Niềm tin chính sách là lực hút kiều hối

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Năm 2014 dự báo lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, góp phần không nhỏ vào nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Đâu là lý do kiều hối chảy mạnh về Việt Nam và giải pháp nào nhằm duy trì nguồn ngoại tệ quan trọng này?

Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chủ đề này.

Niềm tin chính sách là lực hút kiều hối - Ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
Phóng viên: Vì sao dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam bất chấp khó khăn của kinh tế thế giới, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Mấy năm trở lại đây, dòng kiều hối đều có xu hướng tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước. Theo tôi, thành công đối với việc duy trì dòng kiều hối ổn định trong vài năm trở lại đây cần nhìn nhận ở hai vế.

Thứ nhất là về chính sách: Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi theo hướng quản lý ngoại hối chặt chẽ, chính sách vĩ mô của Việt Nam tốt hơn, thu hút được đồng bào người Việt ở nước ngoài. Cụ thể, kinh tế vĩ mô, lạm phát ổn định hơn đã tạo điều kiện hỗ trợ NHNN giữ ổn định được giá trị đồng VND so với đồng USD. Mặc dù, thị trường có những lúc thế này, thế kia nhưng về cơ bản chúng ta giữ ổn định.

Qua đó đã tạo lập niềm tin để cho bà con Việt kiều ở nước ngoài gửi tiền về Việt Nam. Một nhân tố quan trọng nữa là chính sách thu hút kiều hối ở các NH tốt hơn. Cơ chế linh hoạt của các NH trong cung cấp dịch vụ liên quan đến kiều hối không chỉ hấp dẫn mà còn khiến bà con thấy tin tưởng hơn khi chuyển tiền về.

Thứ hai là, thời gian qua, công tác tuyên truyền đối với người Việt ở nước ngoài đã làm tốt hơn, nên tình cảm yêu nước, ý thức đóng góp, trách nhiệm với gia đình của bà con Việt kiều đã trở thành tâm tư của nhiều người.

Lãi suất huy động USD  phải chăng là một trong lý do tác động dòng kiều hối về Việt Nam?

Ở đây, chúng ta phân tích rõ là lãi suất huy động USD thấp hơn so với mặt bằng lãi suất chung trên thế giới hay là so với lãi suất đồng VND? Nếu so với lãi suất huy động đồng USD với các nước G7 thì thấy rằng, lãi suất ở Việt Nam cao hơn hẳn. Cụ thể, so với lãi suất huy động USD tại Đức thì tại Việt Nam lãi suất này cao gấp đôi. Như vậy, rõ ràng không thể nói lãi suất huy động USD đang ở mức thấp. Còn nếu so với đồng VND thì đúng là lãi suất huy động USD thấp hơn. Nhưng, vì sao nó phải thấp hơn?

Bởi, chúng ta đều biết, Pháp lệnh Ngoại hối ban hành năm 2013 với hàng loạt sửa đổi nhằm quản lý ngoại hối chặt chẽ hơn, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, mục tiêu xa hơn tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. Vì lẽ đó, ở góc cạnh này thì không thể so sánh lãi suất đồng USD với VND. Lẽ đương nhiên, lãi suất đồng ngoại tệ sẽ phải thấp hơn đồng nội tệ.

Ông có bình luận gì về tác động dòng kiều hối đối với kinh tế vĩ mô và yêu cầu của chính sách?

Kiều hối đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ rất quan trọng cho các NH, giúp họ giảm áp lực, cân đối được nguồn vốn cho vay ngoại tệ, nhất là dịp cuối năm. Đặc biệt, đối với một đất nước vẫn đang nhập siêu nhiều thì lượng kiều hối sẽ đảm bảo cân bằng cán cân thương mại. Đây là đóng góp rất quan trọng của kiều hối. Thực tế chứng minh, nhiều năm nay, chúng ta không gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngoại hối, phần nào là nhờ dòng kiều hối đồng bào Việt kiều ở nước ngoài gửi về.

Để tiếp tục giữ kiều hối về Việt Nam, điều quan trọng là kinh tế trong nước và các chính sách đối với nguồn vốn này cũng phải ổn định. Có thể thấy rõ mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là chống đô la hóa, nâng cao giá trị VND nên sẽ không thể dễ dàng phá giá đồng VND. Bởi, sự ổn định chính sách tỷ giá có vai trò quan trọng trong chính sách thu hút kiều hối.

Tôi thấy “ứng xử” trong điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua, mà gần đây nhất là hồi đầu tháng 11/2014 là hoàn toàn đúng đắn. Tôi cho rằng, NHNN làm đúng chức năng nhiệm vụ quản lý, nâng cao giá trị đồng VND. Còn với giá cả ngoại tệ thì có lúc lên lúc xuống do tâm lý, dao động trong một chừng mực nhất định do tính thời vụ là điều phải chấp nhận.

Nhất là thông lệ năm nào cũng vậy, cuối năm giao dịch ngoại tệ thường tăng để thanh toán đơn hàng, nhập khẩu hàng... Chúng ta không nên áp đặt tư duy kế hoạch hóa trước đây. Vì chúng ta đã, đang phát triển theo nền kinh tế thị trường luôn vận động có tăng có giảm. Và giá cả ngoại tệ, như tôi nói ở trên, hãy để thị trường lên tiếng.

Xin cảm ơn ông!