Những điểm nổi bật của thị trường vàng thế giới năm 2012

Theo Giavang.net

Bất ổn kinh tế làm vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn. Nhưng 2012 cũng là năm ngành khai thác nhiều sóng gió.

Những điểm nổi bật của thị trường vàng thế giới năm 2012
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những bất ổn của nền kinh tế thế giới trong năm 2012 mà tâm điểm là khủng hoảng nợ châu Âu giúp giá vàng phát huy vai trò của một nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư và ngân hàng trung ương các nước. Tuy nhiên, ngành khai thác vàng của thế giới trong năm qua tiếp tục gặp phải sóng gió khi các cuộc đình công quy mô lớn diễn ra tại Nam Phi làm hoạt động khai thác của nhiều tập đoàn bị tê liệt. Năm 2012 cũng chứng kiến nhiều thương vụ Trung Quốc mua lại các mỏ vàng nước ngoài, thể hiện tham vọng của Trung Quốc muốn thâu tóm ngày càng nhiều vàng hơn trên thế giới.

Vàng tăng giá năm thứ 12 liên tiếp

Giá vàng phiên ngày 25/12 giao dịch tại 1.658,4 USD/oz, tăng 5,8% so với năm ngoái và là năm tăng giá thứ 12 liên tiếp. Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), mức giá cao nhất năm nay đạt 1.791,8 USD/oz ghi nhận ngày 5/10 và mức giá thấp nhất năm ghi nhận ngày 2/1 tại 1.531 USD/oz. Dù có nhiều phiên dậy sóng, nhưng trong năm qua, giá vàng chưa một lần vượt mốc 1.800 USD/oz.

http://www.giavang.net/wp-content/uploads/2013/01/vang20122.jpg

Biểu đồ biến động giá vàng năm 2012 (Theo WGC)

Biểu đồ cho thấy, giá vàng có một vài lần thách thức ngưỡng 1.800 USD/oz trong năm nay. Hồi cuối tháng 2, giá lên 1.781 USD/oz khi các bộ trưởng tài chính châu Âu nhất trí thông qua gói cứu trợ 130 tỷ euro cho Hy Lạp. Sau đó, giá vàng lập mức đỉnh mới trong năm ở 1.791,8 USD/oz vào đầu tháng 10 khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cam kết mua trái phiếu để cứu trợ các nước eurozone khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Giá vàng được hỗ trợ năm nay còn nhờ lực mua vào của các ngân hàng trung ương. Những nước tăng dự trữ nhiều vàng nhất năm nay tiêu biểu như Brazil, Iraq, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ước tính các ngân hàng trung ương mua vào khoảng 500 tấn vàng năm nay, so với 465 tấn năm ngoái.

Ngân hàng trung ương các nước tăng cường nắm giữ vàng trong năm nay nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn.

Cũng trong năm nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tung gói nới lỏng tiền tệ lần 3 (QE3) và ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới tăng cường kích thích kinh tế, một động lực lớn đẩy giá vàng tăng.

Bên cạnh đó, những bất ổn xoay quanh khủng hoảng nợ châu Âu mà tâm điểm là Hy Lạp và Tây Ban Nha hay những căng thẳng gia tăng tại Trung Đông cũng thúc đẩy nhà đầu tư mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ tín thác trong năm qua cũng tăng mạnh 12% lên 2.630,9 tấn phiên ngày 21/12.

Năm 2012 tiếp tục là năm nhiều sóng gió đối với các tập đoàn khai thác vàng

Tháng 9 năm nay, hàng loạt các cuộc đình công vũ trang quy mô lớn đã nổ ra tại các mỏ vàng của Nam Phi do tranh chấp về vấn đề tiền lương. Sản lượng vàng Nam Phi đã giảm đến 50% do đình công làm gián đoạn sản xuất. Các tập đoàn lớn như Gold Fields, Anglo Gold, Harmony Gold…là những tập đoàn chịu thiệt hại lớn do các cuộc đình công năm nay.

Châm ngòi cho hàng loạt các cuộc đình công mỏ vàng là cuộc đình công diễn ra tại mỏ bạch kim Marikana tại Nam Phi kéo dài 6 tuần từ cuối tháng 8. Cuộc đình công này kết thúc bằng việc tập đoàn Lonmin – chủ sở hữu mỏ Marikana phải thỏa hiệp tăng lương cho công nhân.

Từ năm 2011, ngành khai thác vàng Nam Phi liên tục đối mặt với các cuộc đình công lớn nhỏ khi các cuộc đàm phán tăng lương giữa công nhân mỏ và các chủ tập đoàn thất bại.

