“Niềm tin với ngân hàng ngày càng tăng”
(Tài chính) “Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong mọi mặt của nền kinh tế, trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng một lộ trình rất rõ ràng nhằm cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng. Chúng tôi nhận thấy niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng ngày càng tăng, số dư tiền gửi vào hệ thống rất dồi dào”.
Chính sách đang đi đúng hướng
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá đây là một bước tiến dài đối với Việt Nam: “Đó là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đạt được trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, vì đấy là lý do chính cho việc nâng hạng. Nếu đọc bản báo cáo của Fitch, chúng ta sẽ thấy kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, khu vực đối ngoại mạnh hơn, xuất khẩu đẩy mạnh, môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh hơn trước đã giúp củng cố việc xếp hạng tín nhiệm.
Theo bản báo cáo của Fitch, tổ chức này đã đánh giá xếp hạng tín nhiệm phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam lên một bậc, từ mức "B+" thành "BB-". Đồng thời, mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cũng được nâng từ mức "B+" lên mức "BB-"; triển vọng dài hạn ở mức ổn định; mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng từ mức "B+" lên mức "BB-" và chỉ số IDR bằng ngoại tệ ngắn hạn duy trì ở mức "B".
Bà Victoria Kwakwa cho rằng đây vừa là thành tích của Chính phủ Việt Nam, nhưng cũng đồng thời là thành tựu của NHNN vì cơ quan này có trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ. Nhìn lại kết quả điều hành của NHNN trong thời gian qua, bà Victoria Kwakwa phân tích: “Lạm phát giảm từ hai con số xuống một con số và thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tăng trưởng tín dụng đã đi từ chỗ tăng trưởng “ảo” đến phát triển thực chất trong vòng 2 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh lãi suất của NHNN cũng trở nên khả quan hơn, khu vực ngoại hối cũng trở nên mạnh hơn”.
Chia sẻ thêm, bà Victoria Kwakwa cho biết, khoảng 3 năm về trước đã có một vài tin đồn về hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ hoặc đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng điều đó đã không xảy ra, khủng hoảng đã được kiểm soát, chức năng giám sát của ngân hàng được củng cố, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. “Chính sách đang đi đúng hướng”, bà Kwakwa nói.
Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài
Ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Citibank cho hay, trong số những lý do mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra trong báo cáo nâng hạng cho Việt Nam có tiêu chí về ổn định kinh tế vĩ mô; sự nhận diện và kiểm soát những rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và khu vực đối ngoại mạnh hơn. Theo ông, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong mọi mặt của nền kinh tế, trong đó, NHNN đã xây dựng một lộ trình rất rõ ràng nhằm cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng. “Chúng tôi cũng nhận thấy niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng ngày càng tăng, dù lãi suất huy động giảm nhưng số dư tiền gửi vào hệ thống vẫn rất dồi dào”.
Ngay sau đó, một loạt ngân hàng của Việt Nam cũng lần lượt được nâng hạng. Cụ thể: Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank lên “tích cực”. Moody's cũng giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VietinBank, BIDV ở mức “B1” và của SHB ở mức “B3”. Triển vọng của 3 ngân hàng này vẫn được Moody’s giữ nguyên ở mức “ổn định”.
Ông Dennis Hussey đánh giá cao việc Việt Nam liên tục được nâng hạng tín nhiệm, nhất là vào thời điểm Chính phủ Việt Nam chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế có thời hạn 10 năm bằng USD. “Đây là động thái hết sức tích cực, và các nhà đầu tư nước ngoài họ đã thấy ở Việt Nam cơ hội để đa dạng hóa đầu tư, và cơ hội để kiếm lời”.