Nóng bỏng buôn lậu vùng biên giới miền Trung
Dịp cận Tết Canh Tý 2020 là thời điểm nhu cầu sử dụng hàng hóa của thị trường tăng mạnh, lợi nhuận thu về rất cao, đẩy làn sóng buôn lậu khu vực biên giới miền Trung trở nên nóng bỏng hơn. Mặc dù tại các cửa khẩu đều có lực lượng kiểm soát nhưng các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn tìm cách vận chuyển hàng lậu.
“Dậy sóng” buôn lậu
Cứ đến dịp cuối năm, vùng biên giới khu vực miền Trung lại dậy sóng buôn lậu. Hàng lậu tràn về không chỉ có các mặt hàng dân dụng, vải vóc, thuốc lá, rượu, điện lạnh, lâm sản, quặng, than… mà có cả các mặt hàng quốc cấm như pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã và nhất là ma túy… với các thủ đoạn biến hóa tinh vi, liều lĩnh.
Tỉnh Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế (CKQT) là Lao Bảo, La Lay và 4 cửa khẩu phụ, cùng nhiều tuyến đường mòn, lối mở qua lại biên giới - đường “hang chuột” như cách gọi của giới buôn lậu. Cứ dịp cuối năm CKQT Lao Bảo lại dậy sóng buôn lậu. Hàng lậu từ Lào, Thái Lan, Campuchia… ồ ạt tràn về tập kết dọc sông Sê Pôn chờ thời cơ để vượt biên.
Càng về sát Tết Nguyên đán, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tại CKQT Lao Bảo càng trở nên tinh vi, táo tợn hơn. Các đối tượng liên tục thay đổi vị trí, bãi tập kết, hình thức vận chuyển và lợi dụng tất cả các ngả đường “hang chuột” để hoạt động. Chúng sử dụng “chim lợn” (người cảnh giới) để tăng cường cảnh giới, nắm bắt các chốt canh gác của đơn vị chức năng nhằm chọn thời cơ thích hợp. Ngoài ra, chúng sử dụng ô tô, mô tô cũ độ chế, cơi nới, cải hoán, dán kính đen hoặc dùng nhiều biển số giả để chở hàng lậu. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, các đối tượng liều lĩnh bỏ chạy hoặc vứt bỏ hàng hóa để chối tội.
Mới đây, ngày 18-12, tại quốc lộ 9, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện 1 ô tô bán tải và 2 ô tô khách chở hàng lậu bao gồm: 1 khối gỗ lậu (nhóm 6) và 3,5 tấn đường kính, 180 chai rượu ngoại không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Trước đó mấy hôm, Đội kiểm soát hải quan (KSHQ), Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp với một số đơn vị liên quan phát hiện, giữ ô tô tải chở 20 cá thể hon (nặng khoảng 55kg), 26 cá thể dúi (nặng 47kg), 2 cá thể chồn (nặng 4kg), gần 300kg động vật rừng đã chết và thịt tươi sống cùng 210kg gỗ xẻ thanh nghi là gỗ cẩm lai. Tất cả hàng hóa trên đều không có giấy tờ hợp pháp.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết, năm 2019, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, xử lý trên 450 vụ. Trong đó, lực lượng chống buôn lậu bắt giữ 366 vụ (3,8 tỷ đồng); 52 vụ buôn lậu lâm sản; 4 vụ vận chuyển động vật hoang dã; 24 vụ vận chuyển thuốc nổ, pháo lậu; 5 vụ vận chuyển súng, đạn trái phép... Qua đó, đã bắt giữ 22 đối tượng, 4 vụ vô chủ.
Tình hình buôn lậu ở CKQT Cầu Treo (Hà Tĩnh) những ngày sát tết cũng trở nên nóng bỏng, nhất là ma túy, pháo lậu…
Tương tự, tại Thanh Hóa, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến rất phức tạp. Hàng hóa thâm nhập trực tiếp vào địa bàn Thanh Hóa chủ yếu trên tuyến biên giới đường bộ qua CKQT Na Mèo, cửa khẩu Tén Tằn; tuyến biên giới biển qua cảng Lễ Môn, Nghi Sơn… Tại thị trường nội địa, tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả các sản phẩm như các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, hàng dân dụng… vẫn tiếp tục xảy ra. Ngoài ra, các mặt hàng như sản phẩm động vật, trái cây, thực phẩm, bánh kẹp… không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn lưu thông công khai hoặc lén lút trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, cho biết, năm 2019, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 5.623 vụ vi phạm, trong đó chuyển khởi tố hình sự 685 vụ, xử lý hành chính 4.983 vụ. Mặc dù triệt phá, chặn đứng hàng loạt vụ buôn lậu, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều, hàng lậu vẫn “dậy sóng”.
Lỗ hổng ở biên giới
Tại các tỉnh miền Trung, hàng lậu không chỉ tuồn vào từ các cửa khẩu ở địa phương mà còn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc theo quốc lộ 1A hoặc đường biển. Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hiện tại một số quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa hợp lý; nhiều quy định còn chồng chéo. Đây là hạn chế, tạo kẽ hở để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng luồn lách.
