Ðổi mới công tác quản lý thuế doanh nghiệp lớn


Bộ Tài chính vừa có quyết định về Danh sách doanh nghiệp (DN) thuộc diện Tổng cục Thuế trực tiếp tổ chức công tác quản lý thuế. Trước đó là quyết định thành lập Vụ Quản lý thuế DN lớn thuộc Tổng cục Thuế để thực hiện công tác quản lý thuế đối với các DN này. Ðây là sự đổi mới về công tác quản lý thuế nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong việc nộp thuế.

Khó khăn, vướng mắc
 
Sau hơn hai tháng có quyết định danh sách DN thuộc diện Tổng cục Thuế trực tiếp tổ chức công tác quản lý thuế, tại cuộc đối thoại đầu tiên giữa Bộ Tài chính và đại diện các DN lớn, có rất nhiều DN nêu lên những vướng mắc về tài chính, kế toán, thuế. Ðiều này cho thấy việc thành lập Vụ Quản lý thuế DN lớn là cần thiết nhằm giúp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính kịp thời xử lý các vướng mắc của DN.
 
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Ðàm Thị Huyền cho rằng, việc ra đời Vụ Quản lý thuế DN lớn là kết quả của quá trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hy vọng Vụ Quản lý thuế sẽ giúp DN tháo gỡ vướng mắc nảy sinh liên tục trong thực tế. Petrolimex hoạt động trên địa bàn cả nước, thực hiện hạch toán toàn ngành, tại thời điểm tạm thu thuế thu nhập doanh nghiệp, một số công ty ở địa phương do cơ chế chiết khấu, phân bổ chi phí có thể có lợi nhuận, cho nên có cục thuế đã thực hiện thu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng cuối năm, hạch toán toàn ngành thì lỗ không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác, việc giải thích thu thuế của các cục thuế cũng không giống nhau, do đó đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn để các công ty của tổng công ty hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tập trung về tổng công ty thực hiện việc nộp thuế này.    
 
Theo đại diện Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng), đơn vị đã hoàn thành xây dựng công trình, việc nghiệm thu đã xong, nhưng chủ đầu tư chỉ thanh toán 90% giá trị hợp đồng, giữ lại 10% để bảo hành công trình theo quy định của pháp luật, trong khi đó khi xác định nghĩa vụ nộp thuế VAT, cơ quan thuế buộc tổng công ty phải tính và nộp thuế trên 100% giá trị hợp đồng. Như vậy không có sự tương ứng, thống nhất giữa doanh thu tính thuế, nộp thuế và doanh thu thực tế của đơn vị. Tương tự, Công ty công trình Viettel hằng năm xây dựng và hoàn thành nhiều công trình được nghiệm thu, nhưng để được chủ đầu tư phê duyệt doanh thu xây dựng, đơn vị phải chờ từ ba đến sáu tháng sau khi gửi bộ hồ sơ hoàn công. Trong thời gian này, chủ đầu tư tiến hành thẩm định và thuê đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán làm cơ sở  cho việc phê duyệt doanh thu. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ thanh toán cho công ty 80% doanh thu theo đề nghị kê khai. Nhưng cơ quan thuế buộc công ty phải kê khai đủ 100% doanh thu để tính nghĩa vụ thuế VAT. Như vậy có phần công ty phải nộp thuế hơn 20% doanh thu mà chưa thu được, không đúng với nghĩa vụ thực tế phát sinh. 
 
Còn vướng mắc của Công ty viễn thông liên tỉnh là đơn vị có nhiều dự án đầu tư, giá trị mỗi dự án hơn 200 triệu đồng, theo quy định các dự án được hoàn thuế VAT đầu vào, nhưng việc hoàn thuế không được tách ra cho từng dự án, mà vẫn hạch toán hoàn thuế chung với hoạt động của công ty, do đó việc hoàn thuế của dự án chậm gây khó khăn về tài chính trong thực hiện tiến độ đầu tư. Liên quan vấn đề áp mã thuế của hải quan, DN kiến nghị cần làm rõ thế nào là máy chính, linh kiện, phụ tùng đồng bộ để dễ dàng, thuận lợi cho việc thực hiện bởi mỗi loại có mức thuế suất khác nhau...
 
Ðổi mới quản lý thuế DN lớn
 
Danh sách DN thuộc diện Tổng cục Thuế trực tiếp tổ chức công tác quản lý thuế có 35 tập đoàn, tổng công ty, đơn vị và 11 DN điều hành lô/mỏ dầu khí. Các đơn vị này có doanh thu, số nộp ngân sách rất lớn, cần có một tổ chức thống nhất quản lý thuế, trong đó có việc nghiên cứu, xem xét tính chất, đặc điểm, đặc thù để có chính sách, giải pháp thích hợp. Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc đổi mới công tác quản lý thuế DN lớn không làm tăng thêm các thủ tục hành chính mà nhằm giúp các DN lớn trong việc nộp thuế như: Cập nhật, xử lý thông tin, giải thích, giải đáp, tham mưu đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... DN lớn có khó khăn, vướng mắc riêng, không giống các DN khác, nên cần có sự quan tâm, giải pháp, chính sách đặc thù về quản lý thuế trên cơ sở hệ thống pháp luật chung thống nhất. Cơ chế hoạt động là sự phối hợp giữa Vụ Quản lý thuế DN lớn với cục thuế địa phương quản lý thu. Các DN lớn vẫn kê khai, nộp thuế tại cục thuế địa phương, nhưng những vướng mắc phát sinh từ thực tế vượt thẩm quyền xử lý của cục thuế được phản ánh, thông tin ngay về Vụ Quản lý thuế DN lớn để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ. 
 
Ðại diện Ngân hàng Ðầu tư và phát triển Việt Nam rất đồng tình việc thành lập mô hình tổ chức mới quản lý thuế DN lớn, nhưng đề nghị Vụ Quản lý thuế DN lớn cần phối hợp chặt chẽ với cục thuế các địa phương trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, không nên để xảy ra tình trạng cùng một vấn đề mà DN phải làm báo cáo gửi hai cơ quan.
 
Trước khi tổ chức đối thoại lần đầu, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm vướng mắc của các DN lớn, có những vấn đề áp dụng cách giải quyết chung cho nhiều doanh nghiệp, có vấn đề áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đặc thù, hoặc gửi lên cấp cao hơn thuộc thẩm quyền xử lý. Tuy mới đưa vào vận hành, nhưng sự ra đời mô hình tổ chức quản lý thuế DN lớn được các DN lớn hưởng ứng, đón nhận. Ðiều trông đợi của các DN lớn đối với cách quản lý này là được hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giúp DN thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế.  
 
Theo: Nhân Dân