Nợ xấu tiếp tục gia tăng

Thùy Liên - VIR

Phương án thành lập công ty mua bán nợ xấu đang bị hoãn lại, trong khi ngân hàng vẫn lúng túng để tìm cách giải quyết nợ xấu hiện hữu và đối phó với sự gia tăng các khoản nợ xấu mới.

Nợ cũ chưa giảm, nợ mới gia tăng

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 6/2012, nợ xấu trên địa bàn TP. Hà Nội đã lên tới 5,12%, cao hơn tỷ lệ nợ xấu của cả nước và cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tại TP.HCM, con số nợ xấu chưa được tiết lộ, song chắc chắn con số này không nhỏ. Bằng chứng là, dù là đầu tàu kinh tế của cả nước, song trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của TP.HCM vẫn âm 0,04%, trong khi tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tăng 0,756%. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia khẳng định: “Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của hệ hống ngân hàng tiếp tục gia tăng với tốc độ ngày càng lớn. Tình trạng nợ xấu là nguyên nhân trực tiếp làm suy kiệt thanh khoản của nền kinh tế và tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế ngày càng nghiêm trọng”.

Cũng phải nói thêm rằng, con số nợ xấu được công bố hiện nay không nhất quán. Phát biểu trước Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua, Thống đốc NHNN khẳng định, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới 10%. Tuy nhiên, thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng vừa qua, lãnh đạo NHNN lại cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 5/2012, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành là 4,47%.

Chưa rõ con số nợ xấu chính xác là bao nhiêu, song các đánh giá gần đây của NHNN, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và của các công ty xếp hạng quốc tế đều cho rằng, thực tế tỷ lệ nợ xấu trên dưới 10% và còn tiếp tục gia tăng. “Tình trạng nợ xấu lớn, tiếp tục gia tăng, đã và đang là nguyên nhân gây bất ổn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, gây đóng băng tín dụng, buộc các ngân hàng thương mại phải tiếp tục cho vay với lãi suất cao, dù lãi suất đầu vào và lạm phát đã giảm mạnh”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế thừa nhận, dù NHNN đã có chủ trương xử lý nợ xấu, song các ngân hàng vẫn phải đối diện với thực tế là rất khó thu hồi nợ xấu. Ông Vũ cũng dự báo, nợ xấu còn tăng mạnh từ nay đến cuối năm.

Nhiều cách xử lý nợ xấu

Ý tưởng thành lập công ty mua bán nợ xấu của NHNN có thể sẽ không trở thành hiện thực sau một thời gian bị dư luận xã hội phản biện là công ty này chỉ có lợi cho phía ngân hàng. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Ngành kế hoạch và đầu tư mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành ngân hàng làm rõ thực chất nợ xấu và xem xét xử lý ngay nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro, mà không chờ thành lập công ty mua bán nợ. 

Có khả năng, phương án chính thức về việc xử lý nợ xấu sẽ được Chính phủ đưa ra trong tháng 8 tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, có rất nhiều phương pháp để xử lý nợ xấu, không nhất thiết phải thành lập công ty mua bán nợ xấu.

TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia nhận xét: “Có rất nhiều cách xử lý nợ xấu, thành lập công ty mua bán nợ chỉ là một cách làm. Quá trình xử lý nợ xấu phải là tổng hợp các giải pháp đồng bộ,  mua - bán chỉ là một khâu trong đó. Vì vậy, xử lý nợ xấu cần bàn bạc, nghiên cứu kỹ và nên kết hợp các giải pháp khác nhau”.

Về giải pháp cụ thể, ông Bùi Khắc Sơn, Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho rằng: “Nên nghiên cứu để tận dụng tốt nguồn lực của các thiết chế đã được thành lập như Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Bảo hiểm Tiền gửi để xử lý nợ xấu. Đồng thời, cho phép sự tham gia tích cực hơn của các tổ chức tài chính nước ngoài”. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khuyến nghị, để xử lý nợ xấu, các bộ, ngành cần hỗ trợ ngân hàng tốt hơn trong việc xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước và tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản thế chấp.

“NHNN cũng cần phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét lại các quy định về giao dịch bảo đảm, giúp ngân hàng thu nợ tốt hơn. Hiện nay, để bán tài sản thế chấp (thường là bất động sản), ngân hàng phải mất 3 - 5 năm, thời gian quá dài khiến ngân hàng gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu. Ngoài ra, Chính phủ cần xử lý nhanh hơn nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như Vinashin để doanh nghiệp có niềm tin trong cấp tín dụng”, ông Hàn Ngọc Vũ kiến nghị.