“Nỗ lực” của nhóm Blue-chips
(Tài chính) Phiên giao dịch ngày 12/3 chứng kiến nỗ lực của nhóm Blue-chips sàn TP. Hồ Chí Minh khi đồng loạt đảo chiều tăng giá, giúp cho chỉ số chính theo đó cũng đảo chiều tăng điểm.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tại nhóm VN30, số lượng các mã tăng giá và giảm giá lần lượt là 14 và 5. Đáng chú ý, trong phiên hôm nay, hầu hết các cổ phiếu giá trị vốn hóa lớn trong nhóm VN30 tăng giá đều từng có thời điểm phải lùi xuống khớp lệnh ở các mức giá đỏ.
Danh sách cổ phiếu Blue-chips tăng điểm bao gồm BVH, FLC, GMD, MSN, VCB, VIC… Ở chiều ngược lại, nhóm các mã giảm giá bao gồm FPT, HPG, HSG, PVD.
Không được như sàn TPHCM, bên sàn Hà Nội, mặc dù có số mã tăng giá gấp đôi số mã giảm (8 và 4) nhưng do số lượng các mã đứng giá tham chiếu là quá nhiều (18 cổ phiếu) nên chỉ số HNX30-Index chỉ có được mức tăng nhẹ là 0,03 điểm. Điều này không tạo được một lực kéo cần thiết để giúp cho chỉ số chính sàn HNX vươn lên tăng điểm giống như VN-Index.
Thị trường đóng cửa, VN-Index dừng lại tại mốc điểm 588,53; tăng nhẹ 1,99 điểm (0,34%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 82,74 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 1.414,44 tỷ đồng. Số mã tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 110, 88 và 85.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên ở điểm số 85,87; giảm 0,14 điểm (0,17%). Tổng thanh khoản toàn sàn đạt 30,42 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 439,06 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá, đứng giá tham chiếu và giảm giá là 84, 102 và 70.
Như vậy ngay sau phiên giảm điểm ngày hôm qua, đến hôm nay, chỉ số chính sàn TPHCM đã lập tức trở lại tăng điểm. Tuy vậy, một số nhà đầu tư không đánh giá cao phiên tăng điểm hôm nay vì trên thực tế, không khí giao dịch chung trên cả hai sàn vẫn bao trùm sự ảm đạm. Nếu không có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu giá trị vốn hóa lớn thì nhiều khả năng VN-Index khó có thể đảo chiều tăng điểm. Cùng với đó, thanh khoản trên cả hai sàn vẫn đang duy trì ở mức khá thấp, cho thấy đa số nhà đầu tư vẫn đang duy trì sự thận trọng ở mức độ cao.
Trong bối cảnh như vậy, nhóm cổ phiếu bao gồm: CMG, ELC, CDO, HU3, ITD (HoSE) và VNT, L14, TTB, NHP, APG đã thu hút được rất nhiều những sự chú ý khi tăng hết biên độ cho phép. Đặc biệt, đây đã là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của mã NHP sau khi chính thức niêm yết trên sàn Hà Nội vào ngày hôm qua, 11/3.
Một số nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới NHP không chỉ vì mã này vừa lên sàn sau đó liên tục tăng trần mà còn là vì Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty này chính là ông Lê Xuân Nghĩa, một người rất quen thuộc đối với mảng Tài chính-Ngân hàng.