Nóng bỏng buôn lậu nông sản
Trong những ngày giáp tết này, lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu hàng hóa, chủ yếu là nông sản.
Gà lậu vẫn đổ vào Việt Nam
Lạng Sơn, Quảng Ninh được biết đến là địa bàn vận chuyển buôn bán gia cầm nhập lậu nhiều nhất trong năm 2012, tuy nhiên gần đây các đơn vị chức năng còn phát hiện thêm “địa bàn buôn lậu” mặt hàng này là Lào Cai - địa bàn giáp biên với Trung Quốc. So với các địa bàn cũ, thủ đoạn buôn lậu gia cầm ở Lào Cai tinh vi hơn rất nhiều.
Để tuồn được gà tiêu thụ sâu vào trong nội địa, các đối tượng thường giết mổ gà trước, rồi đưa thịt gà vào thùng xốp ướp đá để vận chuyển về xuôi bằng xe khách. Đơn cử, vào lúc 11 giờ ngày 20/12, sau nhiều ngày mật phục, Công an huyện Bảo Thắng đã phát hiện xe khách BKS 21B -000.82 do lái xe Vũ Thành Nam ở Trấn Yên (Yên Bái) điều khiển, vận chuyển trái phép 120kg gà mổ sẵn và 110kg tim, nội tạng lợn đựng trong hộp xốp ướp đá đã có mùi hôi thối.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hải Đăng – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT Lào Cai cho biết, sau khi bị làm “rát” ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, các đối tượng buôn lậu biết rất khó đưa được gà sống vào qua các đường biên giới, nên chúng quay sang sử dụng thủ đoạn mới là cũng nhập gà sống, song khi về đến gần cửa khẩu, chúng tiến hành giết mổ, rồi đóng thịt vào thùng xốp ướp đá để qua mặt các lực lượng chức năng.
Theo ông Đăng, thủ đoạn của các đối tượng là thường lợi dụng những con đường mòn, đặc biệt là vận chuyển theo đường sông, rồi tập kết mang đi tiêu thụ tại địa bàn Lào Cai và chở về xuôi. “Trước đây, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng vận chuyển gà lậu thường mang gà thả lẫn vào các trang trại của người dân ven biên giới hoặc bỏ gà chạy.
Tuy nhiên, do khoảng cách từ Lào Cai về Hà Nội hiện phải đi mất khoảng 9 giờ đồng hồ, nên khi kiểm soát chặt ở các chốt, các đối tượng vận chuyển gà lậu mới đây đã thay đổi hình thức vận chuyển là thịt gà sẵn và đưa vào hộp xốp” - ông Đăng cho biết thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm này, ở một số chợ, điểm buôn bán thực phẩm, nhà hàng ở Lào Cai hiện vẫn còn bán gà thịt sẵn với nhiều loại giá khác nhau, trong đó có rất nhiều gà thịt chưa được kiểm dịch, nên không loại trừ có cả gà Trung Quốc cũng được bày bán ở đây. Khi chúng tôi hỏi, người dân không sợ gà Trung Quốc (vì 100% có tồn dư kháng sinh) sao?, nhiều tiểu thương ở chợ trung tâm Lào Cai thản nhiên nói: Chúng tôi thấy gà này rẻ, dân thích, dễ bán thì cứ nhập thôi, chứ nào có biết kháng sinh với dịch bệnh thế nào.
Xúc xích thối, nội tạng bẩn cũng được nhập lậu
Không chỉ có thịt gà làm sẵn được đưa vào nước ta qua ngả Lào Cai, những ngày cận tết, lực lượng chức năng còn phát hiện các đối tượng buôn lậu nhập cả xúc xích thối, nội tạng bẩn vào trong nước để tiêu thụ. Hiện Ban Chỉ đạo 127 của Lào Cai tiến hành tập trung mật phục 24/24 giờ ở các địa bàn phức tạp như TP. Lào Cai, các huyện: Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát…
Quan sát sổ theo dõi của lực lượng này, chúng tôi thấy dày đặc các vụ buôn lậu được ghi chép tại đây. Cụ thể, vào khoảng 14 giờ 30 chiều ngày 25/12, Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Lào Cai) đã bắt giữ lô hàng xúc xích do Trung Quốc sản xuất tại tổ 5, phường Lào Cai không có hoá đơn chứng từ, trị giá gần 16 triệu đồng, chủ hàng khi bị phát hiện cũng đã “bỏ của chạy lấy người”.
Trước đó, vào khoảng 10 giờ ngày 30/10, tại km 36, Quốc lộ 70, thuộc địa bàn xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), Đội QLTT số 5 Lào Cai cũng đã bắt giữ được 200kg xúc xích đã bốc mùi hôi thối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 2/1/2013, các lực lượng chức năng Lào Cai cũng bắt giữ 1 lô hàng 70kg xúc xích, gần 100kg chả cá, 360 gói gà cay, 30kg chim cút mổ sẵn…
Ông Hoàng Chính Phương – Phó Chi cục trưởng phụ trách – Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai cho biết, trong năm 2012, đơn vị cũng xử lý hơn 16.000 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu; 2 vụ nhập phủ tạng động vật hơn 1.500 tấn… “Qua đấu tranh của các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu khai nhận, xúc xích nhập lậu từ Trung Quốc thường được chế biến từ lợn chết, nên có mùi hôi thối, nhưng khi vận chuyển về xuôi sẽ được khử mùi bằng hoá chất và đóng nhãn mác giả đưa ra thị trường tiêu thụ” - ông Phương nói.