Những "điểm nhấn" của nền kinh tế

Thứ nhất, mục tiêu CPI cuối năm nay dưới 1 con số là tương đối chắc chắn theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Cũng theo ADB, lạm phát trung bình năm 2013 dự kiến sẽ vào khoảng 7,5% tại thời điểm cuối năm 2013, tăng lên 8,2% trong 2014, mức thấp hơn so với dự báo trước đây.

Thứ hai, GDP cả năm nay sẽ tăng ở mức cao hơn năm ngoái, từ 5,2%-5,5%. Rất có thể 2013 sẽ là năm thứ hai liên tiếp ghi nhận kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn mức trung bình của khu vực. ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam xuống còn 5,2% (so với mức 5,7% đã đưa ra 6 tháng trước đó) và sẽ tăng lên mức 5,6% trong năm 2014. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hôm 16/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2013 tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,2%, tăng lên 5,5% vào năm 2018. Trong Báo cáo điều tra tình hình kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP trong năm 2013 công bố hôm 18/4 cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm 2013 và GDP cả năm sẽ tăng lên mức 5,5%.

Thứ ba, vốn đầu tư xã hội từ khu vực ngoài Nhà nước sẽ có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung, nên tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước (quý I/2013 đạt 36,9% so với 34,9% năm 2012). Đây là xu hướng tích cực trong quá trình cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư xã hội và là kết quả ghi nhận bước đầu của thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành đầu năm 2013.

Thứ tư, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2013 dự kiến sẽ tăng mạnh so với năm 2012; đồng thời, vốn giải ngân cũng sẽ tăng hơn so với cùng kỳ trước và có thể đạt chỉ tiêu thu hút tới 16,3 tỷ USD so với mức dự kiến 13 - 14 tỷ USD của kế hoạch đã thông qua cho năm nay. Theo ADB, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với FDI.

Thứ năm, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sẽ đạt mức 126 tỷ USD và tạo động lực tích cực cho tăng trưởng, việc làm và ổn định kinh tế chung. Hiện tượng nhập siêu sẽ trở lại cùng với tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ tăng, tỷ giá ổn định. Thặng dư thương mại dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay và sẽ giảm nhẹ trong năm 2014.

Thứ sáu, cơ hội phục hồi và mở rộng sản xuất đối với một số doanh nghiệp (DN) đang rõ hơn, nhất là với các DN có phương án tái cấu trúc hiệu quả và tiếp cận được với các nguồn vốn, nguồn cung cấp thiết bị, máy móc giá rẻ, tham gia ngày càng chặt chẽ, hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc, phân công lao động và hợp tác kinh tế chung, các chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng trên thị trường trong nước và quốc tế... Việc Chính phủ thông qua và triển khai các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trong quý I/2013 với nỗ lực giảm các gánh nặng lãi suất và các gánh nặng tài chính, thể chế cho DN, sự gia tăng các hoạt động M&A cùng với làn sóng tái cấu trúc các DNNN cũng như toàn bộ nền kinh tế đã, đang và sẽ góp phần đáng kể cải thiện kinh tế cả cấp vĩ mô, cũng như vi mô.

Thứ bảy, DN đăng ký thành lập mới thấp hơn số DN dừng hoạt động và phá sản cho thấy hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN vẫn chưa được cải thiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2013, cả nước có 15.707 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng. So với quý I/2012 thì số DN đăng ký thành lập mới giảm 6,8% và số vốn đăng ký giảm 16,1%. Trong quý I/2013, cả nước có 2.272 DN hoàn thành các thủ tục giải thể DN, giảm 14% so với quý I/2012 và giảm 8,1% so với quý IV/2012. Cũng trong quý I/2013, cả nước có 13.011 DN khó khăn phải dừng hoạt động. Trong đó, 3.567 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 9.444 DN ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Nhìn chung, những điểm nhấn kinh tế lớn nhất trong nửa đầu năm 2013 về cơ bản vẫn là những vấn đề tồn dư của năm 2012, trong đó nổi bật là những nút thắt về nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách DNNN, quản lý đầu tư công và nợ công, hâm nóng trở lại thị truờng bất động sản.

