Những lưu ý khi mua nhà trả góp
Sở hữu ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp” là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng” như hiện nay. Vì thế, nhiều người chọn giải pháp mua nhà trả góp.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định này, bạn phải chắc chắn có từ 30 - 50% giá trị căn nhà cùng một nguồn thu nhập ổn định, lâu dài về sau. Nhưng chưa đủ, hãy cùng chúng tôi tham khảo thêm những tiêu chí khác giúp bạn không phải chật vật để xoay tiền hàng tháng hay tệ hại hơn là bán tháo căn nhà để trả nợ.
1. Khoản tiền tích lũy
Muốn mua bất cứ thứ gì cũng cần chuẩn bị tiền. Với một căn nhà, bạn cần tối thiểu có được khoản tiền tích lũy từ 30 - 50% giá trị căn nhà tính mua. Phần còn lại sẽ vay mượn, tuy sẽ là một áp lực tài chính nhưng với mức vay 50% giá trị tài sản thì cũng không quá căng thẳng hay nặng nề.
2. Thuộc nguyên tắc cơ bản khi vay ngân hàng
Nên nhớ “vốn thì cố định, nhưng lãi vay ngân hàng thì luôn thả nổi”. Điều này có nghĩa là khoản vay mua nhà được xếp vào khoản cho vay tiêu dùng nên có mức lãi cao. Nhiều ngân hàng chào lãi suất với mức 8,5 - 9%/năm nhưng mức này chỉ được áp dụng trong 6 - 12 tháng đầu, từ tháng 13 trở đi là cao hơn mức cũ 4%. Vì vậy, cần tìm hiểu và tham khảo kỹ thông tin lãi suất thay đổi cho các năm trước khi quyết định vay tiền.
3. Đối phó với lãi suất thả nổi
Bạn phải đưa ra giả định rằng nếu lãi suất có tăng lên 30% cùng một số chi phí tăng đột biến, bất ngờ thì vẫn có thể đối phó được. Sau khi trừ mọi khoản chi tiêu trong gia đình, số tiền còn lại phải đảm bảo 150% số tiền phải trả ngân hàng. Tức là nếu trả 8,8 triệu đồng/tháng thì số tiền dư thực tế của bạn phải là 13,2 triệu đồng/tháng để nếu lãi suất có tăng thì vẫn trả được.
4. Lưu ý các điều khoản lãi suất phạt trả nợ trước hạn
Trong những tháng đầu, năm đầu, ngân hàng thường thu lãi suất thấp, những năm sau đó mới bắt đầu thu lãi cao. Tuy nhiên, có hơn 80% người vay thường thanh toán dứt nợ trong 5 năm đầu. Và vì thế, ngân hàng thường đưa ra các mức phạt gọi là phạt trả nợ trước hạn. Lãi suất càng thấp thì mức phạt càng cao để bù lỗ vào ưu đãi lãi suất ban đầu. Bạn cần lưu ý đến mức phạt từ 1 - 3%/ số tiền trả nợ trước hạn này.
5. Chọn mốc thời gian vay
Nguyên tắc khi vay ngân hàng là trên 5 năm thì mức lãi suất là như nhau. Vì thế, bạn chọn mốc thời gian càng lâu thì càng tốt, vừa giảm được số vốn gốc hàng tháng, vừa được hưởng mức lãi suất ít thay đổi, biến động.
6. Duy trì thu nhập
Nguồn thu nhập chính được duy trì ổn định sẽ giúp bạn trả nợ ngân hàng hàng tháng (cả lãi + vốn). Bên cạnh đó, nên kiếm theo nguồn thu nhập phụ để trang trải cuộc sống cũng như đảm bảo được rằng nếu lãi suất có tăng thì vẫn có khả năng trả nợ.
7. Mua nhà theo nhu cầu sử dụng
Đừng vì sĩ diện hay tham vọng mà mua một căn nhà thật to, thật rộng, thật hoành tráng ở một vị trí đẹp, trung tâm. Một khi đã mua nhà trả góp, mua nhà bằng cách vay tiền thì bạn đang phải gánh trên vai một món nợ khổng lồ cả lãi lẫn gốc. Do đó, tùy vào nhu cầu sử dụng, số lượng thành viên trong gia đình mà chọn một căn nhà có diện tích vừa phải, tọa lạc ở vị trí có thể thuận tiện cho việc đi lại, học tập, làm việc là được.
8. Mua bảo hiểm căn nhà
Khi bạn đang vay vốn ngân hàng thì cần có gì đó để đảm bảo các rủi ro về bất động sản. Vì thế, hãy mua bảo hiểm cho căn nhà với mức phí khá thấp, chỉ 0,14% giá trị căn nhà. Ví dụ căn nhà có giá 1,2 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm hàng tháng là 1,68 triệu đồng.