Nỗi lo cái gì cũng yếu
(Tài chính) Năm 2014 sẽ là năm nhiều hứa hẹn cho hoạt động mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường mậu dịch tự do. Trong số đó phải kể đến hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), hiệp định Đối tác xuyên châu Á – Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, “cơ hội” vẫn chỉ là lý thuyết ngành thuyết kinh tế học quốc tế.
“Chơi” FTA phải có ngành kinh tế mũi nhọn
Thực tế, khi bước vào một sân chơi chung mang tính “thế giới phẳng” – phẳng về thuế quan, thậm chí phẳng về phi thuế quan – như FTA, mỗi quốc gia cần phải có một điểm mạnh để làm “tay phải”. Dựa vào đó, quốc gia có thể trụ được trước làn sóng tấn công hàng hoá từ các nước.
Điều này tương tự như câu chuyện được nhà kinh tế học David Ricardo đề cập, trong thuật ngữ Lợi thế so sánh (Comparative Advantage). Theo đó, David Ricardo đã đề ra phép toán kinh tế: Mỗi quốc gia nên chuyên môn hoá vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà quốc gia đó có lợi thế so sánh, và nhập khẩu sản phẩm mà quốc gia đó không có lợi thế so sánh. Bằng việc chuyên môn hoá này, mỗi nước đều tối đa hoá lợi ích từ trao đổi buôn bán.
Trong nền kinh tế hàng hoá, thực tế mô hình lợi thế so sánh không thể được hiểu một cách máy móc theo dạng “một nghề” là chính, mà mỗi quốc gia nên tập trung vào một, hai thế mạnh chính nhất của mình để đảm bảo sự hỗ trợ lẫn nhau, phòng rủi ro “cột trụ này gãy, vẫn còn cột khác”. Nói ngắn gọn, quốc gia phải có kinh tế mũi nhọn để “chống mũi chịu sào” cho nền kinh tế trước dòng chảy mậu dịch tự do.
Mới đây, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ trước báo chí bài học từ Thuỵ Sĩ về việc “tận dụng thế mạnh quốc gia để làm mục tiêu trọng tâm cho nền kinh tế” nhân dịp ra mắt quyển sách Swiss Made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thuỵ Sĩ. Ông Vũ Khoan nhấn mạnh người Thuỵ Sĩ luôn quan niệm đơn giản nhưng rất hiệu quả, rằng cái gì họ có thì họ tận dụng và phát huy thật mạnh.
Dựa vào những cánh đồng, bãi cỏ, đất đai và những mùa tuyết rơi trắng xoá, người Thuỵ Sĩ tập trung xây dựng hai ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm nông nghiệp và du lịch. Nói là “kinh tế mũi nhọn” vì nói đến Thuỵ Sĩ, ai cũng biết đến Nestlé, sôcôla, phomát Thuỵ Sĩ; đồng thời, ai cũng thấy được tuyết đã được người Thuỵ Sĩ dùng như một “lá bài” quan trọng để thu hút du khách toàn cầu một cách rất hiệu quả.
Không chỉ Thuỵ Sĩ, trên sân chơi FTA nào, các quốc gia có thế mạnh ngành kinh tế mũi nhọn đều rất hăm hở. Đó là Úc với ngành nông nghiệp chăn nuôi; Hoa Kỳ với thế mạnh sở hữu lượng khổng lồ bản quyền – sở hữu trí tuệ, ngành ngân hàng; Nhật Bản với ngành công nghiệp ôtô…
Khi bàn đến Việt Nam, “nông nghiệp” là từ khoá được giới chuyên gia tranh cãi nhiều nhất. Bởi lẽ, chưa ai chứng minh thuyết phục mệnh đề “ngành nông nghiệp là thế mạnh mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam”.
