Nới room cho khối ngoại, Uỷ ban chứng khoán tìm giải pháp mới

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Trong quá trình sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang tìm kiếm phương án kỹ thuật mới cho giải pháp nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nới room cho khối ngoại, Uỷ ban chứng khoán tìm giải pháp mới
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mở rộng khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, khái niệm và cách thức quản lý NĐT nước ngoài chủ yếu dừng lại ở thế hệ doanh nghiệp (DN) đầu tiên, nghĩa là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức 100% vốn nước ngoài thành lập DN hoặc triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trên cơ sở quy định này, Quyết định 55/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam cũng chủ yếu điều chỉnh hoạt động đối với các DN, NĐT có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thế hệ đầu tiên hoặc thứ hai (DN có vốn nước ngoài đạt trên 49% vốn điều lệ).

Tuy nhiên, quy định mới của Luật Đầu tư 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, đã mở rộng yêu cầu tuân thủ quy định áp dụng trong hoạt động đầu tư đối với NĐT nước ngoài theo hướng quản lý đến các DN thuộc các thế hệ tiếp theo. Chẳng hạn, với việc VinaCapital và đối tác Nhật Bản là Daiwa PI Partners mua 70% cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế (IDP) mới đây, IDP từ chỗ là DN Việt Nam đã trở thành DN có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thế hệ F2. Trong trường hợp hai NĐT nước ngoài này tiếp tục sở hữu số cổ phần hiện có tại IDP và công ty này bỏ vốn ra mua một công ty con, thì công ty con vừa được mua cũng là DN có vốn đầu tư nước ngoài (F3). Theo quy định của Luật Đầu tư, các loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài, gồm F1, F2, F3, đều chịu sự chi phối bởi các quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại các công ty đại chúng Việt Nam. 

Cần có giải pháp dài hạn về room

Thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào TTCK là định hướng được Chính phủ theo đuổi suốt thời gian qua, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế (WTO). Tuy nhiên, với các khái niệm mới của Luật Đầu tư, việc xác định rõ và chính xác đối tượng phải tuân thủ tỷ lệ sở hữu rất khó khăn. Và điều này đang được UBCK tìm cách tháo gỡ khi mới đây, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, trong năm 2015, một trong những ưu tiên của UBCK là tập trung cải cách nền tảng pháp lý để thu hút hiệu quả hơn các dòng vốn đầu tư tham gia thị trường, nhất là dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Định hướng trên đang được cụ thể hóa tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58. Theo đó, căn cứ quy định pháp lý về tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài trong các lĩnh vực cụ thể, cũng như định hướng thu hút vốn ngoại vào những mục đích khác nhau, mà linh hoạt đưa ra tỷ lệ room áp dụng đối với NĐT nước ngoài cho phù hợp, thay vì một tỷ lệ room cứng, áp dụng cào bằng cho tất cả các lĩnh vực khác nhau như cách làm hiện tại.

Cụ thể, dự thảo quy định, NĐT nước ngoài không được sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết trong ngành nghề, lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đầu tư. Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành, hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể về việc sở hữu của NĐT nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khác thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty (nếu có), nhưng tối đa không vượt quá các tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế đó. Đối với công ty đại chúng hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực, bao gồm cả một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định khác nhau về sở hữu của NĐT nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đó thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty (nếu có), nhưng tối đa không vượt quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài thấp nhất.

Đối với công ty đại chúng không hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đầu tư; các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể về việc sở hữu của NĐT nước ngoài..., thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty (nếu có), nhưng tối đa không vượt quá tỷ lệ sở hữu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các công ty đại chúng chuyển đổi từ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền khi chấp thuận chuyển đổi DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành công ty cổ phần.

Đối với DNNN thực hiện chào bán ra cổ phiếu ra công chúng để cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thực hiện theo Đề án Tái cơ cấu DN, sắp xếp, đổi mới DN đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở tiêu chí phân loại DNNN và quy định của pháp luật về cổ phần hóa.