Những dự báo “trật lất” về kinh tế thế giới trong năm 2012
Hy Lạp sẽ rời Eurozone, vàng chạm mốc 2.000 USD/ounce, Mỹ gặp bong bóng trái phiếu... tất cả những dự đoán này đã không thể trở thành sự thực.
1. Cơn sốt IPO Facebook
Thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 16 tỷ USD của Facebook trở thành hiện tượng gây sốt không chỉ trên TTCK Mỹ mà còn trên cả thế giới. Tuy nhiên, thương vụ IPO lớn thứ 3 của nước Mỹ đã nhanh chóng thất bại thảm hại.
Với lượng người dùng đạt con số 1 tỷ - tương đương khoảng 40% số người dùng Internet trên toàn cầu – mạng xã hội lớn nhất thế giới đã thổi phồng tiềm năng lợi nhuận. Mức giá mục tiêu được nâng từ khoảng 28 – 35 USD/cổ phiếu lên 34 – 38 USD/cổ phiếu chỉ 3 ngày trước phiên IPO.

Mặc dù đã phục hồi với các đợt mở khóa không dẫn đến làn sóng bán tháo ồ ạt, Facebook đã phần nào trấn an được nhà đầu tư. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng hiện vẫn ở mức thấp so với giá IPO.
2. Trung Quốc hạ cánh cứng
Một vài tháng tăng trưởng sụt giảm cùng với thị trường nhà đất lao dốc khiến nhiều người cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang hướng đến 1 cú “hạ cánh cứng” trong năm 2012.
Hồi cuối năm 2011, nhiều nhà đầu tư trong đó có cả những ông trùm quỹ đầu cơ kỳ cựu như Jim Chanos hay Marc Faber đã cho rằng Trung Quốc có thể hạ cánh cứng. Thậm chí, Chanos còn cho rằng kịch bản này đã bắt đầu diễn ra.

Tuy nhiên, những số liệu gần đây nhất cùng với cuộc chuyển giao quyền lực trơn tru trong tháng 11 khiến tình hình chuyển sang chiều hướng tích cực, báo hiệu Trung Quốc đã thoát khỏi kịch bản hạ cánh cứng. Tăng trưởng được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ, đạt hơn 8% trong quý IV.
3. Hy Lạp rời Eurozone
Nếu lời dự đoán này đã trở thành hiện thực, thị trường tài chính toàn cầu chắc chắn sẽ rất khác biệt so với hiện nay.
Cuộc bầu cử hồi tháng 5 với sự vươn lên mạnh mẽ của đảng phản đối gói cứu trợ làm dấy lên dự đoán cho rằng chắc chắn Hy Lạp sẽ rời eurozone. Rất nhiều chuyên gia, trong đó có cả Mohammed El-Erian - CEO của quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới (PIMCO) – thậm chí cho rằng Hy Lạp ra đi là điều không thể tránh được. Ông nhấn mạnh nhà đầu tư nên bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản này.

Từ Grexit vốn được dùng để ám chỉ sự ra đi của Hy Lạp cũng dần biến mất.
4. Cơn sốt vàng
Nhà đầu tư đã dự báo giá vàng sẽ đạt mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, tháng 12 đã gần kết thúc và giá vàng vẫn còn cách mốc đặt ra 300 USD.
Sở dĩ nhà đầu tư dự đoán như vậy là bởi họ cho rằng các gói kích thích kinh tế được các NHTW tung ra hàng loạt sẽ thúc đẩy chi tiêu và làm lạm phát gia tăng. Điều đó khiến nhà đầu tư đổ xô về tài sản phòng vệ là vàng. Tuy nhiên, dự báo này không trở thành hiện thực. Vàng đã giảm giá 2,5% kể từ khi gói QE3 được tung ra hôm 13/9.

5. Bong bóng trái phiếu
Thị trường trái phiếu Mỹ sắp sụp đổ, tín phiếu kho bạc Mỹ sẽ bị hạ xuống mức “rác”… Đó là những dự đoán mà giới phân tích đưa ra trong suốt năm 2012.
Các bình luận này càng rộ lên khi Fed thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, giữ lãi suất ở mức siêu thấp để có thể vực dậy nền kinh tế. Thêm vào đó, khủng hoảng nợ eurozone cùng triển vọng bấp bênh của kinh tế toàn cầu khiến nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào trái phiếu Mỹ, đẩy lợi suất xuống mức thấp kỷ lục. Lượng trái phiếu phát hành trong năm 2012 cũng gần bằng với mức cao kỷ lục hồi năm 2007 – trước khi khủng hoảng xảy ra.

Nguy cơ lạm phát vẫn còn nhưng điều lo lắng đã không xảy ra. Chừng nào nền kinh tế chưa phục hồi, Mỹ vẫn phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
6. Kinh tế Mỹ tiếp tục rơi vào suy thoái
Thời kỳ suy thoái mới nhất của nước Mỹ là từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2009. Sự hồi phục của nền kinh tế bị chao đảo trong năm 2010, khi GDP chỉ tăng trưởng 2,4%. Năm 2011, GDP tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1,8%.
Tháng 10 năm ngoái, nhà kinh tế học Nouriel Roubini, người đã dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho rằng Mỹ sẽ cùng với eurozone quay trở lại suy thoái trong 2 quý đầu của năm 2012. Hồi tháng 6, cựu Tổng thống Bill Clinton cho rằng kinh tế Mỹ thực ra đã ở trong thời kỳ suy thoái.

7. Euro ngang giá với USD
Sự bất ổn của eurozone khiến đồng euro bị bán tháo và một số người dự báo rằng đồng tiền chung của 17 nước sẽ giảm xuống mức ngang bằng với đồng bac xanh.

Hồi tháng 3, Nouriel Roubini cũng cho rằng đồng euro cần phải giảm giá để có thể phục hồi tăng trưởng ở các nước ngoại vi. Tuy nhiên, giới phân tích cũng lập luận rằng đồng euro sụp đổ sẽ là tin cực xấu cho các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.