Những tiến bộ về kỹ thuật lập hiến trong Hiến pháp năm 2013

ThS. Trần Việt Dũng

(Tài chính) Hiến pháp năm 2013 ra đời đã đánh dấu sự phát triển đối với nền lập pháp nước ta. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật lập hiến.

Những tiến bộ về kỹ thuật lập hiến trong Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 ra đời đã đánh dấu sự phát triển đối với nền lập pháp nước ta. Nguồn: internet

Cơ cấu chặt chẽ và hợp lý hơn

Chương I “Chế độ chính trị" ngoài việc quy định những vấn đề về chế độ chính trị như trong các hiến pháp trước đây, còn quy định thêm những nội dung quan trọng khác gắn liền với chế độ chính trị của quốc gia là quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô, ngày quốc khánh. Cơ cấu của Hiến pháp năm 2013 như vậy là gọn hơn và hợp lý hơn so với Hiến pháp 1992, nhưng vẫn quy định đầy đủ các nội dung cần thiết liên quan đến chế độ chính trị.

Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định ở Chương II, ở vị trí trang trọng sau Chương I “Chế độ chính trị", cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hiến pháp. Việc thay đổi vị trí của chương không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục, mà là một sự thay đổi về nhận thức, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển.

Cơ cấu Hiến pháp năm 2013 chặt chẽ và hợp lý hơn. Phạm vi những nội dung cần phải thể hiện trong Hiến pháp đầy đủ hơn, phù hợp hơn so với Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 bao gồm lời nói đầu, 11 chương với 120 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 ngắn gọn hơn (ít hơn 1 chương và 27 điều).
Những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường được quy định trong cùng Chương III, thay vì được quy định ở 2 chương (Chương II và Chương III) như trong Hiến pháp năm 1992, đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Hiến pháp năm 2013 chỉ có 6 điều quy định các vấn đề quan trọng, cơ bản nhất trong lĩnh vực kinh tế (trong lúc đó Hiến pháp năm 1992 dành cả chương II với 14 điều quy định trong lĩnh vực kinh tế). Mặc dù Chương II được quy định ngắn gọn hơn nhưng lại có thêm hai nội dung quan trọng là chính sách xã hội và bảo vệ môi trường.

Một cơ quan mới, lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp là Hội đồng bầu cử quốc gia. Việc có Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động thường xuyên, thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử.
 
Diễn đạt theo ngôn ngữ pháp lý

Nội dung của Hiến pháp năm 2013 mang tính khái quát cao với cách thể hiện cụ thể để Hiến pháp phát huy hiệu lực trong thời gian tương đối dài, vừa có quy định điều chỉnh trực tiếp vừa có quy định định hướng mang tính nguyên tắc. Các quy định của Hiến pháp được diễn đạt một cách rõ ràng, minh bạch theo ngôn ngữ pháp lý.

Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân một cách đầy đủ, chính xác, có tính khả thi và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc thừa nhận. Hiến pháp năm 2013 có sự phân biệt sự khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân. Những quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân được diễn đạt rất rõ ràng. Những điều, khoản quy định về quyền con người thường được ghi “Mọi người có quyền…”, những điều, khoản quy định về quyền công dân thường được ghi “Công dân có quyền…”.

So với các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 đã có bước tiến mới về kỹ thuật lập hiến trong việc quy định về bộ máy nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp với cách thức diễn đạt rất cụ thể, rõ ràng: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp” ; “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp”; “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Kỹ thuật lập hiến có vai trò quan trọng trong việc ban hành cũng như sửa đổi Hiến pháp; là nhân tố quan trọng làm cho Hiến pháp được thể hiện một cách khoa học, chặt chẽ; góp phần nâng cao chất lượng của Hiến pháp và bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực thi Hiến pháp sau khi ban hành hoặc sửa đổi. Với những tiến bộ về kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp mẫu mực trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 thực sự là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.