Những đợt biến động tiền tệ mạnh nhất hơn 4 thập kỷ qua
(Tài chính) Kể từ sau sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods năm 1971, thị trường tiền tệ thế giới đã trải qua không ít những đợt biến động mạnh.
1. Khủng hoảng Tequila tại Mexico tháng 12/1994
Vào thời điểm đó, đồng peso Mexico nhanh chóng lao dốc do ảnh hưởng từ những đợt nâng lãi suất của Mỹ. Chỉ trong vòng 3 tháng, đồng nội tệ Mexico giảm 53% so với USD, thúc đẩy làn sóng rút vốn lan rộng trên khắp các thị trường tài chính của khu vực Mỹ Latin. Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
2. Khủng hoảng tiền tệ tại Thái Lan tháng 7/1997
Theo đó, đồng baht đã giảm 48% chỉ trong 6 tháng cuối năm 1997 sau khi ngân hàng trung ương Thái Lan cố tình làm suy yếu nội tệ nhằm phục hồi nền kinh tế đang suy yếu trầm trọng. Trước đó, Thái Lan cũng từng áp dụng biện pháp này vào năm 1984. Đây được xem là một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách tiền tệ tại châu Á.
3. Khủng hoảng tài chính châu Á tháng 10/1998
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính này, nội tệ của Nhật Bản tăng rất mạnh so với các đồng tiền lớn khác khi các quỹ phòng hộ liên tục đổ vốn vào yên để kinh doanh chênh lệch lãi suất. Theo đó, yên đã tăng 7,2% chỉ trong 1 phiên giao dịch và tăng 16% trong cả tuần đó.
4. Xung đột chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2001
Cuộc xung đột chính trị giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Necdet Sezer và Thủ tướng Bulent Ecevit năm 2001 đã kích hoạt dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi nước này. Kết quả là, nợ công của Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh và hơn 20 ngân hàng bị phá sản. Đồng lira cũng theo đó giảm 54% giá trị trong cả năm 2001 và lạm phát vọt lên 69% tính đến tháng 12/2001.
5. Khủng hoảng nợ của Argentina tháng 6/2002
Trên thực tế, Argentina bắt đầu chật vật với "núi" nợ từ năm 1999 khi ngân hàng trung ương nước này áp dụng trần tỷ giá 1-1 với USD, khiến doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Cùng thời điểm, Brazil - đối tác thương mại lớn nhất của Argentina - cũng đang cố gắng làm suy yếu nội tệ. Trong bối cảnh này, Tổng thống tạm quyền Adolfo Rodriguez Saad của Argentina đã phải tuyên bố vỡ nợ 95 tỷ USD vào tháng 12/2001. Trong vài tuần sau đó khi ngân hàng trung ương Argentina quyết định loại bỏ trần tỷ giá, nội tệ (peso) đã giảm 74% tính đến tháng 6/2002.
6. Khủng hoảng tiền tệ tại Nga tháng 12/2014
Ruble đã giảm 34% chỉ trong 3 tuần tính đến giữa tháng 12/2014 do đà lao dốc của giá dầu và loạt đòn trừng phạt của phương Tây. Kết quả là trong năm 2014, ngân hàng trung ương Nga buộc phải chi 95 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối và 5 lần nâng lãi suất để ngăn đà lao dốc của ruble.
7. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ bỏ trần tỷ giá với euro tháng 1/2015
Động thái bất ngờ của ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã đẩy franc tăng giá kỷ lục 41% trong ngày 15/1, ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất trong lịch sử tiền tệ kể từ năm 1971. Cũng giống như yên, franc hiện là một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thị trường tiền tệ và là tài sản trú ẩn cho giới đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng.