bán lẻ đồ nội thất IKEA khắp thế giới đông nghẹt. Đã có người nói rằng, cuốn catalogue của IKEA được đọc nhiều hơn cả Kinh thánh. Trên thực tế, nếu bạn ở trong một vài khách sạn ở vùng là quê hương của IKEA ở Thụy Điển, bạn sẽ tìm thấy cuốn catalogue của IKEA đặt ngay cạnh một cuốn kinh Tân ước.

Theo tờ Daily and Sunday Express, cứ 10 người châu Âu đang sống hiện nay, thì có 1 người được cho là được thụ thai trên một chiếc giường của IKEA. Những đứa trẻ sinh ra từ chiếc giường IKEA thường ngủ trong nôi của IKEA, trong khi cha mẹ chúng ngồi trên ghế sofa IKEA, ăn bằng bát đĩa của IKEA, và những bộ bát đĩa này cũng được cất trong tủ của IKEA.

1/3 số bếp được báp ở Pháp và Thụy Điển là của IKEA. Ở Nauy, tỷ lệ này là một nửa. Ở Anh, con số có kém hơn, nhưng chỉ kém chút đỉnh.

Năm ngoái, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và nhiều nền kinh tế suy thoái, IKEA vẫn đạt mức lợi nhuận cả năm cao kỷ lục 3,2 tỷ Bảng. Doanh thu tại 44 quốc gia có cửa hiệu IKEA tăng khoảng 10%, đạt mức 27,6 tỷ Bảng.

Hôm 30/3, vừa rồi, tỷ phú Kamprad mừng sinh nhật lần thứ 87. Nằm trong số những người giàu nhất thế giới, nhưng tỷ phú góa vợ này không hề thích tổ chức những bữa tiệc sinh nhật linh đình. Bản thân ông là một người vô cùng thận trọng với tiền bạc.

Kamprad có thể dễ dàng tậu một phi cơ riêng, nhưng ông thường xuyên đi máy bay hạng bình dân, thậm chí là chọn các hãng bay giá rẻ. Có lần, khi Kamprad tới tham dự một buổi tiệc để nhận giải thưởng Doanh nhân của năm, ông đã bị bảo vệ từ chối cho vào cửa khi thấy ông đi xuống từ một chiếc xe bus.

Trước đây, suốt nhiều năm, tỷ phú sở hữu 47,7 tỷ USD và đứng thứ 5 thế giới về độ giàu theo xếp hạng của hãng tin Bloomberg này vẫn lái một chiếc xe Volvo đã cũ kỹ. Ông chỉ bỏ chiếc xe khi người ta thuyết phục được ông rằng tiếp tục sử dụng nó là quá nguy hiểm.

Thay vì ăn ở những nhà hàng sang trọng, Kamprad thường tạt vào một trong những cửa hiệu của ông để ăn một bữa bình dân với món thịt viên ưa thích. Mỗi khi ăn tiệm, ông thường lấy những gói nhỏ muối và hạt tiêu để bỏ túi, mang về nhà dùng.

Từ năm 1976 tới nay, Kamprad đã chuyển sang sống ở Thụy Sỹ để hưởng mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, ngôi nhà mà ông đang sống chỉ là một căn nhà nhỏ, khiêm nhường, nơi ông tự mình lắp đặt các đồ đạc IKEA để sử dụng.

Trong quan điểm của Kamprad, sự xa xỉ không chỉ thừa thãi mà còn là một tội lỗi. Trong một cuốn hồi ký, Kamprad viết rằng: “Chúng tôi không cần những chiếc xe bóng lộn, những danh hiệu ấn tượng, nhưng bộ đồng phục hay biểu tượng địa vị nào khác. Chúng tôi dựa vào sức mạnh và ý chí của mình”.

Nhân viên - những người mà Kamprad thích gọi là đồng nghiệp - tại trụ sở của IKEA được yêu cầu phải dùng hai mặt của mỗi tờ giấy và tắt điện mỗi khi rời khỏi phòng.

Chắc chắn, mỗi khi ai đó gặp Kamprad đi mua sắm tại một chợ ở địa phương trong chiếc áo khoác đã cũ kỹ đều tin ông là một ông già hưu trí sống tằn tiện  thay vì là một doanh nhân hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Kamprad thường đi mua hàng vào giờ muộn, thời điểm mà những người bán hàng có thể giảm giá.

