"Ông lớn" khuyên nhà đầu tư như thế nào?
(Tài chính) Khi các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam xét về quy mô giao dịch (khoảng 80%), thì sự thiếu vắng những phiên bật mạnh trở lại sau cơn hoảng loạn tâm lý cho thấy rằng, số đông vẫn đang do dự. Phải chăng, nhà đầu tư đang suy ngẫm nhận định của của các “ông lớn” cũng như băn khoăn về lời khuyên của đối tượng này.
Lạc quan trong nhận định
VinaCapital vừa ra một báo cáo kinh tế tập trung phân tích các tác động từ tình hình căng thẳng trên Biển Đông đối với kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng, trong đó Công ty quản lý quỹ này nhận định rằng, những căng thẳng tiếp theo dường như là không thể.
Theo VinaCapital, các yếu tố cơ bản cho thấy sức khoẻ kinh tế vĩ mô và thị trường vốn của Việt Nam không hề xấu đi, và các đợt bán tháo vừa rồi chẳng qua là do tác động của yếu tố tâm lý và áp lực giải chấp. Các nhà đầu tư nước ngoài ít bị ảnh hưởng bởi tâm lý như thế, và họ đã xem đây là cơ hội để tăng mua cổ phiếu của Việt Nam.
VinaCapital cho biết, theo ước tính, cho vay ký quỹ trên TTCK Việt Nam lên đến 750 triệu USD trong tháng 4/2014 trước khi xảy ra biến cố trên Biển Đông. Vì thế, khi giá chứng khoán giảm trung bình 25-30%, các công ty chứng khoán (CTCK) đã yêu ra yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền ký quỹ (margin call). Điều này đã góp phần tạo ra tình trạng bán tháo.
Các nhà đầu như nhỏ lẻ tham gia thị trường muộn vào đầu năm 2014, đặc biệt là các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao, đã bị thiệt hại không nhỏ.
VinaCapital khuyến nghị với P/E trailing hiện tại là 12,4 lần thì đây là một cơ hội mua vào hấp dẫn đối với các nhà đầu tư giá trị có tầm nhìn dài hạn. Dù Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp và cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nhưng còn quá sớm để nói rằng những căng thẳng trên Biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Peter Kohli, Tổng giám đốc DMS Funds hiện quản lý 4 quỹ đầu tư chung (mutual fund) chuyên đầu tư vào các chỉ số ngành trên các thị trường sơ khai/mới nổi, nói rằng Trung Quốc là đối tác lớn nhưng không phải là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất và cũng chẳng phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU, Mỹ, ASEAN, Nhật và sau đó mới đến Trung Quốc.
Trong bài viết mới đây trên MoneyWatch với tựa đề “Việt Nam là một cơ hội bị bỏ qua ở châu Á”, ông Peter nhận định rằng: “Bất cứ một danh sách nào liệt kê 5 cơ hội đầu tư tốt nhất ở Đông Nam Á cũng không thể bỏ qua Việt Nam”.
Ông Samir Shah, Giám đốc Đầu tư Advance Emerging Capital có trụ sở tại London hiện quản lý tài sản trị giá khoảng 750 triệu USD, nói: “Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định”.
Và hành động của các "ông lớn"
Khi được đề nghị đưa ra một lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB, nói: “Nhà đầu tư nên đầu tư theo giá trị cho thời hạn dài sẽ an toàn. Trong bối cảnh thị trường bất ổn, nên tránh đầu tư rủi ro cao với công cụ đòn bẩy”.
Không phải khuyên các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhảy vào để rồi mình thoát ra, nhưng các “ông lớn” cũng đã mua khá nhiều. Khi cơn hoảng loạn tâm lý trên thị trường bắt đầu diễn ra vào ngày 8/5/2014, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng thị trường đã phản ứng thái quá, ông cho biết SSI đã giải ngân khá nhiều trong ngày hôm đó.
Cũng trong lúc nhà đầu tư e ngại thông tin biển Đông, ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc PXP Vietnam Asset Management khuyến nghị các nhà đầu tư cơ bản, dài hạn nên tập trung chú ý đến giá trị cổ phiếu và lựa chọn thời điểm thích hợp để vào. Khi đưa ra khuyến nghị này, ông Kevin cũng cho biết các quỹ của ông đang mua vào một cách thận trọng.
Cùng thời điểm này, ông Alan Richardson, Giám đốc điều hành quỹ Samsung ASEAN Equity Fund với quy mô tài sản khoảng 149 triệu USD, cho biết quỹ của ông đang “mua một cách thoải mái” vì “các mức giá lúc đó rất hợp lý để mua”.
Đến thời điểm này, khối ngoại và các nhà đầu tư tổ chức vẫn tiếp tục mua. Trả lời phỏng vấn ĐTCK mới đây, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, với quan điểm đầu tư dài hạn vẫn đang tận dụng cơ hội này để mua cổ phiếu tại mức giá hợp lý. Bản thân VinaCapital vẫn tiếp tục mua ròng, và các nhà đầu tư của VinaCapital rất ủng hộ việc làm này.
VN-Index tăng 22% trong năm 2013 và tăng tiếp 20% trong quý I/2014. Tuy nhiên, kể từ mức đỉnh vào ngày 24/3/2014, chỉ số này đã giảm 16% tính đến ngày 16/5, trong đó chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5 mất đến 9%. Khối ngoại đã mua ròng 65 triệu USD trong tháng 5 sau khi đã mua ròng 83 triệu USD trong tháng 4.
Theo VinaCapital, giá cổ phiếu của một số công ty được quản trị tốt và có lợi nhuận hấp dẫn đã giảm từ 10-20%, và “đối với nhà đầu tư giá trị, bản năng mua là hầu như không thể cưỡng lại”.