Ông Lê Văn Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Cầu Treo (Cục Hải quan Hà Tĩnh), chia sẻ khó khăn: CKQT Cầu Treo hiện vẫn chưa có máy soi container và hàng hóa. Khó nhất là các đối tượng lợi dụng chính sách phân luồng, xuất nhập khẩu, khai báo thủ tục hải quan trước, mở tờ khai bằng luồng xanh để được miễn kiểm tra hàng hóa (khi các đối tượng khai báo luồng xanh rồi thì lực lượng kiểm soát không được phép kiểm tra hàng hóa). Trước mắt, cần phải sớm đầu tư, trang bị máy soi cho CKQT Cầu Treo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ma túy và hàng lậu.
Tương tự, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết, công tác đấu tranh, phòng chống, chặt đứt đường dây buôn lậu vẫn chưa hiệu quả, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức vì địa bàn khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị trải dài, nhiều đường mòn, lối mở, địa hình đi lại hiểm trở, phần lớn là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số như Pa Kô, Vân Kiều… Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, điều kiện sống khó khăn của bà con đồng bào, các đối tượng mua chuộc, lôi kéo họ tham gia vào đường dây vận chuyển hàng lậu cho chúng. Còn tại cửa khẩu, các đối tượng thường lợi dụng các chủ trương của nhà nước, địa phương còn kẽ hở để tuồn hàng lậu vào nội địa.
Đại tá Lê Văn Phương nói thêm, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng người nộm, ma-nơ-canh đóng giả hành khách trên các xe khách vừa và nhỏ lưu thông từ khu vực biên giới vào sâu nội địa nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Thời điểm cận tết, trên trục đường quốc lộ 9 đoạn Hướng Hóa - Đông Hà, lưu lượng, phương tiện vận tải tăng cao, quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu dừng lại cùng lúc sẽ dễ gây ùn tắc giao thông nên khó phát hiện, xử lý.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay tình trạng buôn bán hàng qua mạng biến tướng muôn hình vạn trạng, việc ngăn chặn hàng lậu qua mạng liên quan đến rất nhiều ban ngành; hàng hóa không rõ ràng, các kho hàng không cụ thể nên rất khó xác định. Các đối tượng thường xé lẻ hàng, lợi dụng các phương tiện chuyển phát nhanh, vận chuyển theo kiểu “chợ trời” rất khó để kiểm tra, ngăn chặn và bắt tại trận. Hơn nữa, thị trường online, chủ hàng có thể là tiểu thương nhưng cũng có thể là cán bộ, công chức, sinh viên nên rất khó nắm bắt, quản lý.
Thời gian gần đây, các đơn vị chuyên trách của TP Đà Nẵng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều chuyến hàng hóa vận chuyển qua địa bàn, hoặc lợi dụng địa bàn làm nơi tập kết để phân bổ qua các thị trường khác. Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo cho lực lượng cảnh sát kinh tế phối hợp với các sở, ngành và đặc biệt là trong nội bộ ngành công an phối hợp với cảnh sát giao thông tăng cường công tác nắm tình hình và phát hiện nhất là hàng lậu và hàng giả. Đặc biệt là theo dõi các loại hàng từ các cửa khẩu biên giới khu vực miền Bắc, miền Trung và các tỉnh phía Bắc về Đà Nẵng”.
Ông Trương Quang Thắng, quyền Đội trưởng Đội QLTT số 5 (thuộc Cục QLTT Hà Tĩnh), cho biết, dịp cuối năm, đơn vị đã bố trí quân số đảm bảo trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra; phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tập trung kiểm tra phương tiện cung cấp nguồn hàng vào địa bàn; kiểm tra, kiểm soát các kho bãi tập kết hàng hóa, các cửa hàng, đại lý kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết nhằm ngăn chặn, hạn chế, không để các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm lọt vào địa phương. Kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm. Tại CKQT Lao Bảo, lực lượng hải quan và biên phòng cũng đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát; sử dụng chó nghiệp vụ, máy soi hiện đại kiểm tra các phương tiện xuất nhập cảnh; đặc biệt, chú trọng công tác dân vận, sử dụng nguồn tin tại các địa phương dọc cửa khẩu để phong tỏa hết các nẻo đường qua biên giới.
Theo ghi nhận của PV, trong câu chuyện chống buôn lậu của các ngành chức năng, địa phương vẫn còn một số tồn tại bất cập, đơn cử như vụ việc hồi đầu tháng 12/2019, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phát hiện, bắt giữ chuyến hàng vận chuyển trái phép thú rừng có nguồn gốc từ nước ngoài với số lượng rất lớn, từ khu vực CKQT La Lay tuồn về TP Đông Hà, nhưng khi hải quan chuyển số thú rừng cho Hạt Kiểm lâm Đakrông (tỉnh Quảng Trị) xử lý theo thẩm quyền thì đơn vị này từ chối tiếp nhận vì cho rằng thiếu các hồ sơ, thủ tục, nguồn gốc.
Gần 2.000 đối tượng bị khởi tố
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 10 tháng năm 2019, số vụ buôn lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trong cả nước giảm 18% hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, số vụ và đối tượng bị khởi tố tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2018 (1.635 vụ/1.908 đối tượng). Trong đó, 9 tỉnh, thành phố miền Trung đã phát hiện 33.816 vụ vi phạm, 29.684 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.180 tỷ đồng; cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 31.368 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng; xử lý hình sự 1.429 vụ/1.833 đối tượng.