Nông nghiệp rộng đường tiếp cận vốn

PV.

(Tài chính) Ðể giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, bên cạnh những chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và cơ cấu lao động,... thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai. Ðồng thời, cần xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân thay vì phải cầm cố hay "nộp" giấy sử dụng đất - tài sản gần như duy nhất đáng giá của các hộ nông dân như hiện nay.

Nông nghiệp rộng đường tiếp cận vốn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp

Trong công tác chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên, là trọng tâm để đầu tư vốn tín dụng. Theo đó, để khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lớn (trên 40% tổng dư nợ cho vay của TCTD), tái cấp vốn để hỗ trợ, đảm bảo nguồn vốn cho vay, đồng thời giảm chi phí huy động vốn cho các TCTD.

Bên cạnh đó, NHNN áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp, nông thôn là 8%/năm. Đối với chương trình cho vay khuyến khích liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, áp dụng lãi suất cho vay từ 7 - 10,5%/năm; mức cho vay đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn.

Với những nỗ lực từ cơ quan quản lý cũng như các NHTM, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến 30/9/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm trên 48% tổng dư nợ tại các TCTD trong vùng.

Đặc biệt, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên toàn quốc, NHNN đã phê duyệt cho 27 DN với 30 dự án của 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình này và tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa DN và các NHTM cho vay.

“Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 9 DN thực hiện 9 dự án tại 6 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng) với số tiền lên tới trên 2.565 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 30/9/2014 đạt gần 594 tỷ đồng”, ông Tuấn chia sẻ. 

Đa dạng mô hình vay vốn

Bên cạnh vay vốn ngân hàng, hiện nay có rất nhiều  hình thức vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhằm đưa nguồn vốn đến với bà con nông dân, với các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chẳng hạn, chương trình kích cầu qua đầu tư của TP. Hồ Chí Minh với tổng nguồn vốn vay lên đến 12.000 tỷ đồng, tập trung cho một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ ưu tiên cho những dự án ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, các mặt hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá.

Đặc biệt, với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho người vay vốn, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để giảm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tùy theo từng dự án, từng lĩnh vực có thể được giảm 50-100% lãi suất với thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm và nguồn vốn được vay tối đa là 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, PGS.,TS. Mai Thành Phụng cho biết, bên cạnh các nguồn đầu tư của Chính phủ, vốn vay của ngân hàng, còn có nhiều nguồn vay từ các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ để giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn cho phát triển sản xuất.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang nhân rộng mô hình cho vay theo nhóm do Quỹ hợp tác phát triển của Bỉ tài trợ vốn.

Theo đó, mô hình cho vay được tổ chức theo 5 dự án của 5 hộ nông dân xếp thành nhóm. Mỗi hộ nông dân, ngoài việc trình bày tính khả thi của dự án cho tổ chức quỹ tín dụng phải thuyết phục được 4 người còn lại trong nhóm thấy được khả năng, tính hiệu quả, khả thi của dự án.

Trong quá trình vay vốn và triển khai dự án, ngoài cán bộ theo dõi quỹ, 5 hộ này sẽ tự kiểm soát, kiểm định lẫn nhau để sao cho nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Bởi vì, thời gian trả vốn vay, hiệu quả sản xuất của từng hộ sẽ quyết định việc tham gia tiếp tục trong chu kỳ tới của các hộ khác.

Chu kỳ cho vay trong 10 tháng với lãi suất 2%/10 tháng. Sau khi đáo hạn, nếu hộ nông dân nào thanh toán đầy đủ, kịp thời và sản xuất có hiệu quả, quỹ sẽ tăng nguồn vốn được vay của chu kỳ sau lên 50%.

Hiện nay, với 6 tổ cho vay tại các huyện Tam Nông, Thủ Thừa của Đồng Tháp và phổ biến rộng khắp tại Long An, mô hình này đang đem đến cho hơn 13.000 hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn để góp phần phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phát triển rộng khắp trên phạm vi cả nước đã tạo dựng được niềm tin với bà con nông dân và nhờ sự hỗ trợ kịp thời của quỹ, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn phát triển sản xuất với quy mô lớn.