“Ðón sóng” công nghệ
Không ồn ào, náo nhiệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng dịch chuyển, ứng dụng những công nghệ mới nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu suất lao động... Những sự dịch chuyển này đóng góp một phần không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030.
Ðược biết, trong thời gian tới, FPT dự kiến sẽ cho ra đời bộ giải pháp hỗ trợ nhà máy thông minh phiên bản 1.0 với các tính năng như: bảo trì dự đoán, sản xuất mô phỏng, kiểm soát chất lượng, kết hợp robot, máy bay không người lái với các công nghệ cốt lõi là IoT - Digital Twin, AI - Deep Learning, Big Data - dự đoán với dữ liệu lớn. Nếu FPT thành công, Việt Nam sẽ không chỉ có thêm giải pháp nhà máy thông minh tự phát triển mà còn xuất khẩu ra các quốc gia khác.
Nằm cách khu vực của FPT không xa là gian hàng của VinFast với những khối máy móc có kích thước lớn. Ðó chỉ là một trong hàng nghìn robot đang được vận hành ở nhà máy của VinFast để cho ra đời những chiếc ô-tô đầu tiên mang thương hiệu Việt. Không chỉ ở VinFast, robot trong vài năm trở lại đây đã gần như thay thế đến 90% số lượng công nhân làm việc ở nhà máy sữa của Vinamilk ở Bình Dương …
Công nghệ 4.0 cũng đang len lỏi vào từng ngóc ngách của ngân hàng. Với mỗi mẫu tờ khai của khách hàng, nhân viên ngân hàng chỉ cần cho vào máy scan, một hệ thống công nghệ mang tên gọi AkaRPA sẽ kiểm tra thông tin, kết nối với hệ thống và thực hiện lệnh theo tờ khai, sau đó lưu trữ lại thông tin. Nhờ ứng dụng AkaRPA, một ngân hàng ở Việt Nam đã xử lý hơn 1.000 mẫu tờ khai mỗi ngày, rút ngắn thời gian xử lý còn 30% so với trước đây, với độ chính xác là hơn 90%. Số lượng nhân sự thực hiện công việc này cũng giảm còn 40%.
Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), máy móc đã có thể thay thế con người trong những tác vụ đơn giản, để có thể tập trung nguồn lực vào những công việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn, mang lại những giá trị cao hơn. VHT, một startup đã ứng dụng AI để phát triển Hệ thống tổng đài tự động với khả năng thực hiện được hơn 750.000 cuộc gọi mỗi tháng, cũng như thực hiện đồng thời 15.000 cuộc gọi, mỗi cuộc gọi kéo dài 2 phút. Ðể hoàn thành được khối lượng công việc như vậy trong 1 giờ cần tới 500 người.
Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến mong muốn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản, là một trong sáu điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu 2017 tại châu Á - Thái Bình Dương (theo Gartner). Ðứng vị trí thứ sáu trong Bảng xếp hạng các điểm đến cung cấp dịch vụ trên toàn cầu 2017 (theo A.T Kearney), đứng thứ 3/139 nước về khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT (theo WEF).
“Ước mơ ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu đã hoàn thành, giờ là đặt mục tiêu mới, phải nằm trong nhóm các nước hàng đầu”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HÐQT FPT khẳng định. Còn tạp chí Forbes thì nhấn mạnh: “Rất ít người nghĩ rằng, Việt Nam có thể có được vị trí như Thung lũng Silicon của Mỹ, thế nhưng Việt Nam có một tinh thần công nghệ và lực lượng lao động có trình độ không khỏi khiến người ta nghĩ về nhiều câu chuyện khởi đầu trong ngành công nghệ Mỹ trước đây”.
Còn ông Marc Fontaine, Giám đốc Chuyển đổi số của Airbus trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu năm cũng chia sẻ, “chúng tôi tìm kiếm những đối tác có năng lực, có sức cạnh tranh cao và có tiềm năng phát triển để hợp tác. Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố này”. Vậy là, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn lên và có vị trí cao trong cuộc cách mạng 4.0. Và đây cũng là con đường đi giúp rút ngắn quãng đường trở thành nước CNH, HÐH vào năm 2030 đã được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 23.
Nhân lực và pháp lý kinh doanh
“Vấn đề cần quan tâm hiện nay là nguồn nhân lực. Các kỹ sư Việt Nam phải sẵn sàng học tập cái mới để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn ngay trong nay mai. Công nghệ 4.0 đòi hỏi mỗi lao động phải hiểu biết, có kỹ năng số”, ông Trương Gia Bình chia sẻ về một trong các yếu tố cần thiết để Việt Nam vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài nhân lực, thì pháp lý kinh doanh trong cách mạng 4.0 cũng là điều đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Những lợi thế về đất đai, nguồn lao động giá rẻ có thể không còn quan trọng nữa mà khung pháp lý 4.0 sẽ là lực hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin... trong công cuộc chuyển đổi số.
Và trên hết, sự chủ động tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ là những lực đẩy quan trọng cho Việt Nam vươn lên. Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chia sẻ tại Diễn đàn CNTT cấp cao 2018 rằng, “kinh tế số không còn là tương lai. Nó chính là cái ta đang sống, làm việc. Với câu hỏi kinh tế số là gì, cách mạng 4.0 là gì thì câu trả lời hay nhất là: đó là cái tôi/ta đang làm”.