Thứ tám, nợ xấu, hàng tồn kho, sức mua thị trường và khả năng hấp thụ vốn của DN thấp vẫn là những nút thắt kinh tế đáng quan ngại, mặc dù theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nợ xấu đã có sự cải thiện về tỷ lệ, giảm từ 8% xuống còn 6%; cũng như đang có dấu hiệu tích cực chuyển đổi dòng sản phẩm nhà ở xã hội trên thị trường bất động sản. Trong khi đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không cao cho thấy tổng cầu trong nước giảm. Theo báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý I/2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến thời điểm 1/3/2013 chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012. Do vậy, dù hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất thì tín dụng vẫn chưa thể cải thiện.

Thứ chín, tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2% như cam kết của NHNN. Báo cáo đưa ra ngày 23/4/2013 của NHNN về tình hình hoạt động ngân hàng năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 cũng cho biết, lượng ngoại tệ NHNN mua được trong quý I/2013 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đưa quy mô dự trữ ngoại hối đạt mức tương đương thông lệ quốc tế là 12 tuần nhập khẩu. Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2012 đạt 10 tỷ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 9 thế giới. Với trạng thái ngoại tệ như vậy, NHNN hoàn toàn có khả năng can thiệp trong trường hợp cần thiết và giá USD sẽ chỉ dao động trong biên độ cho phép.

Thứ mười, thu NSNN tiếp tục đối mặt với không ít áp lực, khi thu ngân sách quý I/2013 chỉ đạt 20,6%, so với thông thường phải đạt 25-27%. Áp lực cân đối NSNN còn bị gia tăng bởi nhiều nguy cơ bất ngờ về hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh trong chăn nuôi.

Một số dự báo và kiến nghị

Nhìn chung, những điểm nhấn kinh tế lớn nhất trong nửa đầu năm 2013 về cơ bản vẫn là những vấn đề tồn dư của năm 2012, trong đó nổi bật là những nút thắt về nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách DNNN, quản lý đầu tư công và nợ công, hâm nóng trở lại thị truờng bất động sản. Theo ADB, khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7 - 8% sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng ổn định, thực hiện thành tiến trình tái cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn, tập trung vào kiểm soát quy mô nợ xấu, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng và tái cấu trúc DNNN.

Năm 2013, khả năng Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 là khá chắc chắn; còn mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 là khá khó khăn, vì CPI của quý I/2013 đã chiếm gần 37% mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 6-6,5% của cả năm mà Chính phủ đề ra; trong khi, thời gian tới sẽ tăng lương và một số địa phương tiếp tục tăng giá viện phí theo Thông tư liên tịch 04 và tăng học phí năm học 2013- 2014 theo Nghị định 49/NĐ-CP; áp lực tăng giá điện do hạn hán và tăng giá than cũng đang hiện hữu…

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục cải thiện tình hình, nhất là gỡ khó cho DN và duy trì động lực phát triển kinh tế, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn theo hướng giảm nhẹ đồng thời cả ba gánh nặng cho DN và nền kinh tế, đó là chi phí tài chính, chi phí vốn và chi phí hành chính.

Theo đó, về phía DN, cần chủ động tiếp tục giảm giá bán, đưa hàng hóa về nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu cả về danh mục đầu tư và sản phẩm, lao động và quản trị, nguồn vốn và quản trị, cần đưa ra các phương án kinh doanh hiệu quả để vay vốn ngân hàng dễ dàng, tiết giảm chi phí hoạt động...

Về phía cơ quan quản lý, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, khuyến khích thu hút FDI và các hoạt động mua lại và sáp nhập trong quá trình tái cấu trúc DN và chuyển nhượng dự án kinh doanh; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về DN đồng bộ, minh bạch và hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho DN trong và ngoài nước khi gia nhập thị trường; khơi thông và ổn định các thị trường đầu ra cho nền kinh tế, nhất là cho sản phẩm nông nghiệp...

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013

Những "điểm nhấn" của kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2013

Lê Thị Lan Phương - Công ty Cổ phần MISA

(Tài chính) Năm 2013 vẫn là năm khó khăn chung của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết này sẽ chỉ ra những kết quả nổi bật của nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2013, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Xem thêm

Video nổi bật