Những “nhà giàu” không chịu chia tiền cho cổ đông

Theo Đầu tư Chứng khoán

Nhiều công ty công bố lãi trong nhiều năm, nhưng không chia cổ tức tiền mặt, thậm chí lên kế hoạch không chia trong những năm kế tiếp. Diễn biến giá cổ phiếu đang cho thấy, nhà đầu tư trong phần lớn trường hợp không kỳ vọng nhiều vào tương lai của những “nhà giàu” này.

Những “nhà giàu” không chịu chia tiền cho cổ đông
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tham vọng tăng trưởng

Khối ngân hàng có nhiều “gương” lãi lớn nhưng không chia cổ tức nhất, khi mà hầu hết ngân hàng đều đang tập trung cho tăng trưởng, mà vẫn phải đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính đang ngày càng bị siết chặt.

Năm 2013, Vietinbank (CTG) tiếp tục dùng cổ phiếu chia cổ tức, thay vì bằng tiền mặt, tương tự năm 2011, trong khi năm 2012 đạt lợi nhuận sau thuế hơn 8.100 tỷ đồng. Hồi năm 2011, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng đã tuyên bố, trong giai đoạn 2011 - 2015, Vietinbank sẽ chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu. Việc này xuất phát từ chiến lược tăng vốn và tăng tổng tài sản liên tục giai đoạn này.

Tecombank với số lãi mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng cũng quyết định không chia cổ tức cho cổ đông, dù bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu, để phục vụ cho tham vọng tăng trưởng liên tục và trở thành ngân hàng hàng đầu vào năm 2014. CEO Simon Morris trong bài phỏng vấn hồi tháng 5/2012 nói: “Tôi thích tham vọng của họ [Hội đồng Quản trị và Chủ tịch Techcombank]”.

Cũng là một ngân hàng chú trọng tăng trưởng, Sacombank khiến cổ đông ghi nhớ rất rõ về “truyền thống” chia cổ tức bằng cổ phiếu gần như được thực thi suốt từ năm 2006 cho đến nay. Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2013 của ngân hàng này không nói rõ về cách chia 6% cổ tức từ số lãi gần 1.400 tỷ đồng năm 2012, mà chỉ nói về việc phát hành cổ phiếu tỷ lệ 14% để trả cổ tức cho số lợi nhuận gần 2.800 tỷ đồng của năm 2011.

Những “nhà giàu” không chịu chia tiền cho cổ đông - Ảnh 1

Dù những ngân hàng nêu trên luôn phát biểu về tầm nhìn dài hạn và tin tưởng rằng, nhà đầu tư sẽ nhận thấy giá trị tương lai của mình, nhưng thực tế, nhiều cổ đông tỏ ra không hào hứng. Giá cổ phiếu CTG chủ yếu dao động trong khoảng 16.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu suốt 3 năm qua, thấp hơn nhiều diễn biến giá cổ phiếu VCB của Vietcombank và thấp hơn hẳn giá dự kiến chào sàn của BIDV. Tương tự, giá tham khảo của cổ phiếu Tecombank trên thị trường OTC đã giảm dần xuống quanh 10.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá dao động từ 19.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu cách đây 2 năm.

Đối với “đại gia” ngành hàng tiêu dùng là Masan (MSN) thì mục đích không trả cổ tức lại khác. 4 năm liên tiếp, MSN từ chối chia cổ tức, dù bằng tiền hay cổ phiếu, trong khi mỗi năm báo cáo lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, nhưng việc giữ lại lợi nhuận là để phục vụ chiến lược thâu tóm, sáp nhập các công ty khác, nhằm mở rộng quy mô, thị phần, giúp giá cổ phiếu này tăng 50% từ đầu năm 2011, đạt mức giá đắt nhất nhì trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, VN-Index trong cùng thời gian này giảm nhẹ 0,5%.

Chật vật tích lũy

Cũng có nhiều doanh nghiệp khác có tham vọng tăng trưởng, nhưng sự đi xuống đột ngột của nền kinh tế khiến những công ty này đang phải chật vật tích lũy để duy trì ổn định hoạt động. Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) năm 2010 chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu, năm 2011 và 2012 không chia cổ tức. Tương ứng 3 năm đó là lợi nhuận sau thuế giảm dần từ 2.100 tỷ đồng xuống 1.300 tỷ đồng và hơn 360 tỷ đồng.

Cá biệt, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) nhiều năm không thể chia một đồng tiền mặt nào cho cổ đông, nhưng kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức lẫn cổ phiếu thưởng vẫn được đưa ra liên tiếp với tỷ lệ lớn. Đại hội cổ đông ITA cuối tuần qua đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% năm 2012 bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10%, sau khi đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 30% các năm 2010 và 2011.

Lợi nhuận của ITA “teo tóp” dần qua các năm: năm 2013 chỉ đạt hơn 33 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 năm 2011 và chỉ bằng 1/20 năm 2010. Giá cổ phiếu ITA hiện chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/cổ đông so với mức trên 20.000 đồng/cổ phiếu đầu năm 2009 (đã điều chỉnh kỹ thuật).

TÌNH HÌNH TRẢ CỔ TỨC CỦA CÁC CỔ PHIẾU

2010

2011

2012

CTG

17% bằng tiền mặt

20% bằng cổ phiếu và 9,6% cổ phiếu thưởng

12% bằng cổ phiếu

Dự kiến 2011 - 2015 trả toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu

Lợi nhuận sau thuế 3.414 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 6.259 tỷđồng

Lợi nhuận sau thuế 6.170 tỷđồng

STB

15% bằng tiền mặt

14% bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng

6% chưa chia

Lợi nhuận sau thuế 2.560 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 2.770 tỷ đồng (hợp nhất)

Lợi nhuận sau thuế 1.368 tỷ đồng (hợp nhất)

2006 - 2009: trả cổ tức bằng cổ phiếu

TCB


0%

0%


Lợi nhuận sau thuế 3.154 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 766 tỷ đồng

Kế hoạch 2010 - 2014 không chia cổ tức

HAG

15% bằng cổ phiếu

0%

0%

Lợi nhuận sau thuế 2.093 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 1.325 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng

ITA

10% cổ tức bằng cổ phiếu và 20% cổ phiếu thưởng

10% bằng cổ phiếu và 20% cổ phiếu thưởng

10% bằng cổ phiếu và 10% cổ phiếu thưởng

Lợi nhuận sau thuế 677,2 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 74,7 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 33,3 tỷ đồng

Dự kiến năm 2013 trả 10% cổ tức bằng cổ phiếu

MSN

0%

0%

0%

Lợi nhuận sau thuế 2.629 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 2.496 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế 1.963 tỷ đồng


Lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng


Cổ tức cổ phiếu là lãng phí thời gian

Trao đổi với phóng viên, ông David Kadarauch, Giám đốc Ngân hàng đầu tư của công ty chứng khoán Sài Gòn chia sẻ, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu ở Việt Nam diễn ra thường xuyên hơn bất cứ thị trường nào mà ông đã từng làm việc, bao gồm Mỹ, Anh, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Phần Lan và Cộng hòa Séc.

Mặc dù cho rằng, công ty không nhất thiết phải tối đa hóa dòng tiền cổ tức và cổ đông nên cho phép công ty giữ lại lợi nhuận trong trường hợp công ty có những mục tiêu có khả năng sinh lời cao để đầu tư, nhưng ông David nhấn mạnh, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu nhìn chung là không có giá trị và chỉ làm lãng phí thời gian của cổ đông.

Trong khi đó, cổ đông nhỏ chấp nhận im lặng, khi mà phần lớn công ty lớn ở Việt Nam đều có cổ đông nội bộ nắm tỷ lệ chi phối. Anh Trần Tài, quản trị diễn đàn đầu tư chứng khoán Vfpress có hơn 17.000 thành viên, chia sẻ về phản ứng của nhà đầu tư trước việc nhiều công ty có lãi nhưng không trả cổ tức và sự im lặng của họ: “Thực ra thì cổ đông không bao giờ hài lòng, họ đòi hỏi và sẽ luôn đòi hỏi cổ tức bằng tiền. Tuy nhiên, họ phải tự chấp nhận vì một trong những lý do: lượng cổ đông nội bộ biểu quyết không chia tiền cao hơn nhiều, doanh nghiệp thực sự cần vốn để phát triển, hoặc trường hợp tốt là giá cổ phiếu vẫn tăng đều, dù không chia cổ tức”.

“Nếu họ hài lòng thì họ theo doanh nghiệp, còn nếu không thì họ bán cổ phiếu”, anh Tài nói thêm. Nhiều nhà đầu tư cho biết, việc họ có tin tưởng vào công ty cùng với kế hoạch sử dụng lợi nhuận giữ lại của công ty đó hay không chỉ cần nhìn vào giá cổ phiếu là thấy.