Nhưng Việt Nam thiếu “cánh tay thuận”
“Kinh tế mũi nhọn” của Việt Nam hiện nay vẫn còn là cụm từ được nói nhiều, nhưng thấy ít. Không thể phủ nhận, Việt Nam được trời phú cho đất đai màu mỡ, đồng ruộng rộng lớn, thời tiết phù hợp, nông dân cần cù chịu khó… Tuy nhiên, nói đến thương hiệu gạo, cà phê, điều, tiêu… của Việt Nam thì không nước nào trên thế giới biết đến Việt Nam như một quốc gia “hạng nhất”. Nói đến gạo ngon, thế giới nhắc đến Thái Lan, Nhật Bản; nói đến điều người ta nói đến Ấn Độ; nói đến cà phê, phải nói đến Ý, Hoa Kỳ… Chỉ khi nói đến sản phẩm thô giá rẻ thì may ra người ta mới nhắc tới Việt Nam.
Vậy nên, ngành nông nghiệp vẫn quẩn quanh với giá rẻ, với giá trị sản phẩm nông nghiệp rất bèo. Năm 2013 khép lại, nhiều người cười ra nước mắt khi trong nước tiêu thụ hết khoảng 3 tỉ USD để uống bia, còn ngành thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp thì xuất khẩu gạo 2013 chưa tới 3 tỉ USD.
Còn nếu nói về du lịch, thì đó lại là một câu chuyện dài về tư duy quy hoạch, về hạ tầng, nhân lực, văn hoá du lịch… Những bê bối ngành du lịch như trộm cướp, chèo kéo khách, chặt chém giá… vẫn còn là bài toán khó giải, chứ đừng nói đến một ngành du lịch lý tưởng như Thuỵ Sĩ và nhiều nước châu Âu.
Mới đây, viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chính thức giới thiệu sáu ngành công nghiệp vừa được chọn làm “mũi nhọn” cho kinh tế Việt Nam. Trong đó có ngành điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thuỷ sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô. Nói là “giới thiệu” cho mới mẻ, chứ thật ra là một sự “nhắc lại” ngán ngẩm. Bởi lẽ, tại hội thảo về “Tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam” vào cuối năm 2004, giáo sư Kenichi, chuyên gia kinh tế Nhật Bản, đã nhấn mạnh Việt Nam đã tranh cãi về vấn đề công nghiệp mũi nhọn từ những năm cuối thế kỷ 20. Giờ là lúc Việt Nam phải đưa ra giải pháp thực hiện triệt để, hiệu quả.
Mãi đến năm 2007 Việt Nam mới có quyết định số 55/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 – 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Cụ thể, nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 16%; nhập hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 34,9%; đáng nói nhất Việt Nam phải nhập thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 3 tỉ USD, tăng 23,6% trong khi xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2013 với khoảng gần 7 triệu tấn, với giá trị còn thấp hơn 3 tỉ USD.
Nhìn tổng thể, thứ vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp thì Việt Nam chưa tận dụng. Còn ngành Việt Nam rất cần trong chiến lược phát triển quốc gia như công nghiệp mũi nhọn thì vẫn đang trong tình trạng “ốm yếu”. Nghĩa là, thiếu ngành kinh tế chủ đạo mang tính trụ cột.
Như vậy, khi tham gia vào các khu vực mậu dịch tự do, việc thiếu cánh “tay thuận” sẽ khiến áp lực đè nặng lên cán cân thương mại. Nói dễ hiểu, nhập siêu sẽ tăng, sự tự chủ của nền kinh tế về bản chất sẽ bị lùi về zero do bị hàng ngoại thôn tính. Ví dụ, nếu TPP thành công sớm, với tình trạng thịt bò nội sản xuất với giá đắt, chất lượng chưa cao như hiện nay, thì thịt bò nhập từ Úc với giá tương tự nhưng chất lượng cao sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Mới nhất, giới sản xuất mía đường xôn xao lo lắng khi ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức, cho nhập mía từ Lào về Việt Nam để chế biến đường rồi xuất khẩu với giá “rẻ khủng”. Ngay lập tức, tương lai ngành mía đường Việt Nam được ông Nguyễn Hải, tổng thư ký hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lên tiếng cảnh báo “coi chừng chết”. VSSA cũng lập đơn cầu cứu Chính phủ. Nhưng nếu xét trong sân chơi mậu dịch tự do thì nếu có cầu cứu cũng vô ích. Bởi lẽ, vào FTA thì luật chơi không thể nhẹ cho sân nhà, chỉ có người mạnh đủ sức cạnh tranh mới sống.