Các tập đoàn khai thác mỏ tại Nam Phi trong vài năm trở lại đây liên tục đối mặt với lạm phát tiền lương và chi phí điện tăng cao. Chi phí năng lượng tăng 26% trong năm 2011 sau khi tăng 25% vào năm 2010.

Trong khi đó, các tập đoàn vàng đang gặp phải một thách thức lớn hơn đó là vấn đề khai thác ngày càng khó khăn, trữ lượng các mỏ ngày càng cạn kiệt.

Barrick Gold, tập đoàn sản xuất vàng lớn nhất thế giới cho biết, số mỏ vàng được phát hiện ngày càng ít trong khi chi phí thăm dò lên kỷ lục.

Giám đốc điều hành Barrick Gold cho biết, năm ngoái tập đoàn này chỉ phát hiện thêm được 3 mỏ vàng mới, so với 11 mỏ phát hiện được vào năm 1991. Trong số 3 mỏ này, không mỏ nào có trữ lượng thuộc loại “siêu lớn” hay nắm giữ quá 20 triệu ounce vàng.

Trong khi đó chi phí thăm dò của tập đoàn đã lên kỷ lục 8 tỷ USD và chi phí trung bình để sản xuất một ounce vàng tăng vọt 23% lên 584,7 USD vào năm 2011.

Barrick Gold cũng cho biết, ngày càng khó phát hiện những vỉa quặng vàng trữ lượng lớn và để đưa những vỉa quặng này vào khai thác cũng mất ít nhất gấp đôi thời gian so với một thập kỷ trước.

Theo ngân hàng Barclays, tổng sản lượng vàng toàn thế giới năm 2013 dự báo sẽ đạt 4.308 tấn so với ước tính 4.323 tấn năm nay. Với tình hình trên, Barrick Gold dự đoán đà tăng giá của vàng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trung Quốc tăng cường thâu tóm các mỏ vàng nước ngoài

Năm 2012 đánh dấu nhiều thương vụ thâu tóm các mỏ vàng nước ngoài bởi Trung Quốc, nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chỉ ra Trung Quốc có tham vọng thâu tóm ngày càng nhiều vàng hơn trên thế giới.

Trong năm 2012, tập đoàn vàng quốc gia Trung Quốc, nhà sản xuất vàng lớn nhất nước này tuyên bố sẽ mua lại 74% cổ phần chi nhánh châu Phi của Barrick Gold – tập đoàn vàng lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, trong năm 2012, hàng loạt các công ty khai thác vàng có tên tuổi của Trung Quốc như Shandong Gold, Zijing Mining và Zhaojin Mining cũng tuyên bố kế hoạch thâu tóm các mỏ vàng nước ngoài.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp khai thác toàn cầu thiếu vốn do tác động khủng hoảng kinh tế, các tập đoàn khai thác Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để ồ ạt đầu tư ra nước ngoài.

Hiệp hội khai thác mỏ Trung Quốc cho biết, riêng trong nửa đầu năm 2012, các công ty Trung Quốc đã có 64 thương vụ đầu tư khai thác mỏ tại hơn 32 quốc gia.

Nguồn tài nguyên trong nước không đủ phục vụ nhu cầu là một nguyên nhân thúc đẩy các công ty mỏ mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Công nghệ thăm dò khai thác ngày càng hiện đại giúp họ dễ dàng làm được điều này.

Bên cạnh đó, an ninh tiền tệ là một động lực khác thúc đẩy các công ty Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Việc đầu tư khai thác mỏ xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ có thể giúp nước này tránh khỏi rủi ro tỷ giá khi thị trường tài chính có những biến động lớn, chẳng hạn như Mỹ tung gói nới lỏng tiền tệ.

Trong năm nay, Trung Quốc cũng thể hiện tham vọng mở rộng hơn nữa thị trường kim loại quý trong nước với kế hoạch đầu tiên là khởi động một thị trường liên ngân hàng, sau đó là mở các quỹ tín thác vàng, mở rộng thị trường vàng trang sức trong nước…

Ấn Độ hạn chế nhập khẩu vàng

Trái với xu hướng tăng mua vàng của nhiều nước, chính phủ Ấn Độ trong năm 2012 lại áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu nhập khẩu vàng do đây là một nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này.

Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) cho biết, trong giai đoạn 2010 – 2011, nước này đã chi gần 33,8 tỷ USD để nhập vàng. Từ giai đoạn 2001 – 2002 đến nay, hóa đơn nhập khẩu vàng của nước này đã tăng gấp 8 lần.

So sánh nhu cầu vàng và quy mô nền kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ – 2 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, báo cáo chỉ ra nhu cầu vàng của Ấn Độ cao hơn 37,6% so với Trung Quốc trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc bằng 3,5 lần so với của Ấn Độ. GDP của Mỹ đạt 14 nghìn tỷ USD – gấp 10 lần so với Ấn Độ, nhưng nhu cầu vàng của nước này chỉ bằng 1/5 của Ấn Độ.

Để hạn chế nhập khẩu vàng, tháng 1 năm nay, chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu lên 2%,từ mức thuế cố định 300 rupee/10g vàng. Trong tháng 3, Ấn Độ tiếp tục tăng gấp đôi thuế đánh vào vàng xu và vàng thỏi, lên 4%.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng áp dụng những hình thức khác như cấm các ngân hàng Ấn Độ cho vay mua vàng, khuyến khích người dân nắm giữ vàng qua các quỹ tín thác…

Nhu cầu vàng Ấn Độ ước tính giảm khoảng 170 tấn năm nay, xuống còn khoảng 800 tấn do các biện pháp hạn chế. Ngoài ra, việc đồng rupee mất giá so với USD cũng đẩy giá vàng nội địa Ấn Độ lên kỷ lục và làm giảm sức mua.

Triển vọng nào cho giá vàng trong năm 2013?

Sau đợt suy yếu của giá vàng vào cuối năm nay, một số ngân hàng đã hạ dự báo giá vàng trong năm 2013 dù hầu hết vẫn giữ quan điểm về triển vọng đi lên của giá.

Ngày 14/12, Barclays Capital, một công ty con của ngân hàng Barclays, đã điều chỉnh giảm dự báo giá vàng 2013 xuống mức trung bình 1.815 USD/ounce.

Nếu như hồi đầu năm nay Goldman Sachs từng dự báo giá vàng trong năm tới sẽ lên 1.940 USD/ounce thì trong dự báo mới nhất hôm 6/12, ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo giá vàng 2013 về 1.810 USD/ounce. Goldman Sachs cũng nhận định giá vàng có thể lập đỉnh mới vào năm 2013 và sau đó đảo chiều đi xuống, theo đó giá vàng trong năm 2014 được dự báo lùi về mức trung bình 1.750 USD/ounce.

Theo Goldman Sachs, trong ngắn hạn, nhiều khả năng giá vàng sẽ được hưởng lợi từ việc có thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ giữa lúc tăng trưởng kinh tế yếu. Dù vậy trong trung hạn triển vọng giá vàng sẽ là sự giằng co giữa các chính sách nới lỏng của Fed và sự tăng dần trong lãi suất thực của Mỹ khi kinh tế nước này khởi sắc.

Tương tự, ngân hàng BNP Paribas của Pháp hôm 6/12 cũng dự báo giá vàng thế giới 2013 sẽ ở mức trung bình 1.865 USD/ounce, hạ 1,8% so với dự báo trước đó.

http://www.giavang.net/wp-content/uploads/2013/01/dubaovang2.jpg

Dự báo giá vàng trung bình năm 2013 của một số ngân hàng

Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều dự báo lạc quan hơn về triển vọng giá vàng năm 2013. UBS, ngân hàng hàng đầu của Thụy Sỹ cho rằng việc kinh tế Mỹ vẫn còn bất ổn cộng với khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục “bơm” tiền ra thị trường sẽ giúp giá vàng tăng trong năm tới, lên mức trung bình 1.900 USD/ounce. “Chúng tôi bảo lưu quan điểm giá vàng còn đi lên”, UBS khẳng định trong dự báo hôm 12/12.

Trong dự báo được phát đi hôm 11/12, ngân hàng hàng đầu nước Mỹ Bank of America cũng nhận định: “Chúng tôi cho rằng những chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của Fed và ECB sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn”. Theo đó mức đỉnh của năm 2013 được ngân hàng này dự báo là 2.000 USD/ounce.

Cùng quan điểm với nhận định này, ngân hàng HSBC khẳng định tin vào triển vọng đi lên của giá vàng mới mức trung bình trong năm 2013 là 1.850 USD/ounce, gần sát với mức dự báo 1.840 USD/ounce của ngân hàng Credit Suisse. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức trong dự báo hồi tháng 11 còn tin rằng giá vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce trong năm tới.