Tuy nhiên thực tế có vẻ có đôi chút khác biệt so với những gì mà mọi người vẫn thấy. Kể từ khi thành lập IKEA vào năm 1943 khi mới 17 tuổi, Kamprad đã kiểm soát hình ảnh của bản thân và công ty trong mắt công chúng bằng kỹ năng đầy khéo léo.

Nhưng, điều này không có nghĩa là Kamprad thực sự tin tưởng vào lối sống tiết kiệm, mà chỉ cho thấy một mặt khác của IKEA và “ông vua” của “đế chế” bán lẻ này.

Hồi thập niên 1960, Kamprad thường lái một chiếc Porsche và mặc những bộ vest sang trọng. Một thập kỷ sau đó, ông xuất hiện trong chiếc áo jacket giản dị và thường xuyên dùng snus, một loại thuốc lá nhai của Thụy Điển.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2010, một cựu nhân viên của IKEA có tên Johan Stenebo viết rằng: “Ông ấy muốn xuất hiện như một con người bình dân, một người trong số chúng ta”.

Đó là lý do vì sao mà mọi người đều biết về căn nhà nhỏ của Kamprad ở Thụy Sỹ, nhưng không mấy khi nghe nói tới điền trang rộng lớn của ông ở Thụy Điển hay một lò sản xuất rượu vang ở vùng Provence của nước Pháp cũng thuộc quyền sở hữu của ông.

Kamprad cũng tạo ra hình ảnh của bản thân như một người khiêm tốn, thích tự “dìm hàng”. Trong một vài bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi, ông thú nhận mình phải vật vã cai nghiện rượu mà không thành công, nhưng vẫn giữ tình hình trong tầm kiểm soát.

Nhưng Stanebo cho biết, đó chỉ là một nửa của bức tranh. “Ingvar xuất hiện trước thế giới như một người một người nghiện rượu và mắc chứng khó đọc. Ông ấy nói với mọi người là ông có nhiều hạn chế, rằng ông ấy hơi ngốc. Nhưng ông ấy vẫn còn rất tinh tường và hiểu biết ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chỉ trong vài giây, ông ấy có thể cho bạn biết gỗ thông đốn ở Nga rồi chế biến ở Ba Lan có chi phí bao nhiêu trong một cửa hiệu ở Thụy Điển”.

Kamprad thừa nhận ông bị nghiện rượu khi làm việc ở Ba Lan. Nhưng trong 20 năm làm việc với tỷ phú này, Stanebo chỉ thấy ông uống rượu có một lần, trong một buổi tiệc vào năm 1995, và chỉ sau khi ông nói chuyện nghiện rượu với cánh nhà báo.

Tuy nhiên, cú “PR” điệu nghệ nhất của Kamprad được thực hiện vào năm 1994, khi việc ông đã từng tham gia vào một phong trào ủng hộ phát xít hồi năm 1942 ở Thụy Điển bị lộ tẩy.

Trong một bức thư gửi nhân viên IKEA nhân vụ việc, Kamprad đã đề nghị họ thứ lỗi cho việc mà ông gọi là “sai lầm lớn nhất trong đời tôi”. Hàng trăm nhân viên IKEA đã ký một bức thư trong đó viết: “Chúng tôi ở đây bất kỳ khi nào ngài cần chúng tôi. Gia đình IKEA”. Dù bật khóc, nhưng Kamprad thừa hiểu rằng, ông đã dập được những ảnh hưởng tiêu cực của vụ việc.

Kể từ đó, IKEA đã phát triển thành một tập đoàn khổng lồ với hơn 80.000 nhân viên. Từ khởi đầu khiêm tốn ở một địa phương, IKEA giờ phục vụ 350 triệu khách hàng mỗi năm. Thành công này một phần bắt nguồn từ ý tưởng rất đơn giản: chuyển công việc lắp ráp sản phẩm lại cho khách hàng. Ý tưởng này đến với Kamprad khi ông tháo chân một chiếc bàn để cho vừa vào một chiếc xe hơi.

Ý tưởng đó đã giúp Kamprad trở nên giàu có hơn cả những người tham lam có thể mơ, nhưng ông vẫn thích nói rằng: “Chẳng ai làm giàu được nếu phung phí tiền bạc”.